Vietucnews – Giáo sư trực tiếp giảng dạy nhiều sinh viên Trung Quốc trên đất Úc đã bày tỏ quan điểm của mình về sự thật ẩn giấu sau bức màn hào nhoáng mang tên “du học”.
Salvatore Babones là giáo sư kiêm nhiệm tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập, phó giáo sư thuộc Đại học Sydney, đồng thời là tác giả của bài báo “Sự ‘bùng nổ’ về số lượng của sinh viên Trung Quốc và những rủi ro mà các trường đại học Úc phải đương đầu”. Dưới đây là ý kiến của ông về thực trạng sinh viên người Trung Quốc sang Úc du học trong những năm gần đây:
Niềm vui lớn nhất khi công tác tại môi trường giảng dạy hàng top thế giới như Đại học Sydney có lẽ là được tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Có khoảng 1/3 số sinh viên đại học ở đây là người nước ngoài, ấy là chưa kể những bạn đến từ New Zealand. Ngôi trường này cứ như một “Liên hiệp quốc” thu nhỏ vậy. Sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa khiến một người Mỹ sinh sống lâu dài ở Úc như tôi cảm thấy gần gũi vô cùng.
Người ta thường nói môi trường đa văn hóa sẽ mang lại lợi ích cho cả du học sinh lẫn sinh viên bản xứ. Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm đó, với điều kiện là việc trao đổi và học tập lẫn nhau phải thật sự diễn ra thông qua giao tiếp. Đáng buồn thay, có rất nhiều sinh viên nước ngoài không đủ vốn tiếng Anh để trở nên thân thiết với các bạn học bản địa. Ở Đại học Sydney, đa số những sinh viên ấp úng trong giao tiếp tiếng Anh và có xu hướng tự cô lập bản thân là người Trung Quốc.
Đó không phải là lỗi của các em. Thực tế, các sinh viên đến từ đất nước tỷ dân đã rất cố gắng để vượt qua trở ngại giao tiếp. Thế nhưng, muốn thành thạo một ngôn ngữ nào đó, chỉ học lý thuyết suông hoàn toàn không đủ – họ phải “sống” cùng nó mới được. Và khi có tận 1/4 số sinh viên là đồng hương của nhau, các em sẽ rất dễ sa đà vào việc sử dụng tiếng mẹ đẻ.
Tại Đại học Sydney, có đến 24% du học sinh là người Trung Quốc. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở UNSW (23%) và UTS (17%). Số sinh viên Trung Quốc ở 3 trường đại học trên thậm chí còn nhiều hơn tổng số du học sinh nước này ở 33 trường công lập tại bang California (Mỹ). Môi trường quy tụ quá nhiều đồng hương khiến các em dần dần ỷ lại vào sự bao bọc của không khí quê nhà.
Học kỳ nào tôi cũng dạy lớp có sinh viên Trung Quốc. Ngay cả khi nói vài câu đơn giản xoay quanh bài tập về nhà, họ cũng tỏ vẻ rất lúng túng, chứ đừng nói đến thảo luận trên lớp. Tôi là giáo sư mảng khoa học xã hội và từng đứng lớp giảng dạy cho những sinh viên có niềm đam mê tìm hiểu văn hóa. Trong các buổi học ấy, tôi nghe kể có một nhóm sinh viên Trung Quốc học ngành kinh tế đã dùng tiếng Hoa để hoàn thành cả một bài luận “dài hơi” lấy điểm cuối kỳ. Đến ngày nộp bài, họ đồng lòng cử người giỏi tiếng Anh nhất nhóm lên đại diện báo cáo kết quả công việc.
Các trường đại học ở Úc cứ thoải mái chấp nhận sinh viên Trung Quốc, nhưng lại bỏ quên “lỗ hổng” trong khả năng giao tiếp của họ. Dĩ nhiên, họ đã vượt qua bài kiểm tra năng lực tiếng Anh để đạt điều kiện nhập học, nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều du học sinh bước vào cánh cổng đại học với số điểm chưa đạt chuẩn nhờ sự hỗ trợ của các chương trình dự bị. Số sinh viên đi học theo diện này vẫn chưa được xác định, bởi các nhà điều hành chương trình dự bị đều trực thuộc cơ sở tư nhân, họ thường không đồng ý cung cấp thông tin nhạy cảm như trên.
Các sinh viên quốc tế có kỹ năng ngôn ngữ tốt và khả năng hòa nhập nhanh chóng sẽ sớm được hưởng “quả ngọt” khi bước vào chương trình đào tạo chuyên sâu vào năm 2 và năm 3. Trái lại, một số du học sinh Trung Quốc lại tự cô lập bản thân trong “vùng an toàn” và tự dìm mình vào vũng bùn tụt hậu. Tôi còn nghe vài em sinh viên than phiền rằng từ ngày sang Úc, kỹ năng tiếng Anh của họ sa sút thậm tệ.
Với những sinh viên gặp khó khăn trong việc học ngoại ngữ như thế này, cơ hội phát triển bản thân và học hỏi nhiều kiến thức hơn thực sự rất hạn chế. Tôi có thể dạy cho các em bằng giáo trình đơn giản, dễ hiểu, nhưng thật tình không có biện pháp giúp các em tham gia vào những dự án nhóm đòi hỏi tính học thuật cao. Trong giờ học phương pháp định lượng, tôi có khả năng trình bày khái niệm về các phương pháp thống kê cho những sinh viên này, nhưng lại “bó tay” trước việc giảng giải cho họ hiểu xem kỹ thuật đó sử dụng khi nào, dùng ra làm sao chẳng hạn. Tệ hơn nữa là tôi không thể hướng dẫn các em cách viết một bài báo cáo giá trị, bởi tôi không có thời gian – và cũng không chuyên về việc giảng dạy ngôn ngữ – để chỉ cho họ cách viết tiếng Anh sao cho đúng chuẩn ngay từ đầu.
Ví dụ nhé, hầu hết chúng ta đều biết người Trung Quốc xếp họ đứng trước, sau đó mới đến tên. Với tên “Xi Jinping”, ta chỉ có thể gọi là “Chủ tịch Xi” chứ không thể nói “Chủ tịch Jinping”. Khi giảng dạy cho các em sinh viên năm 2, năm 3 tại Đại học Sydney và quan sát cách họ sắp xếp danh mục tài liệu tham khảo, tôi nhận thấy có rất nhiều người bối rối khi phải xếp họ của các tác giả phương Tây trong đó theo thứ tự bảng chữ cái. Có người thậm chí còn nhầm lẫn giữa tên bài báo và tên tòa soạn trong khi trích dẫn. Thực trạng này rất đáng quan ngại.
Nghiêm trọng hơn, những câu chuyện này lại chỉ được lưu truyền trong nội bộ các trường đại học, ẩn mình sâu dưới tầng tầng lớp lớp bức màn che phủ. Các đồng nghiệp của tôi đều lặng lẽ rầm rì với nhau mấy lời tương tự, nhưng chẳng ai có dữ liệu hay bằng chứng xác thực để chứng minh cho tình trạng bết bát này. Quyền thu thập thông tin hoàn toàn nằm trong tay ban lãnh đạo nhà trường, nhưng họ sẽ chẳng bao giờ hé răng về thực trạng ấy để tự “bóc mẽ” mình làm gì. Thay vào đó, họ luôn lờ tịt đi và chống chế rằng bất cứ sinh viên nào vượt qua bài kiểm tra ngoại ngữ đều sẽ thích nghi tốt với môi trường học tập toàn tiếng Anh ở Úc.
Đúng vậy, các sinh viên Trung Quốc của tôi đều đáp ứng tiêu chuẩn nói và viết tiếng Anh cơ bản. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Chúng ta cần giúp các du học sinh từ đất nước này cải thiện kỹ năng tiếng Anh – cũng tức là giảm bớt việc nhận hồ sơ của sinh viên Trung Quốc và tập trung hỗ trợ những người đủ điều kiện đến học. Bất cứ ai sẵn lòng đánh đổi 4 năm và hàng trăm nghìn đô la để nhận tấm bằng đại học ở Úc đều xứng đáng được tốt nghiệp với khả năng tiếng Anh thông thạo chẳng thua người bản xứ. Đó là nhiệm vụ mà ngành giáo dục ở nước ta phải thực thi.
Nguồn: SMH
- Úc sẽ bắt buộc việc dán nhãn lượng đường trong các thực phẩm và đồ uống
- Queensland: Để xe ngổn ngang đầy rác, tài xế bị phạt 311 đô la
- Úc: Gió mạnh hoành hành bờ đông những ngày sắp tới