“Tin tốt cho nước Úc”: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt kỳ vọng trong quý 1/2019

0

Vietucnews – Người tiêu dùng Trung Quốc đã chi tiêu “mạnh tay” hơn cho mua sắm trực tuyến, nhờ đó đã thúc đẩy nền kinh tế trì trệ đi lên cũng như giúp doanh số bán lẻ hàng hóa trực tuyến trong quý 1/2019 tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, mua sắm trực tuyến chiếm 18% tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tại Trung Quốc.

Công nhân may quần áo xuất khẩu ở quận Donghai ở phía đông tỉnh Giang Tô của Trung Quốc.

Trái với những dự báo đầy ảm đạm do cuộc chiến thuế quan với Mỹ, tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn giữ được sự ổn định ở mức 6,4% trong 3 tháng đầu năm 2019. Có được thành công trên là nhờ các chính sách kích thích tăng trưởng của chính phủ, bao gồm cắt giảm thuế tiêu dùng và thuế doanh nghiệp cũng như triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Trong tháng 3/2019, sản lượng công nghiệp của nước này tăng 8,5% – cao nhất trong 5 năm qua – với sản lượng xi măng tăng tới 22%. Trong khi đó, doanh số bán lẻ cũng tăng 8,7% cũng trong tháng 3. Những con số này thể hiện đà vươn lên mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc bất chấp những dự báo tiêu cực.

Bất chấp những cảnh báo hồi đầu năm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, tốc độ tăng trưởng GDP trong tháng 3 đạt mức tương đương quý 4/2018 và cao hơn con số dự báo của các nhà phân tích.

Theo phát ngôn viên của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Mao Shengyong, nền kinh tế của đất nước tỷ dân đang “duy trì đà phát triển ổn định”.

Tuy nhiên, theo phó giám đốc Viện Quan hệ Úc-Trung tại Đại học Kỹ thuật Sydney, James Laurenceson, “vẫn cần phải thận trọng vì các chính sách kích thích tăng trưởng vẫn sẽ đóng một vai trò nhất định”.

Một công nhân đang chuyển một sản phẩm nhôm tại một nhà máy ở Nam Ninh, phía nam Khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc

“Con số nổi bật nhất đến từ doanh số bán lẻ. Năm ngoái, tiêu thụ hàng hóa chiếm tới 76% tăng trưởng của Trung Quốc. Nếu việc chi tiêu cho hàng tiêu dùng vẫn ổn định, hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc của chúng ta sẽ không gặp bất kỳ trở ngại nào trong thời gian tới. Đó là một tin tốt cho nước Úc.”

Giám đốc về kinh tế Trung Quốc thuộc Tập đoàn Macquarie, ông Larry Hu, cho biết các số liệu đã khẳng định sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 3. Công nghệ chế tạo cũng đã thấy một số dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng sự phục hồi này sẽ kéo dài một cách ổn định.

“Tuy nhiên, khi sự hỗ trợ chính sách từ chính phủ ít dần, nền kinh tế có thể sẽ lại suy thoái thêm một lần nữa vào cuối năm nay, trừ phi lĩnh vực bất động sản đạt được mức tăng trưởng đáng kể để có thể lấp đầy khoảng trống do chính sách để lại, hoặc sự phục hồi trên diện rộng của nền kinh tế toàn cầu.”

Ông Hu cho biết sự phục hồi vào tháng 3 phần lớn là nhờ vào các gói chính sách của chính phủ.

“Về cơ bản, các nhà hoạch định chính sách đang “đánh cược” sự tự tin của mình. Họ hy vọng rằng việc “hoạch định trước” các chính sách có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt đến một gia tốc đủ lớn để từ đó có thể tự duy trì sự phục hồi”.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tập trung đầu tư vào sản xuất công nghệ cao. Tỷ lệ đầu tư trong lĩnh vực này tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 6,3% trong đầu tư tài sản cố định nói chung.

Giáo sư John Gong thuộc Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế tại Bắc Kinh thì cho rằng Trung Quốc đang đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ khi số lượng trạm di động đạt tăng trưởng lên tới 154% khi công ty viễn thông China Mobile triển khai mạng 5G.

Tuy nhiên, ông John Gong cũng bổ sung rằng một số lĩnh vực của nền kinh tế mới không được hưởng lợi từ sự kích thích của chính phủ dẫn tới tình trạng sa thải nhân viên. Một ví dụ điển hình là ứng dụng gọi xe Didi khi hãng này đang tiến hành sa thải 15% tổng số nhân viên của mình.

Nguồn: smh.com.au