4 kinh nghiệm đáng nhớ cho sinh viên khi xin việc làm ở trường học tại Úc

0

Bạn đang là sinh viên tại Úc? Bạn vô cùng lo lắng liệu có thể xin được công việc tốt ngay tại  ngôi trường mình đang học?

Những kinh nghiệm quý báu của bạn Phương Thảo, người đã xin việc thành công tại trường University of Tasmania (UTAS) sau đây chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn trong việc định hướng và tìm cơ hội việc làm.

1- Hãy tự tin nộp hồ sơ vào các chương trình dành cho sinh viên của trường đại học

Hiện tại, Phương Thảo đang đảm nhiệm vị trí SIPSCampus Event Officer tại Mumford’s Pride – một chương trình tình nguyện dành cho sinh viên tại UTAS. Trong quá trình làm việc, Thảo làm quen với các bạn khác đến từ nhiều nước trên thế giới, đang công tác và thực tập tại đây, trong đó có một bạn người Việt Nam. Các trường đại học tại Úc nói chung đều khuyến khích môi trường làm việc đa quốc gia. Vì vậy, bạn đừng ngại ngần vấn đề quốc tịch mà bỏ qua những cơ hội tốt.

2 – Tìm kiếm cơ hội việc làm tại những trang web tuyển dụng như Career hub

Tìm kiếm công việc và tạo hồ sơ xin việc là một việc quan trọng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng

Career Hub là một trong những trang web hữu dụng trong việc tìm kiếm việc làm chính thức và tình nguyện. Bạn có thể tìm được rất nhiều những công cụ cũng như thông tin có ích cho việc viết CV, cover letter và hoàn thành trả lời Selection Criteria. Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu những yêu cầu tuyển dụng cũng như các form hồ sơ của trường. Vì một khi trường đại học, cao đẳng đã đăng tải những thông tin đó lên trang web tức là họ sẽ ưu tiên hồ sơ phù hợp với những yêu cầu họ đề ra.

3 – Nghiên cứu kỹ lưỡng về STAR technique trong việc trả lời Selection Criteria và phỏng vấn

Mỗi vị trí công việc đều có những yêu cầu đặc thù. Nếu bạn muốn tuyển vào một vị trí, bạn phải chứng minh cho họ thấy vì sao mình phù hợp và đáp ứng với những yêu cầu đó, được thể hiện chi tiết khi trả lời Selection Criteria.

Ví dụ: Công việc yêu cầu bạn phải sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề thì bạn cần chứng mình bằng việc viết ra một tình huống thực tế mà bạn đã trải qua, trong đó bạn phải làm gì và đã giải quyết vấn đề một cách rất sáng tạo như thế nào. Ví dụ chứng minh của bạn càng hay thì sẽ càng thuyết phục.

Bạn nên sử dụng STAR technique để trả lời Selection Criteria và phỏng vấn, nếu không, có khả năng bạn sẽ bị loại từ vòng sơ khảo.

4 – Tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, các chương trình đào tạo kỹ năng

Tham gia hoạt động tình nguyện sẽ giúp bạn có được thiện cảm từ nhà tuyển dụng

Việc tham gia Vice- Chancellor’s Leadership Program là điểm cộng lớn giúp Phương Thảo được nhận việc làm. Các nhà tuyển dụng đều rất thích những ứng cử viên đã hoặc đang tham gia chương trình này. Chương trình gồm ba phần hoàn toàn miễn phí, nhưng bạn không nhất thiết phải tham gia tất cả các phần. Khi bạn tham gia bất kỳ hoạt động tình nguyện nào của chương trình này, nó đều sẽ được ghi nhận trên bảng điểm (Academic transcript) khi bạn tốt nghiệp.

Ngoài ra, Phương Thảo còn là tình nguyện viên (volunteer) của Mumford’s Pride trước khi xin vào làm việc chính thức ở vị trí hiện tại. Tại đây, cô được đào tạo các khóa học về cấp cứu sức khỏe hoàn toàn miễn phí và được cấp thẻ làm việc cho công tác hỗ trợ cứu thương.

Bạn hoàn toàn có thể tìm những chương trình tương tự để tham gia và ghi thêm điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Lưu ý, bạn cần chọn công việc tình nguyện có tính chọn lọc, đủ để có thể diễn giải những kỹ năng cần thiết của bản thân với công việc mà nhà tuyển dụng yêu cầu.

Ví dụ: Nếu bạn là Người hướng dẫn (Mentor)  thì  bạn học được kĩ năng làm việc nhóm (team work) và kỹ năng giao tiếp với bạn bè quốc tế (communicate with people from diverse backgrounds)

Hi vọng nhưng chia sẻ trên sẽ hỗ trợ các bạn phần nào trong việc định hướng nghề nghiệp ngay khi còn đang đi học cũng như hoàn thiện quá trình phỏng vấn xin việc tốt hơn. Đây cũng là cơ hội tốt giúp các bạn có được tấm vé định cư tại Úc. Chúc các bạn thành công!

 

 Theo Visatas