Rác thải nhựa có thể giết chết các vi khuẩn biển đang sản xuất 10% lượng oxy trên Trái Đất

0

VietucnewsÔ nhiễm môi trường không còn là vấn đề của riêng một quốc gia, mà là vấn đề toàn cầu phải đối mặt và giải quyết. Một trong những nguyên nhân khiến cho ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn, chính là rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Nhựa tràn lan khắp nơi, ngay cả dưới đáy biển. Hóa chất từ rác thải nhựa có nguy hại đối với các loại vi khuẩn cung cấp 10% oxy cho Trái đất.

Độc tố rò rỉ có thể ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn Prochlorococcus

Túi nhựa, chai nhựa, hay bất cứ thứ rác thải nào từ nhựa vốn đã được xem là những tác nhân gây hại cho các loài sinh vật biển. Chúng có thể siết cổ sinh vật đại dương kém may mắn, hay tích tụ trong bụng và dần dần đe dọa đến tính mạng của con vật.

Tuy nhiên chưa dừng lại ở đó, một nghiên cứu gần đây còn cho thấy độc tố rò rỉ từ rác thải nhựa khi hòa tan vào nước biển có thể ức chế sự tăng trưởng cũng như hiệu suất quang hợp của vi khuẩn Prochlorococcus – loài sinh vật chịu trách nhiệm sản xuất khoảng 10% lượng oxy trên Trái Đất.

Thải ra 10% oxy đồng nghĩa với việc chúng cũng có trách nhiệm thu vào ngần ấy khí carbon trên hành tinh. Về mặt lý thuyết, tác động tiêu cực đến sự tồn vong của Prochlorococcus khiến cho nỗ lực giảm thiểu lượng CO2 trong bầu khí quyển của chúng ta vốn khó khăn nay lại càng trở nên khó khăn hơn.

Nguồn: jgi.doe.gov

Prochlorococcus là sinh vật có khả năng quang hợp phổ biến nhất thế giới, chúng hút carbon dioxide tương tự như thực vật và dự trữ carbon trong các tế bào. Chung quy lại, Prochlorococcus đóng một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của điều kiện sống một hành tinh như Trái Đất.

Các nhà khoa học tại Đại học Macquarie (Úc), những người phát hiện vấn đề trên tự hỏi nếu hàng triệu tấn nhựa bị chìm xuống đại dương mỗi năm, mối đe dọa đến các loài sinh vật này và thậm chí là đến nguồn oxy – thứ thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta sẽ bị đe dọa đến mức nào?

Thực nghiệm về ảnh hưởng của chất độc rác thải nhựa đến vi sinh vật

Để cung cấp cái nhìn trực quan hơn về ảnh hưởng của các chất độc hại rò rỉ từ chất thải nhựa đến môi trường, nhóm chuyên gia đã tiến hành 2 thí nghiệm khác nhau, cho vi khuẩn tiếp xúc lần lượt với nhựa polyethylene – chất có thể dễ dàng được tìm thấy trong các túi nhựa và polyvinyl clorua – cũng là một loại nhựa phổ biến khác.

Họ cho vi khuẩn tiếp xúc với hỗn hợp chứa nhựa này ở các nồng độ khác nhau trong suốt 3 ngày, đồng thời đo đạc sự phát triển của tế bào, quá trình sản xuất oxy cũng như hoạt động phiên mã gen diễn ra như thế nào.

Kết thúc thời gian thử nghiệm, dù ở nồng độ nào, “sức khỏe” của vi khuẩn đều bị ảnh hưởng đáng kể. Khả năng quang hợp suy yếu, tế bào mới hình thành giảm sút và về tổng thể, vi khuẩn cũng sản xuất ít oxy hơn. Trên thực tế, rất nhiều gen thuộc các tế bào đóng vai trò thực hiện chức năng quang hợp bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận thấy mức độ nguy hại của PVC cao hơn so với HDPE. Theo nhóm nghiên cứu, những thứ đã “đầu độc” vi khuẩn có thể kể đến như các hợp chất hữu cơ và kim loại nặng, như kẽm.

Nguồn: Popsci

Rate this post