Đến Úc làm việc, người lao động nhập cư “sập bẫy” ăn chặn tiền lương

0
Khách sạn Hydro Majestic tại Blue Mountains là nơi bị "tố" ăn chặn tiền lương của nhân viên nhập cư theo diện visa 407.

Vietucnews – Cứ mỗi nửa tháng, Arindam Biswas lại phải ngậm ngùi nhìn số tiền lương xấp xỉ 1600 đô la của mình bị chủ lao động trừ đi hơn một nửa dưới danh nghĩa chi phí ăn ở!

Biswas (28 tuổi) rời quê nhà Kolkata, Ấn Độ để đến làm việc tại một trong những khách sạn nổi tiếng nhất nước Úc – Hydro Majestic (Blue Mountains). Đây là thành viên của chuỗi khách sạn hạng sang Escarpment Group với những cái tên tiêu biểu như Lilianfels, Echoes (Katoomba), Parklands Country Garden and Lodges (Blackheath) và Convent Hunter Valley.

Với quyết định ứng tuyển tại Hydro Majestic, Biswas đã gia nhập đội ngũ lao động nhập cư hùng hậu của Escarpment Group đến từ Ấn Độ, Philippines và Việt Nam. Họ băng đại dương đến Úc dưới diện visa đào tạo tay nghề 407 (407 Training Visa) và phải cam chịu tình cảnh tăng ca không lương cũng như bị chủ chèn ép, lạm thu tiền thuê nhà. Đáng buồn thay, những trường hợp tương tự như Biswas vẫn đang diễn ra hàng ngày.

Biswas là một trong số những người lao động nhập cư đến Úc dưới diện visa 407.

Người lao động nhập cư phải trả hơn 6600 đô la cho một kỳ thực tập kéo dài 52 tuần, đồng thời phải ngủ chung với nhau trong căn phòng chật hẹp mà chủ đã thuê. Cái giá 480 đô la/tuần cho một căn phòng nhỏ là quá đắt, nhiều hơn 60 đô so với tiền thuê trung bình cả một căn nhà tại Blue Mountains.

Năm ngoái, khoản tiền 960 đô cho chi phí ăn ở vẫn còn xuất hiện trên bảng lương của những nhân viên này. Thế nhưng năm nay, số tiền đó hoàn toàn biến mất tăm và chỉ được quản lý âm thầm trừ vào tài khoản ngân hàng của người lao động.

Bất cứ ai có ý định phản kháng và rời đi đều bị đe dọa chấm dứt hợp đồng, do đó không có cách nào gia hạn visa.

Bảng phân công của những nhân viên nhập cư cho thấy họ phải làm việc đến 50 tiếng/tuần. Chủ khách sạn đã ngụy trang bằng cách ép họ ký vào bảng phân công thứ hai với số giờ làm việc chỉ 38 tiếng. Với hình thức phân công gian dối như trên, người lao động bị buộc phải tăng ca thêm gần 12 tiếng/tuần mà không được trả thêm đồng nào.

Khoản phí ăn ở 960 đô/2 tuần đã bị “phù phép” biến mất trên bảng lương năm nay.

Những nhân viên nhập cư làm việc tại Escarpment Group cho biết họ cảm thấy như bị cầm tù từ khi trở thành một mảnh ghép của tập đoàn.

Đáp lại những cáo buộc, Escarpment Group khẳng định họ đang hợp tác điều tra với Bộ Nội vụ và Fair Work, hoàn toàn không có chuyện “quỵt” lương hay bóc lột bất kỳ nhân viên nào, kể cả những người đến Úc bằng visa 407.

“Escarpment Group đang tích cực phối hợp hỗ trợ điều tra với cơ quan chức năng, đồng thời nghiêm túc chấp hành các điều lệ và quy định trong việc sử dụng lao động,” thông cáo cho biết. “Hiện quá trình điều tra vẫn chưa kết thúc, do đó, chúng tôi chưa thể đưa ra bình luận về sự việc lần này.”

Thay vào đó, số tiền này lại bị trừ thẳng vào tiền lương của nhân viên khi chuyển khoản.

Luật sư Sharmilla Bargon từ văn phòng luật Redfern nhấn mạnh rằng người sử dụng lao động phải tuân thủ luật pháp hiện hành và trung thực trong việc kê khai bảng lương cũng như bảng phân công. Nếu có khoản khấu trừ trong tiền lương của người lao động, số tiền đó phải được nêu rõ trong bảng lương.

“Một khi bị phát hiện ngụy tạo bảng lương và hồ sơ làm việc của nhân viên để trục lợi, chủ lao động sẽ phải hầu tòa và nộp số tiền phạt lên đến 63,000 đô la,” bà nói.

Andrew Stewart, giáo sư ngành Luật tại Đại học Adelaide, cho biết khấu trừ cho việc ăn ở vẫn được chấp nhận, miễn là chi phí hợp lý và phục vụ cho lợi ích của người lao động. “Ép nhân viên chen chúc trong một căn phòng nhỏ đã vi phạm bộ luật lao động liên bang (Fair Work Act),” ông nhận định.

United Voice cho biết theo quy định, nhân viên ngành khách sạn không thể bị khấu trừ quá 204.12 đô la/tuần cho chi phí thuê một căn phòng chung và 3 bữa ăn mỗi ngày. Liên đoàn đại diện cho người lao động còn khẳng định hành vi chèn ép nhân viên của Escarpment Group phải được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Tương lai vô vọng

Khi mới đến Úc với tấm bằng Thạc sĩ Quản trị nhà hàng – khách sạn quốc tế từ Thụy Sĩ, Biswas được hứa hẹn mức lương 51,648 đô la/năm, kèm theo 9.5% tiền quỹ hưu trí.

Anh bị sốc nặng khi hay tin mình sẽ bị trừ 480 đô la/tuần để ăn uống và sinh hoạt trong căn phòng bé xíu với một nhân viên khác. Giờ đây, anh chỉ còn vỏn vẹn 330 đô la/tuần để trang trải cho những nhu cầu khác trong cuộc sống. Số tiền ít ỏi đó còn chẳng đủ để Biswas xoay sở nhằm trả khoản nợ từ thời sinh viên.

Biswas cay đắng cho biết nhiều người bạn của anh được trả lương cao gấp 3 lần khi làm việc ở chỗ khác. Lương của anh đã rơi vào nhóm thấp nhất cho vị trí lễ tân ở Úc, vì thế, kế hoạch tiết kiệm là hoàn toàn bất khả thi.

Đây là căn phòng của Arindam Biswas và một nhân viên khác trong thời gian làm việc tại khách sạn.

Trước đó, Biswas đã trả 6635 đô la cho Australian Internships để tham gia chương trình thực tập 52 tuần, bao gồm 1120 đô la phí bảo hiểm và 955 đô phí làm visa. Chính phủ Úc thu 310 đô la cho một hồ sơ visa diện 407.

Điều đáng nói là trong hợp đồng do Escarpment Group và Australian Internships đưa ra, khoản phí ăn ở cụ thể không được đề cập. Họ chỉ nói qua loa: “chương trình thực tập có cung cấp chỗ ở là phòng đôi cho nhân viên, kèm theo 3 bữa ăn mỗi ngày”.

Bên chủ lao động đưa ra điều khoản hết sức mập mờ về chi phí ăn ở.

Đến khi Biswas đã trả phí làm visa, Australian Internships mới gửi mail thông báo về khoản phụ thu ăn ở, trong đó quy định người lao động không được phép đổi phòng hay tự ý thuê nhà. Sau đó, anh bị ép ký vào bản thỏa thuận chi trả 480 đô la/tuần. Nhiều nhân viên khác với thu nhập dưới 50,000 đô/năm của tập đoàn cũng bị buộc phải thỏa hiệp với điều khoản vô lý này, trong đó có cả đội ngũ làm việc tại Katoomba – nơi tiền thuê một căn nhà 3 phòng ngủ chỉ dao động từ 390 – 450 đô la/tuần.

Không chỉ thế, nhân viên tại đây cũng thường xuyên phải bỏ bữa vì lịch làm việc dày đặc. Quá đáng hơn, trước khi bùng nổ làn sóng khiếu nại về chất lượng thực phẩm vào cuối năm ngoái, họ còn phải dùng thức ăn thừa của khách để lại, còn khách sạn thì vẫn thu tiền ăn ở đều đều.

“Lách luật” ngang nhiên

Những người lao động nhập cư đã mơ về một môi trường làm việc văn minh và công bằng ở Úc, song hiện thực lại phũ phàng tát họ một vố đau. Trung bình, họ phải làm việc quần quật suốt 9 tiếng/ngày, đôi khi lên đến 10 – 12 tiếng nếu có đông khách ghé thăm và chỉ được nghỉ ngơi tầm nửa tiếng. Trong khi hợp đồng quy định họ sẽ làm việc cố định trong 38 tiếng/tuần và tăng ca với thời lượng và lương bổng hợp lý, những người này lại bị chủ lao động bóc lột với lịch phân công từ 45 đến 50 tiếng/tuần, phí tăng ca không trả một xu!

Biswas ngán ngẩm chia sẻ rằng mức lương khi làm việc tại Hydro Majestic chỉ chạm mốc một nửa số tiền anh nhận được cho cùng vị trí ở khách sạn khác trên đất Mỹ và Thụy Sĩ. “Tôi không ngờ chuyến đi đến Úc lại là một cú sốc,” anh cho biết.

Ngược lại, các nhân viên người Úc được đối xử khá công bằng tại Lilianfels – một thành viên thuộc Escarpment Group. “Các đồng nghiệp nhập cư của tôi luôn mong muốn lấy được visa, vì vậy, họ không dám phản kháng ngay cả khi bị bóc lột,” một người lao động bản xứ nói.

Lilianfels (Katoomba) là một khách sạn khác trực thuộc Escarpment Group.

Kết cục đã định

Khi nghe tin Biswas muốn nghỉ việc, ban điều hành khách sạn đã giữ anh lại bằng thỏa thuận chuyển sang một phòng đơn với giá 250 đô/tuần không bao ăn, song lại giảm lương của anh từ 51,648 xuống còn 45,664 đô la/năm. Australian Internships tuyên bố sự thay đổi này sẽ giúp Biswas tiết kiệm 6016 đô la, nhưng không thể xoa dịu nỗi bất mãn của anh với môi trường làm việc ở đây.

Biswas có kinh nghiệm làm việc tại các khách sạn ở Mỹ và Thụy Sĩ.

Ngày 22/06, tức hai ngày trước khi quyết định từ chức, Biswas khiếu nại Australian Internships vì hợp đồng bóc lột sức lao động trá hình chương trình thực tập. Đến ngày 25/06, anh bị sa thải vì dùng máy tính của khách sạn để gửi email chứa bản sao tài liệu bao gồm danh sách phân công tại quầy lễ tân. Tuy nhiên, Biswas phủ nhận việc gửi email có nội dung xâm phạm đến quy tắc bảo mật thông tin của khách sạn và cho biết ban quản lý không hề nghe anh giải thích.

Tính từ ngày nghỉ việc, anh có thời hạn 60 ngày để tìm một nơi công tác khác hoặc xin một visa mới để được tiếp tục ở lại Úc.

Jim Angel, cựu ủy viên Hội đồng Blue Mountains, bày tỏ sự quan ngại về tình trạng bóc lột người lao động nhập cư trong bản kiến nghị điều tra đệ trình lên Thượng viện. Ông nhận định nhân viên của khách sạn thuộc Escarpment Group đã được đáp ứng những phúc lợi tối thiểu, song chi phí ăn ở lại quá cao. “Điều này sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt của ngành công nghiệp du lịch, vốn là huyết mạch kinh tế của Blue Mountains,” ông nói.

Tóm tắt thủ đoạn cắt xén lương nhân viên của khách sạn.

Một cựu nhân viên của Escarpment Group lại cho rằng quyết định cư trú trong căn phòng được thuê sẵn đã giúp anh tiết kiệm thời gian cũng như công sức tìm nhà trong thời gian làm việc ngắn hạn tại Úc.

Một người khác lại chia sẻ rằng anh và các đồng nghiệp cùng là dân nhập cư đã bị lừa vào tròng với bản hợp đồng này. Khi có người lên tiếng, ban quản lý lập tức hăm dọa sẽ sa thải họ khiến visa mất hiệu lực.

Đào tạo – có cũng như không

Các nhân viên cũng “tố” Australian Internships đã không tuân thủ điều khoản đào tạo kỹ năng cho thực tập sinh trong bản hợp đồng. Người lao động gia nhập Escarpment Group chỉ để… tăng ca không lương chứ chẳng học được gì!

Trước sự công kích mạnh mẽ của dư luận, Australian Internships tuyên bố việc tính toán chi phí ăn ở là trách nhiệm của bên chủ lao động, tức Escarpment Group, còn họ chỉ tập trung vào chương trình đào tạo tay nghề tại nơi làm việc.

Parklands Country Garden and Lodges là một khách sạn khác của tập đoàn.

Chuyên gia về luật nhập cư Joanna Howe từ Đại học Adelaide cho biết một số người sử dụng lao động đã lợi dụng điều khoản của visa 407 để chèn ép và cắt xén lương nhân viên thông qua các quy định về chi phí ăn ở và nhiều khoản tiền khác.

“Phong cách quản lý lươn lẹo này đã làm biến chất định nghĩa của từ ‘thực tập’,” Howe nói. “Đây là một hợp đồng bóc lột trá hình, chẳng người dân Úc nào chịu làm việc trong điều kiện tồi tệ như thế cả.”

Biswas chia sẻ rằng khi phỏng vấn qua Skype, ban quản lý khách sạn đã hứa hẹn sẽ đào tạo chuyên sâu cho anh về quản lý doanh thu và nhiều kỹ năng quản trị khách sạn khác, nhưng rồi nhanh chóng trở mặt.

Nguồn: SMH