Có nên mua bảo hiểm xe ô tô tại Úc?

0
2163

Vietucnews – Bảo hiểm, nhất là bảo hiểm xe vô cùng quan trọng ở Úc. Không phải lo xa, nhưng bảo hiểm giúp bạn yên tâm khi tham gia giao thông và là phương án dự phòng khi có tai nạn xảy ra.

Thuế đường (car registration)

Gọi là thuế đường nhưng thực chất trong đó gồm 2 phần – thuế lưu hành và bảo hiểm đệ tam nhân (3rd party personal injury). Đây là thuế lưu hành, chính phủ dùng để bảo dưỡng những con đường không còn ổ gà, ổ voi.

Thậm chí, loại thuế này  còn phải chi trả cho xây dựng, cải thiện những ống cống thoát nước để mưa lớn, nước không tụ trên đường gây nguy hiểm.

Thuế đường – loại thuế bắt buộc tại Úc. (nguồn: dantri.com)

Bảo hiểm đệ tam nhân

Còn bảo hiểm đệ tam nhân là một loại bảo hiểm để chính phủ lo cho người bị thương tích trong tai nạn xe cộ (road-related-injury). Ví dụ như trường hợp một người chạy xe và bị một người khác đâm vào.

Quyền lợi đi kèm là gì?

Nếu bạn bị thương tích thì Ủy Hội lo về thương tích trong tai nạn xe cộ – TAC – Traffic Accident Commision – sẽ lo liệu toàn bộ. Trong trường hợp, bạn bị thương tích nặng không đi làm nổi thì họ sẽ thay thế chủ trả lương. Nếu nhẹ hơn, chỉ bị đau, thì họ trả tiền cho bạn đi trị liệu. Mua thuốc họ trả tiền.

Nếu mình bị thương tật vĩnh viễn thì họ sẽ đền một số tiền tương xứng với phần trăm mất khả năng làm việc. Nếu ai cắc cớ hỏi, “TAC lo cho tôi, còn người đụng tôi mà có lỗi (như uống rượu, đi mây về gió,…) mà người đó bị thương tích nặng nề thì TAC có lo không”.

Câu trả lời là “có”, TAC cũng đối xử như vậy với bên có lỗi. Vì bảo hiểm 3rd party personal injury chúng ta đóng hàng năm – mục đích bất phân ai lỗi ai phải, hễ bị thương tích họ sẽ xử lý và bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm tài sản đệ tam nhân

Còn cái bảo hiểm xe thường mua, ví dụ của RACV, NRMA, QBE, AAMI được gọi là bảo hiểm tài sản và bảo hiểm tài sản đệ tam nhân.

Trở lại việc đụng xe giữa hai người ở trên. Nếu xe bạn có bảo hiểm 2 chiều (comprehensive insurance) thì bên công ty bảo hiểm sẽ lo sửa chữa xe trước (nếu sửa không được thì trả tiền mình mua xe khác), nhất là sau khi họ bắt mình đóng vượt mức.

Và sau đó, họ sẽ truy bảo hiểm người bên kia để bắt bên đó bồi thường. Khi họ được bồi thường thì bạn có quyền yêu cầu họ trả lại tiền đóng vượt mức, dôi da trước đó. Chuyện này xảy ra ngay khi cả hai người mua chung một hãng bảo hiểm, tức tay trái trả tay phải.

Đây là trường hợp mua bảo hiểm 2 chiều có lợi. Lỡ người bên kia có tí rượu trong người, hay không có bằng lái xe,… thì bảo hiểm bên kia có quyền không đền cho người đó. Nhưng vì chúng ta có 2 chiều, nên họ vẫn phải lo.

Nếu xe bạn chỉ có 1 chiều thì sao?

Vậy thì nếu xe bạn chỉ có 1 chiều thì sao? Chỉ còn cách tiến hành thủ tục dân tụng mà thưa người kia ra tòa.

Đây là chuyện thường tình ở Mỹ, nên ở Mỹ lái xe là phải có mua bảo hiểm. Ở Úc du di hơn, ai muốn mua bảo hiểm tài sản thì mua, việc này không bắt buộc.

Nhưng trong trường hợp, xe không bảo hiểm tài sản, lỡ cọ quẹt với một chiếc xe khác. Bạn biết rằng mình không có lỗi, nhất định không nhận bồi thường, hai bên kéo nhau ra tòa.

Lúc này, tòa phán mình chỉ có 10% lỗi và bên kia 90% lỗi. Do đó, bạn chỉ cần chịu 10% thiệt hại xe kia và ngược lại. Nhưng liệu rằng bạn có còn vui khi nhận được giấy báo rằng nhận được giấy báo rằng chiếc xe mình trị giá 10 ngàn, bên kia lỗi 90% nên trả cho mình 9000. Xe họ trị giá 100K, bạn chỉ phải trả 10% thiệt hại của họ, tính ra 10 ngàn.

Nguồn: somolode

Giá mua bảo hiểm bao nhiêu?

Thế nên, làm gì làm, cũng ráng ít nhất có bảo hiểm 1 chiều. Lỡ có chuyện gì thì bảo hiểm sẽ lo sửa xe bên kia cho mình. Bớt được cái lo.

Bảo hiểm thì hằng hà sa số. Giá bảo hiểm thì vô cùng. Bảo hiểm 2 chiều cho chiếc xe tầm $700/1 năm. Nếu mình trên 25 tuổi, giá giảm một chút, dưới tầm tuổi đó thì mắc hơn.

Nếu mình muốn cover bể kính xe thì chi phí bảo hiểm cũng cao hơn. Còn nếu bạn muốn ai cũng lái được phí bảo hiểm cũng cao hơn (nếu không thì mình phải cung cấp cho bảo hiểm thông tin những người có quyền lái). Nếu xe đụng phải sửa mà bạn muốn bảo hiểm mướn xe cho mình chạy thì lại thêm phí. Mỗi thứ mỗi chút. Cao thấp là do mình.

Thường thì bảo hiểm cover luôn hỏa hoạn và bị mất cắp. Touch wood, nếu xe bị mất cắp mà khi kiểm ra thì xe tanh bành, wrecker (nghĩa địa xe) còn chê hay nếu sửa mắc quá thì hãng bảo hiểm sẽ đền tiền cho mình.

Ví dụ chiếc xe Toyota đời 2008, tới 2019 thì giá tầm 6000. Có thể bảo hiểm sẽ gửi cheque 4000 và yêu cầu chủ xe ký giấy xóa bàn, truất quyền tố tụng với họ. Nhưng đừng vội đi đổi ra tiền mặt.

Trước hết, lên mạng sục xạo kiếm mấy cái quảng cáo bán xe cũ cùng đời, canh trong vòng km đã chạy (không cần chính xác) và cũng đầy đủ như xe của mình. Kiếm chừng 3 cái, hãy trả lời công ty bảo hiểm một cách chắc chắn rằng: chiếc xe của bạn cũng có điều kiện tốt như những chiếc xe này (có kính chắn, camera…) mà còn được giao bán ít cũng 5000, thậm chí là 5900. Vậy con số 4000 đề xuất kia có hợp lý không?

Chắc chắn rằng, công ty bảo hiểm sẽ gửi lại cho bạn thê một cái checque khoảng 500 – 800 nữa.

Tóm lại, với hãng bảo hiểm thì phải trả giá như vậy mới không bị thiệt.

Nguồn: Fb Oz Nguyen