Người dân Úc lo lắng vì nguy cơ mất tiền bảo hiểm trong quỹ lương hưu sau ngày 1/7

0

Vietucnews – Các chuyên gia đã cảnh báo nhiều người dân Úc sẽ có nguy cơ mất tiền quỹ lương hưu vì chính sách mới của chính phủ nhằm ngăn chặn số tiền này bị hao hụt vì trả phí bảo hiểm.

Bộ luật chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7 tới quy định những tài khoản quỹ lương hưu không hoạt động trên 16 tháng hoặc có số dư dưới 6,000 đô la sẽ phải chuyển đến Văn phòng Thuế vụ (ATO).

Các chủ tài khoản thuộc diện này sẽ phải xác nhận với đơn vị quản lý quỹ của mình nếu không muốn mất trắng số tiền bảo hiểm nhân thọ và quỹ khuyết tật vĩnh viễn (TPD).

Nhiều người dân đã bị sốc trước tin tức này, bởi nó có nghĩa là họ sẽ mất đi những quyền lợi kèm theo quỹ lương hưu trong khi đã đóng tiền suốt hàng chục năm.

Những thay đổi này cũng sẽ tác động tiêu cực đến nhóm người di dân, khó liên lạc (chẳng hạn như những người đang sống ở xa, đang du lịch, đã đổi địa chỉ), công nhân viên thời vụ, người đang nghỉ dài hạn vì bệnh tật hoặc thai sản và người lao động trẻ tuổi.

Alan Gray, cố vấn tài chính của Broome, vô cùng lo lắng trước chính sách mới ban hành kể từ khi biết được tầm ảnh hưởng của nó đến khách hàng.

Các công ty quản lý quỹ lương hưu đang gấp rút liên hệ với người đứng tên các tài khoản này để thông báo về thay đổi mới nhất.

“Khi điều luật này xuất hiện, tôi lo lắng vì dường như chẳng ai nhận ra có hàng nghìn chủ tài khoản thuộc diện này sống tại khu vực hẻo lánh hoặc là thành viên trong cộng đồng thổ dân. Đây là những nơi thông tin liên lạc đặc biệt chậm chạp,” ông nói.

“Người dân biết phải làm gì nếu không được thông báo về thay đổi này và đành nhìn tiền lương hưu của mình mất sạch? Trong trường hợp đó, các công ty bảo hiểm sẽ không phải thanh toán một khoản phí khổng lồ nữa, nhưng còn họ thì sao?”

TPD và tiền trợ cấp khi qua đời rất quan trọng với cộng đồng thổ dân, nơi mọi người có tuổi thọ thấp hơn và tỷ lệ bệnh tật cao hơn cư dân những nơi khác.

CEO First Nations Foundation Amanda Young cho biết các nhà hoạch định chính sách đã thiếu cân nhắc về các hệ quả mà những thay đổi này tạo nên.

“Chính phủ dường như đã ‘bỏ quên’ những người cần được bảo vệ đặc biệt như thổ dân, hoặc những người trẻ dưới 25 tuổi,” cô nói với ABC.

“Nếu tôi phát hiện mình mất quyền lợi bảo hiểm vì không được thông báo về chính sách mới ngày 1/7, tôi chắc chắn sẽ khởi kiện.”

Cố vấn tài chính Alan Gray đang giúp bà Leah Dolby liên hệ với công ty hưu trí.

Tiến sĩ Martin Fahy từ Hiệp hội Quỹ hưu trí Úc (ASFA) cho biết hiện tại rắc rối về pháp lý là thứ yếu khi so sánh với tính cấp thiết của việc liên hệ với các chủ tài khoản bị ảnh hưởng.

Hiện tại, có khoảng 70% người dân nhận tiền bảo hiểm nhân thọ thông qua quỹ lương hưu.

Russel Mason, cố vấn hưu trí tại Deloitte, cho biết chính sách này sẽ khuyến khích một bộ phận cư dân kiểm tra và tổng hợp tình trạng các tài khoản họ đang sở hữu, song nó vẫn sẽ gây nên ảnh hưởng xấu với nhiều người khác.

“Có nhiều chủ tài khoản không đóng tiền vào quỹ lương hưu, chỉ duy trì để nhận phí bảo hiểm và đề phòng tình huống bất ngờ.”

“Điều luật mới này sẽ tác động khá rõ đến những người không dùng tiếng Anh làm tiếng mẹ đẻ, người đang đi du lịch hay sống ở khu vắng vẻ, khó liên hệ như cộng đồng thổ dân chẳng hạn. Rất khó để chuyển tiếp thông tin đến cho họ.”

Kristen Hartnett, cố vấn tài chính từ Salvation Army, cũng đồng tình với ý kiến này.

“Những người chịu thiệt trong lần thay đổi này vốn đã ở thế bất lợi từ trước, ví dụ như đang thất nghiệp, không đi làm và không hề đóng góp vào quỹ lương hưu của họ,” bà nói.

Nhóm đối tượng này đa phần trông chờ vào tiền bảo hiểm để trang trải sinh hoạt, song đôi khi quỹ hưu trí không thể liên lạc được với họ.

“Có rất nhiều công ty quản lý cố gắng tìm kiếm những chủ tài khoản này bằng việc gửi email, nhưng không thành công. Nếu cứ tiếp diễn như vậy, quỹ lương hưu của họ có nguy cơ không giữ được nữa. Những người này nên lập tức liên lạc với công ty quỹ hưu trí để có biện pháp giải quyết sớm nhất.”

LUẬT MỚI HOẠT ĐỘNG RA SAO?

Nhiều chủ tài khoản sẽ khó lòng khôi phục quỹ của mình.

Sau hạn chót, nhiều người sẽ gặp khó khăn trong việc lấy lại tiền bảo hiểm.

“Nếu người đứng tên không liên hệ để xác nhận tài khoản của mình sau ngày 1/7, quỹ lương hưu của họ sẽ chính thức mất hiệu lực và không được duy trì bảo hiểm,” Mason nói.

“Sau này, nếu họ muốn khôi phục tài khoản hưu trí và bảo hiểm thì vẫn được chấp nhận, miễn là có thể cung cấp bằng chứng cho thấy mình có sức khỏe tốt.”

“Với những người đã có dấu hiệu sức khoẻ kém từ trước, được hưởng trợ cấp bảo hiểm nhưng bị mất hiệu lực sau đợt này, khả năng khôi phục tài khoản rất thấp.”

Bên cạnh đó, số dư trong các tài khoản của nhóm người trẻ tuổi, thu nhập thấp hoặc lao động thời vụ đứng tên nhiều tài khoản rơi vào khoảng dưới 6,000 đô la cũng sẽ bị chuyển vào ATO.

“Chính phủ quan ngại việc giới trẻ sở hữu nhiều tài khoản hưu trí cùng một lúc. Chính sách này sẽ giúp hợp nhất các số dư đó vào chung một tài khoản để họ không phải trả nhiều phí cho từng tài khoản nhỏ,” ông nói.

TÔI PHẢI LÀM GÌ?

Người dân nên kiểm tra tài khoản ngay để giải quyết kịp thời.

Bước đầu tiên, người dân nên liên hệ với quỹ hưu trí của mình và chọn giữ lại tài khoản bảo hiểm.

Theo Susan Thorp, giáo sư tài chính của Đại học Sydney, họ cần kiểm tra xem mình đang có những gói bảo hiểm nào.

“Đôi khi chúng ta đứng tên nhiều tài khoản cùng một lúc, nên phải tìm hiểu liệu mình có thuộc diện bị ảnh hưởng bởi chính sách mới hay không.”

Người dân có thể dễ dàng kiểm tra tình hình tài khoản trên ATO thông qua trang web myGov. Danh sách các tài khoản lương hưu sẽ được hiển thị trên web, nhiệm vụ của bạn là quyết định hạng mục mình muốn duy trì.

Bên cạnh đó, họ nên cập nhật thông tin cá nhân để các công ty quỹ hưu trí và ATO có thể liên lạc khi cần thiết.

CHIẾN DỊCH PHỔ BIẾN THÔNG TIN

Hiệp hội Quỹ Hưu trí Úc đã chung tay tổ chức một chiến dịch với Hội đồng Dịch vụ Tài chính nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chính sách mới. Nhiều công ty quản lý quỹ lương hưu cũng đang tìm cách liên hệ với các chủ tài khoản bị ảnh hưởng.

“Hãy tìm đến công ty hưu trí của bạn, hỏi họ kỹ càng về thông tin tài khoản bạn đang sở hữu rồi hẵng quyết định xem có muốn giữ lại nó hay không,” Nick Kirwan từ Hội đồng Dịch vụ Tài chính chia sẻ.

“Vì e ngại rằng nhiều người sẽ bỏ lỡ thông báo vì vô vàn nguyên nhân khác nhau, chúng tôi đang nỗ lực hết sức để lan truyền thông tin đến với cộng đồng.”

Người dân có thể truy cập trang web Time to Check để xem mình có thuộc diện bị tác động bởi luật quỹ hưu trí mới hay không.

Nguồn: SBS & ABC

Rate this post