Anh chàng đang theo học tại Brisbane chia sẻ kinh nghiệm sau 8 tháng du học

0

Phan Duy (25 tuổi) đang theo học Master of business (Marketing)- Queensland University of Technology tại Brisbane chia sẻ kinh nghiệm về chuyện du học ở Brisbane sau khoảng thời gian 8 tháng sinh sống và học tập tại xứ người.

Duy là cựu sinh viên tại RMIT Việt Nam ngành Truyền thông chuyên nghiệp, từng làm copywriter tại Dentsu Vietnam.

Cùng đọc bài viết của Phan Duy nhé!

Tính tới thời điểm này là đã bước sang tháng thứ 8 mình đi du học tại Brisbane. Cái xong, đang trong lúc suy nghĩ ý tưởng để làm bài assessment cái mình tự nhiên muốn chia sẻ những gì mình lụm lặt trong suốt 8 tháng qua. Mình nghĩ cái này sẽ giúp đỡ ít nhiều gì đó cho những bạn sắp đi du học với lại tranh thủ trả lời luôn cho mấy bạn hay hỏi mình vụ đi du học. Sau đây là những gạch đầu dòng:

1. Đừng mang quá nhiều đồ theo!

Đây là điều mà tui đã ráng thuyết phục ba má tui nhưng bất thành. Thật sự chỉ nên mang những món đồ cần thiết ví dụ như áo quần, áo ấm các thể loại. Nhớ đợt chuẩn bị qua, ba má tui lo sợ tới mức thiếu điều mua được cái nồi cơm điện chắc cũng mua xách qua cho bằng được. Nhưng trên thực tế thì mang qua cũng không xài nhiều như: bàn ủi. Chắc kể từ ngày đặt chân đến xứ này thì ủi được 1 lần vì đa phần toàn mặc áo thun cho lẹ. Nghĩ tới viễn cảnh phải ủi ủi là thấy mệt trong người.

Thật ra nếu cần thì có thể chạy ù ra K-mart “bạn của mọi nhà” ở đây để mua tất cả những thứ mình muốn với giá cả phải chăng, rất phải chăng nha quý vị nhiều khi có những món đồ tui phải nói là rẻ lắm luôn đó. Ngạc nhiên chưa. Với lại quần áo thì cứ canh mùa sale mà mua. Điển hình là Topman bên này sale chắc tầm 2-3 tháng là sale một lần hoặc H&M cũng hay sale nữa.

2. Hãy là một Opportunist thực thụ!

Thật sự, Opportunist khi dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “người cơ hội” thường đôi khi mang theo nghĩa negative. Nhưng ở đây có thể hiểu là một người luôn tìm kiếm những cơ hội khác nhau. Thật ra, đã dám đi ra nước ngoài học, ở một mình thì chơi hết mình luôn nha. Đừng ngại tìm kiếm những cơ hội để có thể phát triển bản thân.

Ví dụ như khoảng thời gian đầu, tui đi làm phục vụ để từ từ hoà nhập với cuộc sống bên này, quan sát mọi thứ ở đây như thế nào. Cũng may là làm ngay shop take away mà lượng khách chủ yếu 90% là các bạn Australian nên thành ra có cơ hội để quan sát, lụm lặt kinh nghiệm. Cũng nhờ cái đó nên khi tham gia phỏng vấn để làm Promotional Staff (nó chính là PG-PB đó!) cho một công ty về gamble bên này, mình kết hợp thêm kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam nên đã có thể thành công vượt qua vòng phỏng vấn nhóm với 7 ứng viên khác để chọn ra 5 người mà trong đó hết 5 người là Úc hoặc đến từ nước nói tiếng Anh như Canada và 2 bạn đến từ Chile với Ghana.

Nhờ có công việc này, mình có cơ hội đi nhiều, tiếp xúc được nhiều và quan sát lẫn trải nghiệm được nhiều hơn. Thật sự 8 tháng qua đã thay đổi mình khá nhiều khi nhìn được nhiều lăng kính cuộc sống hơn.

Một vài bạn hay hỏi mình làm sao mình làm được những điều như vậy. Mình chỉ nghĩ là tụi mình hãy trở thành những Opportunist thực thụ. Cứ tìm, cứ kiếm thì đi cũng thành đường.

3. Tự tin! Tự tin! Tự Tin!

Cái này là keyword để tồn tại bên này lẫn cả ở Việt Nam nè. Tự tin chẳng gì là sai, tự tin chỉ để cho mình mở rộng cơ hội bản thân mà thôi. Cho nên, cứ tự tin nói tiếng Anh, giao tiếp với mọi người. Sai chỗ nào sửa chỗ đó. Mình nghĩ cái này là quan trọng nhất. Đừng sợ bị cười. Nói chung “mặt dày” một chút sẽ có lợi cho đôi đường. Ví dụ như ngày xưa mình viết tiếng Anh sai rất nhiều, nhưng từ lúc học RMIT rồi sang bên này, viết nhiều rồi đi hỏi này hỏi nọ thì cái sai của mình của mình nó giảm xuống rất nhiều. Còn không thì về chuyện giao tiếp bằng tiếng Anh. Ơn trời là ba má cho đi học ở RMIT nên về khoản này là khoản mình đỡ lo lắng nhất. Tuy nhiên, mình vẫn đang tiếp tục cải thiện vì một vài từ mình vẫn còn phát âm sai. Mình chủ động nhờ bạn bè chỉnh lại. Thật ra cứ sai rồi sửa chẳng sao cả.

Với lại đừng kém tự tin là mình là du học sinh nên sẽ không có ai tuyển. Như mình đã nói khi mới sang có thể bắt đầu bằng những công việc tay chân và sau đó thì tìm những cơ hội khác nhau. Như có người bạn của mình ở đây, vừa sang tầm 2-3 tháng đã được làm cho Novotel ở Sydney. Vấn đề là bên cạnh may mắn, điều quan trọng nữa là phải tự tin tìm kiếm cơ hội, từ từ rồi mọi thứ sẽ ổn.

4. Tìm nhà và tìm nhà

Bên này ngoài chuyện theo dõi các hội, nhóm du học sinh để tìm nhà thì có thể xem trên flatmate.com.au. Nói chung nhà phải coi kỹ, có hợp đồng kỹ càng thì sau này lỡ có bề gì xảy ra mới nói chuyện được. Ví dụ như đợt nhà của mình kỳ trước, xảy ra chút chuyện nhưng may là có hợp đồng nên có gì vẫn có thể nói chuyện. Còn như bạn mình ở Melbourne, nhà không có hợp đồng nên đùng phát xảy ra chuyện thì đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Còn không nếu sang ở được một thời gian và cảm thấy bản thân đủ chi trả được thì có thể cùng với 1-2 người bạn cùng nhau ký hợp đồng thuê apartment. Thủ tục sẽ hơi nhiều hơn vì phải nộp hồ sơ để xét duyệt các kiểu với lại mua đồ đạc hơi nhiều nhưng bù lại ở với những người mình biết thì vẫn sẽ ổn hơn.

5. Đăng ký Mã số thuế ngay khi vừa sang

Đây là một trong những điều đầu tiên mình làm khi đặt chân sang Úc. Không phải gì hết nhưng mà chuẩn bị sẵn sẽ tiện hơn, nhất là khi cơ hội đến thì người ta có hỏi thì có thể đưa ngay mã số thuế. Thủ tục đăng ký rất tiện, search google ra hết.

6. Học cách xài Google và Google Map

Cái này là tối quan trọng vì ở đây bạn bè cũng không ai giúp đỡ mình. Thỉnh thoảng, nếu nó có rảnh rảnh nó cũng sẽ chỉ cho mình nên toàn bộ tiết kiệm thời gian cho mình và cho người ta thì tốt nhất nên Google hết tất cả mọi thứ trước khi hỏi. Kỹ năng này mình đã được thành thạo ở RMIT Cái gì cũng research ở Google rồi mới bắt đầu hỏi bạn để thấy mọi thứ sẽ ra như thế nào.

Rồi Google Map nha. Tui rất tự tin là tui biết xài Google Map vậy mà qua đây cái trớt quớt luôn trời ơi. Nhớ ngày mới qua lạc một nửa thành phố luôn nên học cách xài Google Map tại vì nhớ tên đường cũng không nổi, lên Sydney hay Melbourne thì chắc nín luôn vì phải phụ thuộc vào Google Map là chủ yếu.

7. Đặt bản thân mình vô chế độ “sống còn”

Thật sự là làm vậy tui mới có thể trụ vững tới 8 tháng. Lúc nào cũng tự nghĩ hết đường về rồi, hết đường lui là tập tức bản năng sống còn trỗi dậy mạnh mẽ. Nhiều lúc chỉ muốn xách vali đi về nhà ngay lập tức vì cảm thấy quá chán nản nhưng rồi phải kích bản năng sống còn để tiếp tục đi tiếp. Tui thì không sợ khó khăn chỉ sợ bản thân tự nhiên có ý nghĩ “thu dọn đồ đạc và đi về nhà thôi”

 

Daisy- Theo Tri Thuc tre