Giáo dục Việt Nam: Dạy cái thế giới không còn dạy?

0
493

Vietucnews – PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, đã có phản hồi trước một số ý kiến về việc Việt Nam vẫn đang dạy cái thế giới không còn dạy, trong đó đề cập cụ thể tới môn tin học.

Giáo dục Việt Nam có lỗi thời?

Trong bài “Việt Nam vẫn đang dạy cái thế giới không còn dạy”, Thanh Niên tường thuật ý kiến phát biểu của PGS-TS Phạm Thế Bảo, giảng viên khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ nhiều tâm tư về việc dạy học tin học trong trường phổ thông hiện nay.
Ông Bảo nói: “Một số giáo viên dạy tin học trường phổ thông cho tôi biết họ đang dạy môn ngôn ngữ lập trình Pascal. Trong khi trên thế giới không còn nơi nào dạy chương trình này. Tuy nhiên, họ không dám đổi chương trình, nếu đổi thì sẽ bị kỷ luật”.

Ý kiến trên đã thu hút sự quan tâm, bàn luận của rất nhiều độc giả. PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết:

“Việc phát triển chương trình và biên soạn sách giáo khoa tin học của chương trình hành được hiện được thực hiện từ 2006. Một trong những yêu cầu cần đạt chương trình môn tin học lớp 11 là trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về thuật toán, cấu trúc dữ liệu, về lập trình và ngôn ngữ lập trình bậc cao; về kỹ năng cần rèn luyện học sinh vận dụng kiến thức để giải được một số bài toán đơn giản trên máy tính.”

(Nguồn: giaoduc.net.vn)

Giáo viên có quyền lựa chọn ngôn ngữ lập trình trong giảng dạy

Hai yêu cầu trên được rèn luyện, phát triển thông qua thực hành với một ngôn ngữ lập trình cụ thể tùy chọn. Sách giáo viên tin học lớp 11 (trang 12-13) có lí giải đầy đủ vì sao sách giáo khoa chọn ngôn ngữ lập trình Pascal để giảng dạy. Ngoài ra, tài liệu này còn nêu rõ “… các trường, các địa phương tuỳ thuộc vào điều kiện dạy học của đơn vị để lựa chọn ngôn ngữ lập trình bậc cao thích hợp,.. ví dụ như C/C++, JAVA, Visual Basic…”.

Ông Thành cũng khẳng định trong quá trình phát triển về công nghệ nói chung và ICT nói riêng, Bộ GD-ĐT luôn chỉ đạo các nhà trường khuyến khích giáo viên sử dụng các ngôn ngữ lập trình khác nhau để giảng dạy lập trình, tùy theo trình độ, thói quen của giáo viên và điều kiện tổ chức quá trình dạy học.

“Thậm chí, một nội dung liên quan đến kĩ thuật chuyên sâu về ngôn ngữ Pascal thì đã được giảm tải. Điều này đã được chỉ đạo theo Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 1.9.2011 của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học môn tin học, cấp THPT”, ông Thành nêu dẫn chứng.

Ông Nguyễn Xuân Thành. (Nguồn: Vietgiaitri.com)

Bộ đã chỉ đạo nâng cấp sách giáo khoa tin học

Đáng chú ý, ông Thành cho biết năm 2017, trước thực tế nhiều nội dung đã lạc hậu trong sách tin học cấp THCS, Bộ GD-ĐT đã giao cho các tác giả phối hợp với nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nâng cấp sách bộ sách giáo khoa hiện hành trên nguyên tắc: bám sát chuẩn kiến thức và kĩ năng chương trình hiện hành; giảm tải các nội dung khó, hàn lâm, không thiết thực. Tăng cường nội dung thực hành, gắn liền thực tế tạo các điều kiện để giáo viên có thể đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận hình thành năng lực và phẩm chất cho người học và nội dung lập trình Pascal đã được thay bằng ngôn ngữ lập trình Free Pascal hoặc lập trình kéo thả SCRATCH.

Cùng với hướng dẫn chỉnh dạy học trong nhà trường, các cuộc thi về tin học trong nước và quốc tế cũng đã tác động đến việc lựa chọn ngôn ngữ lập trình giảng dạy ở các trường phổ thông hiện nay.

Không chỉ có môn tin học, giáo viên ở một số môn học tự nhiên, xã hội khác cũng phản ánh nhiều thông tin, số liệu… trong sách giáo khoa đã lạc hậu nhưng vẫn không được cập nhật, chỉnh sửa, gây khó khăn cho giáo viên trong quá trình dạy học. Về vấn đề này, ông Thành cho hay Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh từ năm học 2017-2018, nội dung đã chỉ rõ: cho phép các nhà trường, các tổ chuyên môn rà soát, cập nhật những nội dung mới để thay thế cho những nội dung cũ, lạc hậu và không phù hợp với việc dạy học.

Nguồn: thanhnien

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments