Nước Mỹ có thể học được gì từ lệnh “CẤM SÚNG” của Úc?

0
Nước Mỹ có thể học được gì từ lệnh CẤM SÚNG của Úc

Vào ngày 28 tháng Tư năm 1996, Martin Bryant bắn chết 35 người và làm bị thương 23 người khác trong vụ thảm sát tồi tệ nhất lịch sử nước Úc. Vụ tấn công xảy ra tại Port Arthur, Tasmania, và vũ khí mà kẻ thủ ác sử dụng là hai khẩu súng trường AR-15 và FN.308, được sở hữu một cách hợp pháp vào thời điểm đó.

Chỉ 12 ngày sau vụ thảm sát, Thủ tướng Úc John Howard đã thông qua một đạo luật kiểm soát súng đạn. Kể từ đó, nước Úc không hề xảy ra một vụ thảm sát bằng súng nào nữa. Hơn 20 năm sau cuộc cải tổ này, các vụ giết người và tự tử bằng súng tại Úc đã sụt giảm đáng kể, theo một nghiên cứu của Đại học Sydney và Macquarie, dựa trên số liệu của Nha Thống kê Úc và Đơn vị Giám sát Thương tật Quốc gia.


Trong khi đó, vào năm 2016, chỉ 2 ngày sau sau vụ thảm sát ở một hộp đêm LGBT ở Orlando, hai phóng viên Andy Campbell và Roque Planas của tờ Huffington Post chỉ mất có 38 phút để mua được một khẩu súng AR-15 – chính là loại vũ khí mà thủ phạm Omar Mateen đã sử dụng trong vụ bắn giết. Lẽ ra họ chỉ mất có 5 phút, nhưng cửa hàng bán súng, cũng như bộ phận kiểm tra nhân thân người mua hiện đang bị quá tải. Đó là một nghịch lý đáng buồn tại Mỹ: người dân thường đổ xô đi mua vũ khí phòng thân sau mỗi một vụ thảm sát.
Trong lúc chờ đợi, Campbell và Planas tán gẫu với nhân viên bán hàng. Người này nói với họ rằng người Mỹ mua súng cho 3 mục đích: Tiêu khiển, phòng vệ, hoặc săn bắn. Nhưng suy nghĩ mãi, cả hai tác giả cũng không biết một khẩu súng trường có thể bắn liên tiếp 10 phát đạn hoặc hơn, thì nên được xếp vào mục đích nào? Cũng theo bài báo, thật không khó để mua các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt như thế này, vào bất cứ ngày nào và ở bất cứ tiểu bang nào tại Mỹ.


Trở lại nước Úc, trong vòng 18 năm trước sự kiện ở Port Arthur, tại Úc xảy ra 13 vụ giết người hàng loạt bằng súng, khiến tổng cộng 104 người thiệt mạng và 52 người bị thương. Sau khi đạo luật kiểm soát súng được ban hành và được sự ủng hộ của các dảng lớn, tỉ lệ người chết do súng ống hàng năm đã giảm 5%.


Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Simon Chapman, nói rằng, “Chúng tôi đã chứng minh rằng sự can thiệp bằng chính sách nhằm ngăn chặn thảm sát đã có tác động lên số người chết vì súng đạn.”
Ông đã quyết định công bố nghiên cứu của mình lên Tạp chí Hội Y khoa Mỹ chỉ vài ngày sau khi Thượng viện Hoa Kỳ từ chối những giải pháp hạn chế súng, sau sự kiện ở Orlando.
Tuy nhiên, ông Chapman không cho rằng nghiên cứu của mình sẽ giúp thay đổi luật sở hữu súng tại Mỹ.
“Nước Mỹ là một ví dụ điển hình về nơi mà bằng chứng cần có thời gian lâu hơn để đánh bại sự sợ hãi và lý tưởng.
“Khi những người như Donald Trump nói về bạo lực súng đạn, ông ta không đề cập đến những sự kiện hay bằng chứng. Ông ta tuyên thuyết về lý tưởng, và nói rằng người dân có quyền bảo vệ bản thân và nhà cửa của mình.


“Trớ trêu thay, những người mà bạn đang cố gắng chống lại [tức kẻ ác], lại là những người sở hữu súng.”
Hơn một nửa số tội phạm của những vụ thảm sát ở Úc và Tân Tây Lan đều là những người sở hữu súng hợp pháp.
Đây đều là những con số biết nói!

Đăng Trình