Số lượng trẻ em ở Úc sống trong nghèo đói đang gia tăng, với hơn 730,000 trẻ em hiện sống dưới mức tiêu chuẩn. Một báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng 17,4% trẻ em dưới 15 tuổi ở Úc đang sống trong nghèo đói, tỷ lệ tăng 2% so với thập niên trước 2014.
Rủi ro nhiều hơn thuộc về các em nhỏ trong những gia đình có bố mẹ đơn thân, những người có nguy cơ sống trong nghèo đói cao gấp 3 lần. Số liệu cho thấy có hơn 40% trẻ em được nuôi dưỡng bởi một người bố hoặc mẹ đơn thân đang phải sống dưới mức nghèo đói.
Báo cáo về đói nghèo ở Úc năm 2016 – thực hiện bởi Hội Đồng Dịch vụ Xã hội của Úc (ACOSS) với sự cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Xã hội tại NSW – chỉ ra rằng gần 3 triệu người Úc đang sống trong nghèo đói, tương đương với khoảng 50% những người có thu nhập ở mức bình quân quốc gia.
Gần 30 năm sau bài phát biểu của nguyên Thủ tướng Bob Hawke (1987) tuyên bố ông mong muốn sẽ không có trẻ em nào ở Úc phải sống trong nghèo đói sau những năm 1990, báo cáo chỉ ra rằng những nhà làm chính sách của Úc không chỉ thất bại trong việc cải thiện tình hình mà còn làm tình hình trở nên xấu hơn.
Giám đốc điều hành của ACOSS, bà Cassandra Goldie cho biết những số liệu mới này phải là một “lời kêu gọi khẩn cấp” để các thượng nghị sỹ từ chối cắt giảm thêm những khoản chi tiêu của gia đình và giới trẻ hiện đang được xem xét ở Thượng viện. “Thật không may, những nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta thường có vẻ quan tâm nhiều hơn đến việc cắt giảm thuế hơn là giảm đói nghèo và bất bình đẳng”, bà tiếp lời.
Tiến sĩ Goldie cho rằng bức tranh tổng quan hiện tại là tình trạng đói nghèo dai dẳng và cố hữu đang xảy ra trong xã hội. “Đó là sự hổ thẹn của quốc gia khi sau 25 năm tăng trưởng kinh tế liên tục chúng ta chưa cải thiện được điều này và đảm bảo tài sản quý giá nhất của chúng ta, con em chúng ta, được cung cấp những khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống.” bà chia sẻ.
Jessica Russell, 25 tuổi, một bà mẹ đơn thân của 2 cậu con trai, Ryan 2 tuổi và Andrew 1 tuổi, sống ở ngoại ô Sydney. Chị bị buộc phải sống dựa vào tiền trợ cấp Centrelink cho cha/mẹ đơn thân sau khi người chủ tiệm cắt tóc sa thải chị khi biết chị có thai. Chị hầu như không có đủ khả năng trang trải tiền thuê căn hộ $380 một tuần.
“Tôi rất buồn khi con tôi không có được những điều tương tự như những đứa trẻ khác”, chị nói, “Tôi phải cố gắng tuần này qua tuần khác để chu cấp cho chúng. Tôi làm bất cứ việc gì có thể và luôn ưu tiên mọi thứ cho chúng. Tôi không cắt tóc và không mua quần áo mới để có thể nuôi các con và cho chúng khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống.”
“Có những khoảnh khắc các chi phí làm tôi rất căng thẳng nhưng tôi cố gắng trấn tĩnh và tìm cách giải quyết,” Jessica chia sẻ. “Tôi phải làm như vậy. Tôi là một người mẹ. Tôi rất biết ơn khi các con tôi có một mái nhà trên đầu và chúng đều khỏe mạnh.”
Jessica Seaman, 23 tuổi và bạn trai Jack Butler, 21 tuổi, đã phải sống nhờ ở nhà một thành viên trong gia đình tại Emu Heights, vùng ngoại ô của Sydney sau khi họ có đứa con đầu tiên.
Anh Butler là người chăm sóc chính cho chị Seamen, người mắc chứng động kinh và chuẩn bị phải phẫu thuật vào tháng tới. Cả hai đều đang nhận trợ cấp an sinh xã hội Centrelink. “Rất khó khăn cho chúng tôi để tìm chỗ đứng riêng và trang trải được cuộc sống của mình”, chị Seaman chia sẻ.
“Đây là một hoàn cảnh rất khó khăn. Chúng tôi đã đăng ký rất nhiều phòng trọ cá nhân trong 4 tuần qua nhưng giá cả rất cạnh tranh. Giá thuê thì cao và chúng tôi đã bị từ chối nhiều lần.”
“Con trai của chúng tôi là ưu tiên hàng đầu với số tiền ít ỏi mà chúng tôi có, chúng tôi đang sống ở mức tối thiểu. Chúng tôi đã quen với việc thiếu thốn. Chúng tôi biết chắc rằng sẽ không có món quà Giáng sinh nào cho năm nay. Ai biết được điều gì sẽ xảy đến vào năm tới.”
Chị Seaman bỏ học khi đang học lớp 8 để làm việc toàn thời gian tại cửa hàng McDonald nhưng đã nghỉ việc 5 năm trước vì lý do sức khỏe. Anh Butler bỏ học ở lớp 10 sau khi bà và anh trai qua đời và anh phải trải qua những tổn thương lớn về tinh thần.
Chị Vicky Vacondios ở Sydney là một bà mẹ đơn thân hiện đang sống cùng 3 đứa con sau khi thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình. Chị gặp rất nhiều khó khăn khi tìm thuê một căn hộ.
“Chúng tôi là người vô gia cư trong gần ba tháng.” chị nói.
Chị Vacondios hiện đang cố gắng nuôi con với trợ cấp Newstart trong khi đang theo học để kiếm một công việc trong lĩnh vực nhà ở.
“Đó sẽ là một cuộc chiến thực sự nhưng tôi luôn lạc quan và tin rằng tôi có thể làm được”, chị nói. “Mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn trong một vài năm tới. Tôi không muốn từ bỏ và tôi muốn dạy các con sự kiên trì này.”
Báo cáo mới nhất về nghèo đói ở Úc chỉ ra rằng phụ nữ có nhiều nguy cơ sống dưới mức nghèo đói hơn bởi tỷ lệ việc làm thấp hơn, lương thấp hơn và bởi họ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc nuôi dạy những đứa trẻ so với các thành viên khác trong gia đình.
Tỷ lệ nghèo đói của nữ giới là 13.8% so với 12.8% của nam giới.
Phần lớn những người dân sống dưới mức nghèo khổ hiện sống trong những căn hộ cho thuê (59,7%), và hầu hết sống trong những căn hộ tư nhân cho thuê (44,2%). Chỉ có 15,5% những người sống dưới mức nghèo đói có sở hữu nhà riêng.
Những người sống bằng phúc lợi xã hội có nguy cơ nghèo đói cao gấp 6 lần (36.1%) so với những người có thu nhập (6%), lý do chính là bởi những khoản thu nhập trợ cấp đều ở dưới chuẩn đói nghèo.
Hơn một nửa (55%) những người nhận trợ cấp Newstart, với mức $38 một ngày, sống dưới mức nghèo đói.
Tuy nhiên báo cáo chỉ ra rằng 32% những người sống dưới mức nghèo khổ đã có công việc có thu nhập. “Bằng chứng rõ ràng rằng một công việc không đảm bảo thu nhập đủ và chúng ta phải xem xét tất cả từ việc thiết lập chế độ an sinh xã hội, chính sách thị trường lao động và tăng trưởng việc làm nếu chúng ta muốn giảm nghèo thành công”, tiến sỹ Goldie cho biết.
Giáo sư Saunders cho biết trẻ em lớn lên trong nghèo đói sẽ “chịu những tổn thương của việc thiếu thốn và những cơ hội bị loại trừ và thu hẹp” ở tuổi trưởng thành. Năm 2014, chuẩn nghèo cho một người lớn là $426,30 một tuần. Đối với một cặp vợ chồng với trẻ em là 895,22$ một tuần.
Beno/Vietucnews dịch từ The Age