Thư mời giúp đỡ các em du học sinh – những người bên lề xã hội Úc trong đại dịch Covid-19

0

“Kính thưa các anh chị doanh nhân / doanh chủ là người gốc Việt của các doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn đất nước Australia.

Như các anh chị cũng đã biết, trong những ngày qua, trên mạng xã hội và báo chí hai đầu cầu Úc – Việt đang có người người, nhà nhà share nhau tin tức về việc nước Úc không có các chính sách hỗ trợ những người có visa tạm trú trong khoảng thời gian xảy ra đại dịch toàn cầu Covid-19 với muôn vàn comments khác nhau – từ ủng hộ có, phản đối có và cả những lời mặn ngọt chua cay cũng đều có.

Cộng đồng mạng Việt Nam tại Úc được chia thành hai thái cực rõ rệt – một bên là những người đang giữ visa tạm trú đang rất buồn, thất vọng và một bên là những người đã có visa thường trú nhân hoặc/và quốc tịch Úc đang cố gắng bảo vệ quyết định này chính phủ.

Những người phản đối thì nói rằng chính phủ Úc sao mà “lạnh lùng quá, phũ phàng quá và lý thì có đó, nhưng mà lại thiếu đi cái tình trong một cuộc đại khủng hoảng trăm năm mới có một lần” trong khi bên còn lại thì có người sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng để ôn tồn giải thích lý do, có người lại thích nói sòng phẳng – “anh chị đã cam kết là có đủ tiền để chi trả chi phí cuộc sống tại Úc khi xin visa du học rồi mà” và cũng không có ít người lại cho rằng “đã là du học sinh thì gia đình bên Việt Nam phải rất giàu có (wealthy) thì mới có điều kiện lo cho đi du học, nên bây giờ thì hãy về nhà để bố mẹ lo đi!”.

Là một người đứng giữa hai đầu chiến tuyến, đồng thời cũng là một người có song tịch Việt – Úc và cũng từng là một cựu du học sinh Úc từ những năm 2000, tôi lại nghĩ đến và muốn viết thư mời các anh chị doanh nhân gốc Việt tại Úc cùng chung tay đồng lòng giúp cho các em – những người du-học-sinh-cần-giúp-đỡ. Vì hơn ai hết, tại thời điểm này, các em cũng là những người rất thiệt thòi, rất cô đơn và cũng rất khó khăn nhưng lại không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào cả.

Đứng về góc nhìn của một người công dân của Úc, tôi nghĩ là chính phủ Úc hoàn toàn biết được những khó khăn mà một du-học-sinh-cần-giúp-đỡ đang trải qua, nhưng thật sự là chính phủ không còn khả năng để có thể hỗ trợ cho các em được trong thời điểm hiện nay. Đơn giản bởi vì nguồn lực của chính phủ Úc đã bị vắt kiệt sau cơn thiên tai cháy rừng khủng khiếp mùa hè vừa qua và sau đó phải ngay lập tức đối phó với cơn đại dịch quái ác đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của hàng triệu người Úc. Cũng giống như bất cứ chính phủ nào khác trên thế giới, ưu tiên số một của chính phủ Úc phải và sẽ là cho công dân và thường trú nhân Úc trước khi có thể nghĩ đến bất cứ ai khác. Vì vậy, chính phủ Úc không làm sai và họ cũng chỉ đang làm điều mà họ cần làm trong hoàn cảnh nguồn lực chỉ có giới hạn mà thôi.

Đứng về phía góc nhìn của các em – những người du-học-sinh-cần-giúp-đỡ, tôi cũng hoàn toàn cảm thông và hiểu được cái cảm giác đau nhói khi nghe được câu “if they are not in the position of support themselves, then there will be an alternative for them to return to their home country” từ thủ tướng Úc. Dù rằng ý của ông không sai, vì ông là một người rất thẳng thắn và đó là một thực tế không thể chối cãi, nhưng dĩ nhiên đứng về phía các em là những người đang rất cần được giúp đỡ thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc rất buồn và thất vọng.

Còn đứng về góc nhìn của một người đã đọc rất nhiều comments trong cuộc chiến nảy lửa mà nhiều người đang tạm gọi là cuộc chiến giữa “Người Việt nói tiếng Anh và Người Úc nói tiếng Việt” thì có lẽ điều làm tôi băn khoăn nhất là suy nghĩ của rất nhiều người về việc “đã là du học sinh thì gia đình bên Việt Nam phải rất giàu có (wealthy) thì mới có điều kiện lo cho đi du học, nên bây giờ thì hãy về nhà để bố mẹ lo đi!”. Theo tôi, suy nghĩ này hoàn toàn không chính xác.

Tôi không phủ nhận về việc có một số gia đình phụ huynh của các du học sinh đang học tại Úc rất giàu (wealthy) hay cực kỳ giàu có (ultra-wealthy) tại Việt Nam. Nhưng câu hỏi được đặt ra là các con em của các gia đình này có đang tham gia yêu cầu chính phủ Úc hỗ trợ gì hay không? Tôi nghĩ khả năng cao là không. Bởi lẽ, với các gia đình này thì họ hoàn toàn không cần đến hỗ trợ gì của chính phủ hay cộng đồng cả. Và các con của họ có thể cũng chẳng có thời gian hay tốn công sức tham gia gì trong các hội sinh viên đang ngày đêm kiến nghị chính phủ về quyền lợi đâu. Bởi lẽ, số tiền hỗ trợ, nếu được nhận, đối với các em ấy thật sự chẳng bõ bèn gì và có khi còn không bằng tiền tiêu vặt hàng tuần của các em nữa…

Nhưng mà, liệu có phải nhà của du học sinh nào cũng giàu có được như vậy? Và dĩ nhiên câu trả lời là KHÔNG. Những gia đình rất giàu có đó thông thường chỉ chiếm số lượng nhỏ, rất nhỏ trong số hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn gia đình đã và đang gửi con sang Úc du học mà thôi.

Tôi biết có rất nhiều gia đình các em Du Học Sinh có bố mẹ chỉ là người làm công ăn lương bình thường, có người làm giáo viên, có người là chủ hộ kinh doanh buôn bán nhỏ và họ hoàn toàn không phải là người có thể được xem là giàu có trong xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, ở họ có một điểm chung đó là sự hi sinh vô bờ bến để mong cho con mình có được một tương lai tươi đẹp, rạng rỡ hơn tại Úc. Họ dám vì con mà có thể bán đi căn nhà đã từng gắn bó lâu dài, luôn nhịn tiêu, nhịn chi cho bản thân để gom góp sao cho có đủ tiền kịp chuyển sang đóng tiền học cho con đúng hạn.

Và đối với các gia đình này, thì tôi dám chắc rằng cuộc sống học tập xa nhà của các con của họ sẽ có đâu đó bóng dáng của cái kitchen sink với chén dĩa ngập mặt rửa hoài không hết trong một nhà hàng Việt Nam nào đó, của một đôi giày bảo hộ đã sờn cũ với lỗ chỗ nhiều lỗ thủng dưới đế vì đi chạy bàn quá nhiều mà không dám thay, của cái nồi nấu chỉ độc một món thịt kho để dành ăn đến mấy ngày và là những lần ứa nước miếng khi đi ngang những nhà hàng bán những món ăn mình thích nhưng lại không dám vào vì cảm thấy đắt đỏ quá.

Nhưng mà như vậy đã là xong đâu, cái cuộc sống xa nhà ấy còn là những lần chuyển nhà triền miên bất tận, là những căn phòng ngủ ở ghép ba bốn người một phòng hay những lần gõ cửa xin bạn nào đang ở trong đó đi ra nhanh nhanh dùm, bởi vì… tui không nhịn nổi nữa rồi… khi mà gần chục con người chia nhau sử dụng có một cái toilet vào mỗi buổi sáng…

Và các em chính là những du-học-sinh-cần-giúp-đỡ mà chúng ta cần chung tay hỗ trợ.

Bởi vì các em chính là những người đã bị mất việc đầu tiên khi khủng hoảng xảy ra và cũng sẽ là những người cuối cùng sẽ được tuyển dụng trở lại tại Úc sau khi đại dịch qua đi.

Bởi vì cuộc sống các em vốn dĩ đã rất khốn khó ngay trong thời điểm bình thường, và bây giờ lại đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trăm năm mới có một lần.

Và bởi vì có thể gia đình của các em tại Việt Nam cũng đang cực kỳ khó khăn mà không thể chuyển tiền trợ cấp được cho các em trong thời điểm hiện nay. Tôi có biết những doanh nhân là chủ các doanh nghiệp tại Việt Nam đang phải bán đi những tài sản cá nhân của họ để có tiền cứu công ty, cứu doanh nghiệp, cứu nhân viên của họ trong thời điểm cực kỳ khó khăn này. Họ chấp nhận mất mát để nhân viên còn có cơm mà ăn trong khi bản thân họ và gia đình thì… cháo còn chưa biết có còn không. Vì vậy, các em đang bị kẹt ở bên đây đã khó lại càng thêm khó khi đã vừa mất việc, vừa hết tiền mà gia đình lại mất đi khả năng trợ cấp cho các em.

Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng muốn giúp là một chuyện. Nhưng mà có thể sẽ có người hỏi lấy đâu ra tiền để giúp bây giờ? Tiền bình thường vốn dĩ đã luôn không bao giờ là đủ chứ đừng nói chi đến lúc khủng hoảng trầm trọng thế này. Ai cũng đang gặp khó. Nước lớn có kiểu khó của nước lớn, nước nhỏ có kiểu khó của nước nhỏ. Doanh nghiệp lớn khó lớn, doanh nghiệp nhỏ khó nhỏ, mà không làm doanh nghiệp thì cũng khó nốt. Nói chung là ai cũng có cái khó riêng bây giờ cả.

Nói thì nói vậy nhưng mà chẳng lẽ chúng ta lại không giúp được gì cho các em trong lúc dầu sôi lửa bỏng này sao? Tôi nghĩ nếu thật sự muốn, chúng ta vẫn có thể làm gì đó để giúp các em mà. Có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều, còn không có vật chất thì có thể chia sẻ với các em sự cảm thông với những gì các em đang trải qua thì đã là tốt lắm rồi. Thôi thì xem như lá nào hơi lành thì cố gắng đùm lá đã rách, lá rách thì cố gắng đùm lá nát vậy.

Theo tôi biết là hiện nay ở Úc cũng đang có một thế hệ doanh nhân thành đạt là những người cũng đã trải qua cái thời du học sinh gian khó tay trắng làm nên. Nếu không phải là chúng ta sẽ giúp đỡ các em du-học-sinh-cần-giúp-đỡ trong thời gian hoạn nạn này thì còn có ai vào đây nữa? Tôi chắc rằng trong cái thời sinh viên cực khổ, vất vả ấy thì trong chúng ta ai ai cũng ít nhiều đã nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo từ các lớp anh chị đi trước và bây giờ là lúc phù hợp hơn bao giờ hết để đáp đền tiếp nối cái ân tình đó.

Vì vậy, với tinh thần “Pay It Forward”, tôi xin kính mời các anh chị doanh nhân/doanh chủ nào hiểu, thông cảm và mong muốn góp phần chia sẻ với các em du-học-sinh-cần-giúp-đỡ tại thời điểm hiện nay cùng tham gia đóng góp. Bởi vì một cây thì chẳng bao giờ làm nên non cả, nhưng nhiều cây chụm lại thì chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một khu rừng lớn để giúp các em có một ít bóng mát bình yên dưới cái nắng gắt gao và khắc nghiệt của thế cuộc hiện nay.

Tùy điều kiện, tùy ngành nghề, tùy hoàn cảnh mà các anh chị có bất cứ sự giúp đỡ nào cũng được. Bây giờ mà có để đóng góp là đáng quý lắm rồi. Có thể sẽ là những chương trình miễn phí dịch vụ chuyển đổi visa cho các em của quý anh chị trong ngành tư vấn du học, hay là những shopping vouchers giúp các em mua ít các vật dụng thiết yếu trong cuộc sống như gạo, mì gói, vỉ trứng của các quý chủ siêu thị; hay là những học bổng của các doanh nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, hay là một hộp takeaway nguội lạnh cuối ngày để xoa dịu cái bụng đang sôi ùng ục trên đường về nhà cũng được mà… Cái gì cũng được, cũng quý và cũng đáng trân trọng cả. Bởi vì, một miếng khi đói thì chắc chắn là hơn một gói khi no rồi.

Các anh chị doanh nhân hiện đang có các chương trình hỗ trợ cho các em du-học-sinh-cần-giúp-đỡ cho xin vui lòng gửi thông tin cho tôi. Tôi sẽ tổng hợp và cập nhật thông tin ngay dưới thư mời này để các em có thể biết được các sự hỗ trợ đang có từ cộng đồng doanh nghiệp chúng ta.

Tôi xin cám ơn các anh chị đã dành thời gian đọc thư này và tôi tin rằng cộng đồng các em Du-Học-Sinh-cần-giúp-đỡ sẽ rất trân trọng sự đóng góp rất quý giá này của các anh chị trong thời gian này.

Kính chúc quý anh chị cùng gia đình có thật nhiều sức khỏe, vạn sự an lành và bình yên trong cuộc sống

Kính Thư,

Long Phan”

Tâm thư trên được viết bởi anh Long Phan – Một công dân Úc và cũng là cựu du học sinh Việt Nam tại Úc, bài viết đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các doanh nhân và các bạn du học sinh.

Mọi người có thể theo dõi bài viết tại đây

https://www.facebook.com/long.phan.au/posts/10219661033570896

Trong số những doanh nhân Việt Nam hiện đang sinh sống tại Úc, có nhiều người cũng từng là du học sinh, họ hiểu được những khó khăn mà các DHS phải trải qua. Không phải ai sang Úc du học cũng đều là con nhà có điều kiện, trong đó có rất nhiều bạn phải cố gắng hết sức vừa học vừa làm để kiếm tiền đóng học phí và trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Đại dịch Covid – 19 lần này đã khiến các bạn mất công ăn việc làm, trong khi đó gia đình ở Việt Nam cũng gặp khó khăn nên không thể hỗ trợ nhiều. Chính vì vậy, trong thời gian qua có rất nhiều doanh nhân đã có những chương trình thiết thực hỗ trợ cho các DHS vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mong rằng những thông điệp yêu thương sẽ lan tỏa nhiều hơn nữa để nhiều hoàn cảnh khó khăn sẽ được giúp đỡ, như lời bài hát “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”