Bất ngờ với những thứ mà người dân Sydney “rút hầu bao” chi tiêu

0

Vietucnews – Không phải chi phí năng lượng tăng, phí cầu đường hay xăng dầu đang “tấn công” mạnh nhất vào “hầu bao” của người dân New South Wales mà bảo hiểm y tế, kỳ nghỉ lễ ở nước ngoài và các bữa ăn nhà hàng đang “ngốn” một lượng đáng kể ngân quỹ các gia đình Úc.

Chi phí sinh hoạt, đặc biệt là tại Sydney, là một vấn đề lớn trước thềm bầu cử ở NSW khi chuẩn bị diễn ra các cuộc thăm dò vào ngày 23 tháng 3.

Trung tâm nghiên cứu xã hội và phương pháp của Đại học Quốc gia Úc đã “dùi mài” các con số để tìm ra các “điểm chốt” tài chính dành cho cử tri Sydney.

Kết quả cho thấy từ năm 2008 đến 2018, chi phí y tế đã tăng từ 2,8% lên 4% tổng thu nhập hộ gia đình của Sydney.

“Bước nhảy vọt” lớn thứ hai trong chi tiêu là dành cho các kỳ nghỉ lễ quốc tế. Theo đó, người dân Sydney hiện chi 3% tổng thu nhập của họ cho các chuyến du lịch nước ngoài so với 2,2% trong năm 2008.

Các bước nhảy về chi tiêu lớn khác cũng được ghi nhận như phí bảo trì nhà cửa (từ 2% đến 2,7% thu nhập hộ gia đình) và chăm sóc trẻ em (0,8% đến 1,4%).

Các bữa ăn tại nhà hàng nằm trong top 5 nhóm chi tiêu khi tăng từ 2,8% lên 3,4% tổng thu nhập hộ gia đình.

GIÁ ĐIỆN VÀ XĂNG DẦU RẺ HƠN

Trưởng nhóm nghiên cứu Ben Phillips cho biết với tác động của nhiều phương tiện truyền thông và sự tập trung của bộ máy chính trị vào giá nguồn năng lượng, một số người có thể thấy những kết quả trên đáng ngạc nhiên.

“Chắc chắn đó là trường hợp giá điện tăng. Có lẽ điện đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua – nhưng chúng ta đang sử dụng điện ít hơn trước một chút”, ông nói.

Ông Phillips cho biết mọi người đã điều chỉnh hành vi của mình khi giá năng lượng tăng.

“Vì vậy, chúng ta chỉ phải chi 30 đô la/tuần cho điện ở Sydney, trong khi có thể chi gấp đôi số đó cho các bữa ăn tại nhà hàng”.

Giá xăng hiện đang thấp hơn của 10 năm trước, ông Phillips nói.

Ước tính của ông đã tính đến thu nhập được điều chỉnh theo thay đổi chi phí sinh hoạt và dữ liệu từ Cục Thống kê Úc (ABS) bao gồm chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát và số liệu tài khoản quốc gia, cũng như khảo sát thu nhập và nhà ở.

Nhà ở vẫn là chi phí đắt đỏ nhất đối với người ở Sydney đang đi thuê nhà hoặc vay vốn mua nhà. Nhưng tính theo mức thu nhập, giá nhà ở đã không tăng vọt như một số chi phí khác trong 10 năm qua.

Ông Phillips cho rằng điều này phần lớn là do lãi suất thấp hiện nay.

“Lãi suất thế chấp mua nhà đã giảm đáng kể từ 8.4 % xuống 4,8%”, ông nói.

“Lãi suất đã tăng cao hơn nhiều trong năm 2008 và tỉ lệ nợ chỉ cao hơn một chút so với hiện nay.”

Ngay cả khi giá nhà ở Sydney giảm gần đây, đây vẫn là nơi giá nhà ở đắt nhất để mua, trung bình gần 800.000 USD, theo số liệu của tập đoàn phân tích bất động sản CoreLogic.

Dữ liệu từ cổng thông tin bất động sản kỹ thuật số Domain cho thấy giá thuê nhà ở Sydney đã giảm 1,8% trong năm 2018 xuống còn 540 đô la/tuần – lần giảm đầu tiên trong 12 năm.

Nguồn: abc.net.au