Phóng sự điều tra: Những ngôi nhà xanh màu cần sa trên nước Úc! (Phần 1)

0
Cảnh sát đột kích căn nhà phía Nam Sydney. (Ảnh: ABC News)

Vietucnews – Giấu mình trong các căn nhà rải rác trên khắp nước Úc, các tổ chức tội phạm quốc tế đang trồng những cây cần sa giá trị lên tới hàng triệu đô la. Họ làm điều đó bằng cách nào?

Có khi bạn đã nhìn thấy một ngôi nhà trồng cần sa rồi đấy chứ! Chỉ là bạn không nhận ra nó mà thôi. Những ngôi nhà lẩn khuất đâu đó trên các vùng ngoại ô, bề ngoài kín đáo nhưng bên trong thì sinh lợi chóng mặt.

Ngôi nhà tường ốp gạch tọa lạc trên một con phố của Sydney này trông rất đỗi bình thường. Thế nhưng, sâu bên trong đó lại là những cây cần sa trị giá hàng ngàn đô.

Video từ ABC News:

Cảnh sát đã nắm bắt được thông tin và chuẩn bị đột kích từ cửa trước.

Cảnh sát đột kích căn nhà phía Nam Sydney. (Video: ABC News)

Một mùi lạ xông lên, và cảm giác khác thường cũng xuất hiện.

Giữa mớ hỗn độn của dây cáp, cửa sổ bịt kín và đèn thắp sáng cường độ cao, cảnh sát tìm thấy 4 phòng đã được chuyển đổi chức năng, chứa đầy cần sa: 93 cây ở các giai đoạn tăng trưởng khác nhau, trị giá khoảng 250.000 đô la.

Không có ai ở nhà.

Có bao nhiêu cây cần sa đang được trồng thủy canh ở Úc?

Có bao nhiêu cây cần sa đang được trồng thủy canh ở Úc? Điều này vẫn là một ẩn số.

“Tổng số là bao nhiêu cây ư? Thực sự không thể đưa ra một con số cụ thể,” Chỉ huy Đội Ma Túy và Vũ Khí NSW Peter McErlain cho hay.

“Quy mô của những căn nhà trồng cần sa tại NSW và có thể là trên toàn quốc đang ở mức báo động.”

Theo cảnh sát cấp cao ở nhiều tiểu bang nhận định, rõ ràng là phần lớn cần sa đang lưu hành ở Úc được trồng theo cách này.

Thống kê cho thấy 2.1 triệu người Úc sử dụng cần sa trong vòng 12 tháng qua, nuôi sống thị trường chợ đen hàng tỉ đô la, tức là số ngôi nhà trồng cần sa không hề nhỏ.

Cảnh sát cũng cho rằng các tổ chức thống lĩnh thị trường chợ đen cần sa ở Úc trên thực tế mạnh hơn nhiều so với phán đoán của họ.

Cảnh sát thu hồi những cây cần sa trị giá hàng ngàn đô sau một cuộc đột kích ở Sydney. (Ảnh: Jack Fisher/ABC News)

Phần lớn những ngôi nhà này được vận hành bởi tội phạm có tổ chức người Việt. Những tổ chức tội phạm hoạt động xuyên tiểu bang trồng cần sa tại vài chục ngôi nhà. Sĩ quan McErlain gọi những ngôi nhà này là mô hình “phân tán”. Một căn bị phát hiện không đủ sức làm tê liệt cả hệ thống.

Theo thông tin ABC News có được, một số người đứng đầu tổ chức phạm tội hiện đang bị cảnh sát điều tra do có tài sản hàng triệu đô không rõ nguồn gốc.

Kể từ năm 2011, Strike Force Zambesi – lực lượng chuyên truy quét cần sa của NSW – đã đột kích hơn 570 ngôi nhà trồng cần sa ở phía tây nam Sydney, tìm thấy số lượng cần trị giá khoảng 205 triệu đô la – con số đáng kinh ngạc cho thấy quy mô của vụ việc hiện hữu chỉ trong một vùng ngoại ô nhỏ bé.

Cảnh sát đóng hàng chục bao cần sa. (Ảnh: Jack Fisher/ABC News)

Gus Viera, chỉ huy lực lượng Strike Force Zambesi, cho biết vấn đề là ở chỗ số lượng nhà trồng cần sa không đếm xuể.

“Chúng tôi đã truy quét tất cả những ngôi nhà khả nghi nhưng e rằng nỗ lực hiện tại chỉ như muối bỏ bể.” 

Năm 2017, Cảnh sát Victoria đã thu hồi gần 33.000 cây cần sa, nặng hơn 14 tấn, từ khoảng 160 ngôi nhà. Nhưng họ nghi ngờ một số tổ chức tội phạm có trụ sở tại Victoria đã luân chuyển trọng tâm giữa các tiểu bang.

Sĩ quan chỉ huy Gus Viera cho rằng nỗ lực hiện tại của cảnh sát NSW chỉ như muối bỏ bể. (Ảnh: Jack Fisher/ABC News)

Theo báo cáo của Ủy Ban Tội Phạm và Tham Nhũng Queensland (Queensland Crime and Corruption Commission), hầu hết cần sa được trồng thủy canh ở bang này đến từ Victoria và Nam Úc và ngày càng nhiều ngôi nhà trồng cần sa liên quan đến tội phạm có tổ chức của Việt Nam bị đưa ra ánh sáng.

Hồi tháng 12, cảnh sát đã thực hiện một trong những vụ bắt giữ cần sa thủy canh lớn nhất trong lịch sử Queensland, thu hồi tổng cộng 60 triệu đô liên đới tới tội phạm có tổ chức người Việt.

Tây Úc và Nam Úc cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng ngôi nhà trồng cần sa của những tổ chức tội phạm này.

Những ngôi nhà xanh…

Những ngôi nhà này có thể được thuê hoặc mua và được chuyển đổi thành nhà trồng cần sa chỉ trong vòng một ngày. Mỗi phòng là một nơi trồng cây mini biệt lập với hệ thống chiếu sáng, tưới nước và cung cấp dinh dưỡng riêng. Những cây cần sa ở các giai đoạn tăng trưởng khác nhau được chăm sóc ở những không gian riêng biệt. Trong một số ngôi nhà, thậm chí còn phát hiện tủ quần áo được sử dụng để ươm cây con.

Trung bình, một ngôi nhà kiếm được 250.000 đô trong 3 tháng. Vụ đầu tiên thường hòa vốn do bù vào chi phí set up. Sau 3 tháng, mức lợi nhuận là 100%.

Cảnh sát cho hay mô hình họ sử dụng để thiết lập những ngôi nhà trồng cần sa tinh vi vô cùng. Hầu hết các tổ chức tội phạm đều dùng những thiết bị giống hệt nhau cho mỗi ngôi nhà như: màn che ánh sáng, máy biến thế, bóng đèn điện và xơ dừa.

Các cửa sổ được che kín để người ngoài không nhìn thấy ánh đèn điện trong nhà. Nhưng đôi khi đèn được lắp giữa bệ cửa sổ và rèm để khi bật đèn vào buổi tối sẽ khiến người khác nghĩ có người ở nhà. Hệ thống thông gió cũng được lắp đặt để hút mùi hăng của cần sa. Vì thế, quạt thông gió gắn trên mái nhà thường quay nhanh hơn quạt thông gió của những ngôi nhà xung quanh.

Mỗi căn nhà cũng ngốn hàng triệu đô la chi phí điện được ăn cắp từ lưới điện. Các thiết bị được sử dụng để chuyển hướng nguồn điện từ mạch chính và qua mặt đồng hồ đo điện.

Một tổ chức vận hành một ngôi nhà trồng cần sa có kích cỡ trung bình bị cảnh sát đột kích vào năm 2015 đã đánh cắp gần 200 đô la điện năng mỗi ngày.

Nhân viên pháp y phủi bụi thiết bị điện sau khi cảnh sát đột kích một căn nhà. (Ảnh: Jack Fisher/ABC News)

Nhiều người đã bị điện giật khi lắp đặt thiết bị trồng cần sa trong nhà.

Một số ngôi nhà có hệ thống dây điện rất nguy hiểm, cảnh sát thậm chí có thể cảm nhận được nhiệt của dòng điện tỏa ra sàn nhà. Lắp đặt đường dây không có kế hoạch không phải là mối nguy lớn nhất. Một số ngôi nhà còn chằng chịt những cái bẫy đến từ hàng rào dây thép gai hay nắm tay cửa hở điện hòng làm người ngoài bị giật khi chạm vào.

Thiệt hại gây ra cho một ngôi nhà được chuyển đổi mục đích sử dụng thế này là vô cùng lớn: tường và sàn bị khoan lỗ, nước chảy thành vệt ố khắp nhà và hệ thống cáp điện bị phá hỏng.

Sau một cuộc đột kích của cảnh sát, phòng nào cũng còn vương lại những mẩu cây cần sa bị tiêu hủy.

Stefan Gorgievski cho một người ông ta nghĩ là có thể tin tưởng được thuê 2 căn nhà ở Whcoateaf, trung tâm Victoria. Ai ngờ nhà của ông đã được sử dụng để trồng 500 cây cần sa trị giá 2 triệu đô. Cảnh sát phát hiện vụ việc năm 2014.

Ông Gorgievski đã tốn hàng ngàn đô để sửa chữa thiệt hại. Và nhiều năm sau, ông vẫn chưa hết bàng hoàng.

“Đau lòng biết bao khi thấy cảnh tượng ấy,” Gorgievski bần thần nhìn những tấm ảnh cảnh sát lôi ra hàng tá cây cần sa từ nhà mình.

“Khi bạn nhìn lại ngôi nhà gây dựng bằng mồ hôi và công sức của chính mình…thật sự đau lòng!”

Nhiều năm sau vụ việc, ông Gorgievski vẫn chưa hết bàng hoàng. (Ảnh: ABC News)

Chỉ có hai người bị bắt khi căn nhà của ông Gorgievski bị đột kích: những người trồng cần sa.

(còn tiếp)

Nguồn: ABC News

4.3/5 - (3 votes)