Hội nghị ASEAN lần thứ 35: thắt chặt và củng cố đoàn kết khu vực

0
Hội nghị cấp cao ASEAN

Vietucnews – Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 là một bước ngoặt lớn khi các nhà lãnh đạo khu vực đẩy mạnh kêu gọi đoàn kết hơn nữa để đối phó với các thách thức trong khu vực.

Kẻ đơn độc, tất sẽ bị ức hiếp”, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 ở Bangkok vào thứ Bảy. Vấn đề chung trong những câu chuyện của các nhà lãnh đạo khu vực khi họp tại Bangkok từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 11 năm 2019 chính là tầm quan trọng của việc đoàn kết lại.

Chủ đề nổi bật nhất trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RECP). Đây là một hiệp định thương mại tự do được thiết lập bởi 16 quốc gia với mục tiêu tạo ra một khu vực thương mại tự do chung cho gần một nửa dân số thế giới, chiếm tới 39% tổng sản lượng toàn cầu.

Căng thẳng Bãi Tư Chính giữa tàu khảo sát Trung Quốc và lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam ở Biển Đông từ tháng 7, cũng là một chủ đề thảo luận nổi bật.

Hợp tác kinh tế và ngoại giao là chìa khóa để đối phó với những thách thức trong khu vực và trên toàn cầu

Lời cảnh tỉnh của Thủ tướng Malaysia Mahathir đã trực tiếp đánh vào vấn đề đấu tranh nội bộ cấp bách nhất của ASEAN. Khối kinh tế gồm 10 quốc gia này đã luôn sử dụng “cơ chế đồng thuận” để tiếp cận các thách thức trong khu vực. Bằng cơ chế này, cả 10 quốc gia trong khối buộc phải tuân thủ bất cứ hành động hoặc tuyên bố chung nào khối đưa ra, tạo thời cơ cho các can thiệp từ bên ngoài tác động vào những quyết định chung của khối. Bằng cách ngăn không để ASEAN đạt được đồng thuận trong vấn đề xử lý các mối đe dọa trong khu vực, chính phủ các nước không thuộc khối ASEAN có thể hạn chế hiệu quả của các biện pháp đối phó của ASEAN.

“Kẻ đơn độc, tất sẽ bị ức hiếp”, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed nói

Lựa chọn đi ngược lại với quyết định của khối, như Thủ tướng Mahathir ám chỉ, là “kẻ đơn độc”. Hầu hết tiếng nói riêng lẻ của các quốc gia thành viên ASEAN trên chính trường quốc tế đều không được coi trọng và thường bị bỏ qua.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 là sân khấu của xu thế “một ASEAN đồng tâm”

Hội nghị thượng đỉnh là một minh họa cho sự đoàn kết của các quốc gia trong khu vực ASEAN và giá trị của sự thống nhất trong thương mại và ngoại giao quốc tế. Các thành viên ASEAN chiếm 10 trong số 16 quốc gia tham gia vào các cuộc đàm phán RCEP (các quốc gia khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và New Zealand). Hiện nay, hiệp định RCEP đang dần đi tới kết quả mà không có sự tham gia của Ấn Độ.

Các thành viên đã đồng thuận được 14 trong số 20 chương của Hiệp định. Các cuộc đàm phán về khung pháp lý dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng Hai, nghĩa là có thể, hiệp định sẽ được ký vào năm 2020.

Đàm phán Hiệp định có thể được hiểu là một phản ứng chung của khối với các mối đe dọa kinh tế toàn cầu. Các cuộc thảo luận về RCEP đã được tiến hành từ năm 2012 nhưng không đạt được nhiều kết quả cho đến khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra. Khi các nền kinh tế khu vực tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump, RCEP và thúc đẩy thương mại nội khối nổi lên như một nguồn giúp ổn định kinh tế vô cùng tiềm năng.

Ngoài RCEP, hội nghị thượng đỉnh còn chứng kiến các quốc gia ASEAN riêng lẻ bày tỏ mong muốn hội nhập kinh tế gia tăng. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit thúc đẩy các hệ thống tài chính khu vực hội nhập hơn. Ông nói với các phóng viên rằng ASEAN đang xây dựng một khung pháp lý cho vấn đề thanh toán xuyên biên giới và bảo vệ dữ liệu. Điều này sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành Thương mại điện tử khu vực. Nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á hiện chiếm 7% GDP, cho thấy có rất nhiều cơ hội để tăng trưởng. Tại Mỹ, nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 35% GDP và tại EU là 27%.

Nếu không có mặt trận thống nhất về vấn đề Biển Đông, sẽ khó lòng kiểm soát sự bành trướng của Trung Quốc

Khu vực quan trọng nhất trong việc hợp tác ASEAN vẫn là Biển Đông. Năm 2019 đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt của những động thái xâm lược từ Trung Quốc. Vào tháng 7, tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc đã đi vào vùng biển tranh chấp để thăm dò các lô dầu khí ngoài khơi Việt Nam, vi phạm chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam đã đụng độ với con tàu tại Bãi Tư Chính, nơi chính phủ Việt Nam đang phát triển các dự án dầu mỏ với sự hỗ trợ của công ty năng lượng đến từ Nga, Rosneft. Vấn đề đụng độ giữa hai tàu Trung Quốc và Việt Nam vẫn bị bỏ ngỏ kể từ đó.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam đã đụng độ với con tàu tại Bãi Tư Chính, nơi chính phủ Việt Nam đang phát triển các dự án dầu mỏ với sự hỗ trợ của công ty năng lượng đến từ Nga, Rosneft.

Chính phủ Trung Quốc coi 190 nghìn tỷ khối khí đốt tự nhiên và 11 tỷ thùng dầu trên Biển Đông là cơ hội để giảm phụ thuộc vào dầu thô nước ngoài. Tuy nhiên, lãnh thổ mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc phạm vi đường chín đoạn của họ đã hoàn toàn xâm lấn vào vùng biển của các quốc gia Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei.

Các quốc gia ASEAN đều muốn đẩy lùi sự bành trướng của Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn những vi phạm luật pháp quốc tế của Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu không đoàn kết cùng đưa ra một cách tiếp cận chung, các quốc gia riêng lẻ sẽ dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa kinh tế từ Bắc Kinh.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong việc đối đầu với sự bành trướng của Trung Quốc trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. “ASEAN… phải luôn giữ vững sự đoàn kết. Chúng ta phải dẫn đầu trong việc xây dựng niềm tin và sự tự tin giữa tất cả các bên liên quan,” ông phát biểu.

Chúng ta phải sử dụng tất cả ảnh hưởng đang có, bất kể là cá nhân hay tập thể, để thuyết phục các bên liên quan tự kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình.”

Ảnh hưởng từ các quốc gia riêng lẻ và tập thể khối được thể hiện đầy đủ tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35. Ngoài những lời kêu gọi hành động tập thể, các quốc gia ASEAN và những người ủng hộ đã đề cập đến các vấn đề Biển Đông với Trung Quốc trong các cuộc thảo luận bên lề.

Vào ngày 3 tháng 11, trong một cuộc họp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại sự cần thiết đối với việc Trung Quốc tôn trọng các quy tắc kinh tế biển và luật pháp quốc tế. Ông nhắc lại, Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và quyền hàng hải theo luật pháp quốc tế.

Cùng ngày, Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ, đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 16. Trong các cuộc thảo luận, Modi đã chia sẻ những lo ngại của mình về sự xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả việc quân sự hóa khu vực và coi thường luật pháp quốc tế. Trong một tuyên bố, ông Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của các quyết định dựa trên quy tắc quốc tế và hoan nghênh việc tăng cường hợp tác hàng hải Ấn Độ – ASEAN. Ông cũng đồng thời thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN đối với Chính sách hành động Đông Á – Thái Bình Dương tại Ấn Độ.

Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh Ấn Độ triển khai Chính sách Hướng Đông để hỗ trợ tích cực cho khối ASEAN cũng như các nỗ lực hội nhập và xây dựng cộng đồng khu vực của quốc gia này.

Một bộ quy tắc ứng xử sẽ rất cần thiết để ngăn ngừa xung đột

Kết quả của một ASEAN thống nhất về vấn đề Biển Đông phải là việc thành công thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về mặt pháp lý (COC). Một COC hiệu quả là một bộ quy tắc được cả 10 quốc gia thành viên ASEAN ủng hộ và có hệ thống quy tắc, trách nhiệm rõ ràng cho các quốc gia yêu sách.

Thông qua sự đồng thuận, khối có thể thúc đẩy một COC bảo vệ quyền của các quốc gia ASEAN trong việc thực hiện các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông với các cường quốc bên ngoài, cho phép các quốc gia hợp tác trong các dự án phát triển chung với các công ty dầu khí ngoài khối, bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực và bảo vệ quyền chủ quyền của từng quốc gia.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong việc đối đầu với sự bành trướng của Trung Quốc trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Chính phủ Trung Quốc cũng có những động thái ngầm ám chỉ khả năng chấp nhận các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng Bắc Kinh chỉ đang sử dụng các chiến thuật trì hoãn để kéo dài thời gian hòng tiếp tục các hoạt động bành trướng bất hợp pháp và quân sự hóa các tiền đồn của mình trong khu vực.

Việc xâm phạm chủ quyền Việt Nam gần đây của Bắc Kinh chỉ càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của các cuộc đàm phán COC đang diễn ra. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cảnh báo, “Việc thiếu một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc cộng với sự bành trướng từ các hoạt động quân sự Trung Quốc sẽ chỉ làm hỗn loạn thêm những quyền lợi hiện có theo luật pháp quốc tế của Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam”. Một bộ quy tắc ứng xử là điều vô cùng cấp thiết trong vấn đề ngăn chặn leo thang căng thẳng ngoại giao và các động thái xâm lược gia tăng của Bắc Kinh.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok đã nêu bật tầm quan trọng của ASEAN trong các giải pháp địa chính trị và kinh tế khu vực. Đây là kết quả của một ASEAN đoàn kết, cũng như lời kêu gọi cho một ASEAN hợp tác hơn nữa.

Bất chấp các lỗ hổng của “cơ chế đồng thuận”, việc ASEAN đưa ra các quyết định bằng đồng thuận chung là nguồn của sức mạnh khối và có tầm quan trọng đặc biệt trong các vấn đề bảo vệ chủ quyền và tài nguyên của các quốc gia trước sự bành trướng của Trung Quốc.

Nguồn: ASEAN Today

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz