APEC kết nối nhịp cầu đối tác kinh tế Úc – Việt

0
hop tac viet uc
hop tac viet uc

 

Từ 18 – 30/8/2017, tại TP Hồ Chí Minh, sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp APEC (SOM 3) và các cuộc họp liên quan. Đây là hội nghị SOM thứ tư kể từ đầu năm APEC 2017 và là đợt hội nghị lớn thứ ba của Năm APEC.

Với quyết tâm tổ chức thành công SOM 3, tạo tiền đề thuận lợi hướng tới tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng tháng 11 tới, Việt Nam cùng các đối tác kinh tế thành viên APEC trong đó có Australia đã triển khai quá trình cụ thể hóa bốn ưu tiên trọng tâm của năm APEC 2017 thành các văn bản, tài liệu, dự án, từ đó thúc đẩy hợp tác APEC trong các năm tới. Theo lịch trình, SOM 3 sẽ có sự tham dự của khoảng 2600 đại biểu trong và ngoài nước, tổ chức 75 cuộc họp, hội thảo, đối thoại…của các ủy ban, nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực khác nhau: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, kinh tế mạng, phát triển bao trùm về kinh tế…

Trong dịp này, các đại biểu APEC sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn trên các lĩnh vực then chốt hướng tới triển khai ngày càng cụ thể 4 ưu tiên của Năm APEC 2017 cũng như mục tiêu dài hạn của APEC về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Các Ủy ban, Nhóm công tác của APEC cũng sẽ thảo luận hướng các văn kiện trình các Bộ trưởng APEC thông qua, tạo cơ sở để chuẩn bị nội dung và chương trình của Tuần lễ Cấp cao vào tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng.

 

hop tac viet uc
Hợp Tác Việt Úc

Hiện nay, kinh tế tăng trưởng nhưng còn nhiều rủi ro, nhất là các tác động trái chiều của toàn cầu hóa cũng như sự phát triển công nghệ, trong đó có cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Do vậy, các hội nghị này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thích ứng được những thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thúc đẩy hợp tác. Với việc thực hiện các ưu tiên và sáng kiến tại APEC 2017, Việt Nam và Australia đang có những yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước, mà mục tiêu gần nhất là thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai quốc gia trong những năm tới. Để hướng tới mục tiêu này, Hà Nội và Canberra đã cùng ra tuyên bố tăng cường hợp tác toàn diện Australia-Việt Nam năm 2015, đồng thời với việc cụ thể hóa các hoạt động hợp tác nêu trong  bản Kế hoạch Hành động Australia – Việt Nam giai đoạn 2016-2019 mà Ngoại trưởng hai nước ký kết vào tháng 11 năm 2016.

Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Australia và Việt Nam đã có truyền thống từ 26 năm qua, có tính bổ trợ cao, được hỗ trợ bởi các khuôn khổ hợp tác như Hiệp định Tự do thương mại (FTA) ASEAN-Australia, APEC; và sắp tới có thể là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn khu vực (RCEP) cũng như TPP (nếu tiếp tục được triển khai). Tính riêng năm tài chính 2016 – 2017, Australia dành khoảng 83,6 triệu đôla Australia viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, đưa Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách các nước nhận viện trợ của Australia. Canberra cũng là đối tác đầu tư lớn thứ 19 tại Việt Nam với 407 dự án, trị giá 1,85 tỷ USD; đồng thời là thị trường đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam với 36 dự án, trị giá gần 200 triệu USD. 

Với vai trò Đối tác Kinh tế trong APEC, hợp tác Australia-Việt Nam sẽ bao hàm các nội dung sau: Cam kết theo đuổi các lợi ích chung về kinh tế đã được đưa ra trong Kế hoạch Hành động Australia – Việt Nam giai đoạn 2016-2019; Khuyến khích sự phát triển năng động của khu vực kinh tế tư nhân; Thúc đẩy các cơ hội kinh doanh và tiếp cận thị trường; Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ; Thúc đẩy tăng trưởng bền vững thân thiện với môi trường.

Hội nghị SOM 3 và sắp tới là Tuần lễ cấp cao APEC tháng 11/2017 sẽ là những cơ hội tốt để doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Australia tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick, điều cần thiết hiện nay là làm sao mang thông tin và tạo cầu nối cho doanh nghiệp với thị trường nhằm giúp doanh nghiệp hai nước khai thác và đẩy mạnh xuất khẩu. Nếu tận dụng tốt cơ hội, các thỏa thuận được ký kết tại APEC 2017 sẽ góp phần mang lại lợi ích to lớn cho quan hệ thương mại hai chiều giữa hai quốc gia.

 

 

Đánh giá bài viết