Tôi đã thi IELTS trên máy tính được 9.0 overall như thế nào?

0

Vietucnews – Cuối năm ngoái, mình thi IELTS trên máy tính được 9.0 overall (R 9 L 9 S 8.5 W 8.5) ngày 29/11/2018 – (xem xác nhận của IDP tại link http://bit.ly/2Ip0Eoy). Mình xin phép chia sẻ 1 bài dành cho những bạn đặt mục tiêu điểm IELTS Writing cao để xin học bổng hoặc đi du học. (định nghĩa cao là từ 7,5 trở lên).

Có phải người bản xứ thì đều IELTS 9.0 hết không?

Sau 10 năm ở các nước nói tiếng Anh, mình cảm nhận là nghe đọc và nói khả năng cao họ sẽ được 9.0. Nhưng mình đã từng gặp qua những bạn quốc tịch Anh, không biết tiếng gì ngoài tiếng Anh nhưng viết cũng chỉ được 7.5 thôi, mãi không lên được (bạn ấy vì lý do nào đấy cần lấy điểm IELTS để nhập tịch Úc).

Vậy điều gì làm IELTS Writing khó hơn 3 kĩ năng còn lại?

Theo mình, có 2 yếu tố là kiến thức xã hội và cách tư duy. Các bạn hỏi, từ khi nào IELTS lại thành kỳ thi kiến thức xã hội vậy? Đúng, IELTS không test kiến thức xã hội, IELTS test khả năng sử dụng ngôn ngữ.

Nhưng nếu chúng ta muốn điểm Writing vượt trên 7.5, thì cần phải sử dụng tốt từ vựng chủ điểm 1 cách chuẩn xác. Và để sử dụng tốt được từ vựng chủ điểm, thì ý tưởng và luận điểm không thể tầm thường.

Mình thử đưa 1 ví dụ. Đề bài là death penalty (án tử hình). Nếu quan điểm chỉ đơn giản là giết người là tàn nhẫn, trái đạo đức thì từ vựng bạn dùng chỉ loanh quanh ở cruel, immoral và inhumane.

Nhưng nếu kiến thức xã hội của bạn rộng, bạn sẽ nói là the dealth penalty acts as a deterrent to crimes. Bạn sẽ nói là execution is a violation of the right to life, trích bản tuyên ngôn nhân quyền.

Bạn có thể phân tích là xử tử qua firing squad thì thế nào, qua electric chair thì ra sao. Bạn kể ra có nhiều trường hợp mà innocent people were wrongly convicted and executed. Ý tưởng phải sâu và rộng thì mới có đất cho bạn dùng high level topic vocabulary.

9.0 IELTS – điểm số mơ ước. (ảnh: Facebook)

Nhưng ai mà biết nhiều, biết rộng, biết lắm thế được?

Mình học cấp 2-3 ở Singapore, vừa sang họ cũng yêu cầu viết bài luận phân tích về vấn đề xã hội. Mình mù tịt, hỏi cô giáo thì cô khuyên là phải xem thời sự bằng tiếng Anh, đọc báo giấy, báo online, đọc phân tích tình hình xã hội. Còn gì nữa? Học tư duy phản biện, học cách lắng nghe và đặt mình vào vị trí của đối phương.

Lần đầu mình lật tờ báo của Singapore ra, chỉ sau 1’ là mình úp báo lên mặt ngủ. Vì họ tranh cãi những vấn đề gì, mình có hiểu đâu? Từ vựng đọc không hiểu thì chớ. Kiến thức nền cũng không có, không biết cái chuyện xảy ra trước cái chuyện đang được đăng báo này là chuyện gì. Nhưng nhìn các bạn khác làm được, nên mình cũng đành phải cày bừa quyết tâm.

Các bạn ạ, 15 tuổi học sinh Singapore đã tranh cãi vấn đề về dân tị nạn, dân nhập cư, vấn đề môi trường, vấn đề dân số, vấn đề gian lận bầu cử. Các bạn ấy đã trích nhà triết học Immanuel Kant, đã hùng hồn phân tích Descartes “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”.

IELTS – một trong những chứng chỉ tiếng anh phổ biến nhất trên thế giới. (ảnh: Facebook)

Để không trở thành đứa được học bổng mà lại ngu nhất lớp, mang tiếng cho Việt Nam, mình đã cày như trâu bò để bắt kịp với các bạn ấy. Sau vài năm, may thay mình không biến thành bò mà thành 1 con người khác, với 1 thế giới quan khác và 1 tầm tư duy khác.

Vậy với những bạn sử dụng tiếng Anh khá tốt nhưng vẫn thắc mắc vì sao điểm mình chưa cao, các bạn ạ, đây là cái khác biệt. Không phải tự nhiên mà điểm IELTS cao sẽ dễ được học bổng, dễ được nhập cư nước này nước kia.

Là vì người có IELTS cao – nhất là Writing, thì kiến thức xã hội chắc là không hề ít, và khả năng dùng dẫn chứng, lập luận để bảo vệ quan điểm cá nhân là không hề kém. Ngoài đầu tư cho từ vựng ngữ pháp, thì đầu tư để làm giàu kiến thức và cách tư duy là vô cùng quan trọng.

Nguồn FB Ruby Hsu