Kỳ vọng cam kết của Úc thông qua chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Morrison

0
208

Vietucnews – Chiều 22/8, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm này của Thủ tướng Morrison diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam qua các hoạt động phi pháp của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8.

Biển Đông sẽ nổi bật trong các cuộc thảo luận 

Ngày 21/8, trả lời phỏng vấn độc quyền The Australian Financial Review, đại sứ Việt Nam tại Úc Ngô Hướng Nam cho biết khoảng 60% hàng xuất khẩu và 40% hàng nhập khẩu của Úc đi qua khu vực Biển Đông, do đó “các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ xâm phạm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Việt Nam mà còn của các nước khác trong và ngoài khu vực (bao gồm Úc)”.

“Biển Đông sẽ đương nhiên nổi bật trong các cuộc thảo luận sắp tới. Lãnh đạo hai nước sẽ tìm điểm chung trong việc ủng hộ luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), cũng như chỉ trích sự cưỡng ép và đe dọa sử dụng vũ lực. Úc rất muốn thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam và lãnh đạo hai bên có thể sẽ phê chuẩn các cuộc thảo luận thực tế về những vấn đề này” – GS Carl Thayer nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Scott Morrison. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Trên thực tế, các học giả quan sát tình hình Biển Đông có nhiều lý do để tin rằng Úc sẽ thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong khu vực. Bản thân Canberra vài năm qua cũng cảnh giác với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên chính nước Úc.

Thêm vào đó, Úc có mối quan hệ sâu sát với ASEAN xét về mặt kinh tế. GS Thayer lưu ý: “Có một thực tế ít người biết, rằng thương mại hai chiều giữa Úc và ASEAN là 93 tỉ USD, như vậy lớn hơn thương mại hai chiều giữa Úc với Nhật Bản và Mỹ…”.

Theo ông Thayer, Việt Nam có một vai trò đặc biệt khi cùng Úc trở thành thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh đó, Úc cũng chia sẻ cùng lợi ích với Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong tuyến đường hàng hải quan trọng như Biển Đông.

“Úc nhìn nhận và ủng hộ vai trò xây dựng của Việt Nam trong an ninh khu vực và quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam trở thành chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, đồng thời là thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc” – GS Thayer nhận định.

Tựu trung, lợi ích chiến lược song phương Việt – Úc gắn liền với yêu cầu và quan điểm của hai bên trong vấn đề Biển Đông. Đó là lý do để kỳ vọng Úc có những cam kết mạnh mẽ thông qua chuyến thăm của Thủ tướng Morrison.

“Quan hệ Việt – Úc đang ở mức độ tốt nhất từ trước tới nay”

Trong những năm gần đây, quan hệ song phương Việt – Úc liên tục chứng kiến những bước đi tích cực kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1974. Năm 2009, Úc và Việt Nam nhất trí quan hệ đối tác toàn diện. Đến năm 2018, quan hệ song phương được nâng lên mức đối tác chiến lược.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón Thủ tướng Morrison. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Hồi tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói rằng quan hệ Việt – Úc đang ở mức độ tốt nhất từ trước tới nay. Ngày 21-8, Thủ tướng Morrison tại Canberra cũng khẳng định quan hệ giữa Úc và Việt Nam chưa bao giờ vững chắc hơn thế này.

Quan điểm của Việt Nam về quan hệ song phương với Úc được Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại qua phát biểu của người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng ngày 22-8. “Trong chuyến thăm của Thủ tướng Úc Scott Morrison tới Việt Nam, hai bên sẽ tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương…”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thu Hằng nói.

Nguồn: Tuổi Trẻ