Du học sinh Việt Nam bị bóc lột bởi chính người Việt – nguyên nhân do đâu?

0

Vietucnews – Việc những chủ nhà hàng Việt trả công rẻ mạt cho nhân công và có nhiều mánh khóe để qua mặt chính quyền vừa được phóng sự của SBS phơi bày.

Phóng viên của đài SBS đã mang theo camera bí mật và đến xin việc tại quán ăn của người Việt tại Úc. Sau đó, tình trạng trả lương như bóc lột tại nhiều quán ăn đã được phơi bày.

1, Các chủ nhà hàng từ chối đưa ra mức lương

Theo đó, trong gần hai mươi nhà hàng mà phóng viên đã hỏi, không nơi nào trả mức lương trên 10 AUD/giờ, trong khi đó mức lương tối thiểu được quy định tại Úc là 17,7 AUD/giờ. Nhiều nhân viên được yêu cầu rằng phải làm việc trong 12 giờ với mức lương từ 100 – 130 AUD/ngày.

Bên trong một nhà hàng Việt ở Melbourne. (Ảnh: SBS Vietnamese/Olivia Nguyen).

Khi người xin việc đưa ra mức lương cô được nhận ở những chỗ làm khác là 17 AUD/giờ thì một quản lý nhà hàng ở St Albans đã tỏ ra ngạc nhiên và nói rằng lương phục vụ không thể trả nổi 17 đồng.

Chủ nhà hàng Việt tại Sunshine đã yêu cầu giữ một tuần lương của nhân viên coi như số tiền thế chân, “tránh tình trạng vài bữa nghỉ”. Chủ nhà hàng này đã từ chối đưa ra mức lương khi được người xin việc hỏi. “Nếu mà con hỏi thì chú không nhận đâu. Tại vì chú chưa biết con làm ra sao mà con hỏi lương thì chú không nhận!” – chủ nhà hàng nói.

Ở nhiều cửa hàng khác, việc hỏi mức lương cũng là cấm kỵ. Các chủ cửa hàng đều không đưa ra mức lương cụ thể khi được người xin việc hỏi. Mức lương phổ biến của du học sinh Việt từ 8 AUD – 12 AUD một giờ (tùy kinh nghiệm). Tuy nhiên, vẫn có mức lương thấp hơn.

2, Những ám ảnh với công việc làm thêm đầu tiên 

Từng là một du học sinh, Helen Nguyễn chia sẻ rằng cô từng được nhận mức lương là 6 AUD/giờ trong 3 tuần thử việc, kèm theo đó là những lời mắng mỏ, sỉ nhục của người chủ.

Cô chia sẻ rằng người chủ nói cô còn bé mà đi làm, tội nghiệp quá nên mới nhận với mức lương thử việc là 35 AUD/ngày.

Helen Nguyễn đã rất vui vì không hề biết rằng mức lương tối thiểu tại Australia là 16 – 17 AUD. Họ cũng hứa với cô rằng sẽ tăng lương. Sau đó, Helen được biết bạn mình được trả lương khi làm với người Việt là 11 AUD và cô biết mình bị lừa. Tuy nhiên, Helen vẫn tin tưởng vào người đồng hương và hy vọng trang trải phần nào cuộc sống với mức lương mình được nhận.

Helen Nguyễn và số tiền cô tiết kiệm từ những ngày đặt chân tới Australia. (Ảnh: SBS Vietnamese/Trinh Nguyen).

Thế nhưng, không những bị bóc lột mà cô còn bị họ chửi. Khi Helen không thể chịu được, cô xin nghỉ việc và bị nói rằng “ăn cháo đá bát”. Theo lời Helen kể, họ liên tục gọi điện chửi cô và do quá sợ hãi, sau khi đến trả áo đồng phục thì cô đã không dám gặp mặt người chủ nữa. Số tiền làm việc tại nhà hàng đó vẫn được Helen tiết kiệm để cô tự nhắc nhở mình về những ngày đầu vất vả tại Úc…

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên cũng bị bóc lột và ám ảnh về công việc đầu tiên mà mình làm tại Australia.

Aggie Phan – du học sinh Việt đang học ở một ngôi trường tại Melbourne vẫn ám ảnh khi chia sẻ lại những khoảnh khắc về công việc làm thêm đầu tiên tại Úc. Theo đó, người chủ còn canh giờ khi cô đi toilet và tỏ ra không hài lòng khi cô ngồi nghỉ vì phải làm việc liên tục suốt 12 tiếng.

Aggie Phan nói chuyện với phóng viên SBS Luke Waters. (Ảnh: Olivia Nguyen).

Họ cũng theo dõi cô rất kỹ và trực xem trong nửa tiếng Aggie cuốn được bao nhiều cái gỏi cuốn. Theo lời Aggie, mọi người làm ở đó đều bị đối xử như vậy và họ chỉ có 5 phút để ăn trưa. Nhiều nhân viên phải vừa ăn vừa làm việc. Khi Aggie mệt và ngồi xuống để ăn, họ đã tỏ ra không hài lòng.

Sunny Ng (sinh viên được thay đổi tên) cho biết chủ nhà hàng đã dặn dò anh một cách rất kỹ lưỡng để đối phó với nhân viên sở thuế. Theo đó, để qua mặt cơ quan chức năng, họ không cho nhân viên điền vào đơn xin việc và tờ khai thuế. Họ sẽ coi nhân viên như người nhà phụ giúp họ. Bởi vậy, khi có ai vào hỏi thì nhân viên chỉ được nói mình là người trong nhà phụ giúp anh chị. Điều này đồng nghĩa với việc nhân viên sẽ không có quyền lợi và doanh nghiệp lại giảm được chi tiêu.

Lộc Lâm – một du học sinh Việt khác cho biết thêm, nhà hàng anh từng làm có hai cuốn sổ. Một cuốn sổ chính thức – ghi tên rất ít nhân viên (có 10 nhân viên trong một ca thì chỉ ghi 4 người). Cuốn sổ còn lại dùng để phân công thời gian làm việc của 10 người. Theo đó, khi tổng hợp thuế, họ sẽ chỉ nộp quyển sổ chính thức.

3, Đâu là nguyên nhân?

Chủ tịch Hội thương gia Á Châu Footscray FABA – ông Wing La cho rằng đây là thỏa hiệp ngầm ở phía trong để công việc trội chảy, tiểu thương ở trong hoàn cảnh cạnh tranh và vì sự sống còn nên họ làm vậy.

Ông cũng cho biết, nếu trả tiền theo đúng tiêu chuẩn, các tiểu thương sẽ không kham nổi. Việc này không chỉ diễn ra ở cộng đồng Việt Nam mà còn diễn ra ở cộng đồng khác. Ông cho biết lý do dẫn đến việc này là vì hai bên: người thuê và người làm chấp nhận thiệt thòi. Nếu sinh viên cương quyết phải được trả lương đúng quy định mới làm thì việc này sẽ không xảy ra. Một bên chịu thiệt thòi, một bên sẵn sàng phạm pháp.

Ông Meca Ho – chủ tịch Hiệp hội Thương gia Victoria St tại Richmond cho rằng lí do người sử dụng lao động Việt Nam thích thuê nhân viên Việt hơn, một phần vì việc giao tiếp thuận lợi. Theo ông, một số người chấp nhận lương thấp vì vấn đề ngôn ngữ. Họ cho rằng ngôn ngữ của mình không đủ tốt để làm việc trong xã hội phương Tây nên không thể tìm được việc ở những nơi khác.

Hội chợ Tết của người Việt tại Footscray, Melbourne. (Ảnh: Vietnamese/ Daniel Le)

Bởi vậy, họ chọn nhà hàng Việt Nam vì họ được giao tiếp và làm việc với người Việt. Theo Ông Meca Ho thì chúng ta không thể lúc nào cũng đổ lỗi cho người chủ.

Theo chủ tịch Hiệp hội Thương gia Victoria St tại Richmond thi thức ăn của Việt Nam cũng rẻ hơn nhiều so với các nước khác, do đó doanh nghiệp Việt phải chịu nhiều áp lực.

Giáo sư Joo Cheong Tham (khoa luật – đại học Melbourne) thì cho rằng “văn hóa đồng lõa” là nguyên nhân khiến tình trạng bóc lột trở nên khó giải quyết. Theo nghiên cứu của giáo sư, sự không tuân thủ luật lao động đã xảy ra ít nhất vào giữa những năm 1980. Giáo sư Joo Cheong Tham cho biết, không chỉ người chủ không muốn tiết lộ việc này mà người lao động cũng không muốn tố cáo người chủ của họ bởi một số sinh viên đang vi phạm visa của họ khi làm việc nhiều giờ hơn mức quy định. Họ nghĩ rằng nếu khiếu nại thì họ có thể phải đối diện với việc bị trục xuất.

“Tôi yêu tất cả các nhà hàng Việt ở Footscray. Họ bán đồ ăn ngon, tuyệt vời và giá rất rẻ.” -Bà Marsha Thomson – người dân Footscray nói. Bà cũng hy vọng những khách hàng vào nhà hàng sẽ đồng ý trả nhiều hơn để đảm bảo những người phục vụ họ được trả đúng mức lương. Bà cũng sẵn sàng trợ giúp trong quyền hạn của mình để giúp họ tuân thủ luật pháp.

Theo phunu.com.au