Trăn trở chuyện du học: nam sinh Trung Quốc tự sát vì trầm cảm

0

Zhikai Liu đã vượt khoảng cách hơn 9000km từ quê hương Trung Quốc đến Úc để học tập tại Đại học Melbourne. Song, anh dần phát hiện ra cuộc sống nơi xứ người khó khăn hơn rất nhiều so với những gì mình tưởng tượng.

Chàng sinh viên trẻ chật vật tiếp thu bài giảng bằng tiếng Anh, thường xuyên “cơm không lành, canh không ngọt” với bạn gái, và mất ngủ triền miên.

Many international students could be suffering in silence with mental distress.
Rất nhiều du học sinh phải một mình chống chọi với chứng trầm cảm.

Sau đó, Liu thú nhận với chị gái rằng anh đã đôi lần nghĩ đến việc tự thương tổn bản thân khi gặm nhấm nỗi cô đơn tuyệt vọng trong căn hộ mình thuê. Thế nhưng anh vẫn né tránh việc tìm đến bác sĩ tâm lý, mặc cho những dấu hiệu trầm cảm xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc.

Tháng 3 năm 2016, chàng trai 24 tuổi đã ra đi vĩnh viễn vì ngã từ trên lầu cao. Cái chết bất ngờ của anh được kết luận là tự sát.

Liu không phải là người duy nhất phải gánh chịu bi kịch này. Anh chỉ là một trong số vô vàn du học sinh bị áp lực đè nặng đến bước đường cùng dẫn đến buông bỏ hi vọng sống.

Cơ quan khảo nghiệm nguyên nhân tử vong cũng đã công bố thêm 43 trường hợp tự sát liên quan đến công dân ngoại quốc đang đi học, hoặc đã kết thúc chương trình học của mình, tại bang Victoria. Những cái chết thương tâm này được phát hiện trong khoảng thời gian năm 2009 – 2015.

Trước tình trạng đáng báo động trên, nhân viên điều tra Audrey Jamieson lên tiếng kêu gọi chính phủ liên bang đề xuất giải pháp hỗ trợ du học sinh làm quen với việc trị liệu tâm lý.

Ngay cả sinh viên Úc cũng có tỉ lệ tự tử khá cao (84 người đã chết trong giai đoạn sinh viên nước ngoài tự sát được đề cập bên trên), song du học sinh lại thiệt thòi ở chỗ họ khó mà nhận được sự trợ giúp từ bác sĩ tâm lý, dù cho biểu hiện trầm cảm đã rõ ràng đến mức người thân và bạn bè đều nhận ra.

Đây luôn là chủ đề “nóng” trong các báo cáo nghiên cứu về phúc lợi xã hội của Úc áp dụng cho hàng trăm nghìn du học sinh tại đây. Số liệu cho thấy ngày càng có nhiều người nước ngoài trẻ tuổi gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần.

Đặc biệt, các sinh viên Trung Quốc luôn tỏ ra e ngại khi nhắc đến trị liệu tâm lý vì sợ bị “mất mặt”. Thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ, họ có xu hướng giấu nhẹm đi vì lo lắng sẽ bôi nhọ thanh danh của bố mẹ hoặc thậm chí là chính mình nếu tìm đến bác sĩ tư vấn.

Báo cáo phân tích 27 trường hợp tử vong gần đây của cơ quan khảo nghiệm đã đề cập đến động cơ tự sát của người chết.

Gần 90% số du học sinh châu Á đến từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia. Nhiều người bị đè nén bởi áp lực tài chính hoặc học hành, dẫn đến hơn một phần ba trong số đó bị nợ môn.

“Có 5/10 trường hợp du học sinh tự tử do sợ bố mẹ phát hiện kết quả học tập tụt dốc không phanh, 3 vụ nghĩ quẩn do thất bại trong việc xin cấp visa,” nhân viên điều tra cho biết.

“Về căng thẳng tài chính, không đủ tiền đóng học phí là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 5 sinh viên, đồng thời có liên quan trực tiếp đến việc túng thiếu do bài bạc ở 2 trường hợp.”

Các nhà nghiên cứu từ Đại học MonashĐại học La Trobe chỉ ra rằng du học sinh không hề có cuộc sống khá giả như người ta thường nghĩ. Một số gia đình phải đánh liều gom góp sạch vốn liếng, kể cả đi vay tiền, để cho con sang nước ngoài. Vì vậy, trên vai các du học sinh luôn phải gồng gánh kỳ vọng thành công khổng lồ đến từ gia đình họ.

“Hồi tôi mới đến đây làm việc đã gặp vài du học sinh stress nặng vì thất bại trong học hành, nhưng bố mẹ họ không hề hay biết,” một nhân viên y tế ở trường đại học chia sẻ.

“Cuối cùng những sinh viên ấy chọn cách tự sát để không phải thông báo sự thật tàn nhẫn với bố mẹ, và cả… đối mặt với nỗi hổ thẹn trong lòng mình.”

Trong quá trình làm việc, nhóm nghiên cứu cũng nhận ra sinh viên Trung Quốc chịu cú “sốc văn hóa” khá lớn khi đổi môi trường học tập. Vì đã quen với lối “học vẹt” ở quê nhà nên họ trở nên lúng túng khi được đề nghị phát biểu ý kiến và phân tích thông tin khi theo học tại Úc.

Audrey Jamieson không dám chắc nếu ngày đó Zhikai Liu được trị liệu tâm lý kịp thời thì kết cục của anh có khác đi hay không. Nhưng ít ra nếu làm thế, vẫn có cơ hội cứu được một mạng người.

Đại học Melbourne đã được thông báo về cái chết đau lòng của nam sinh viên, song không thể tiến hành điều tra vì vụ việc xảy ra ngoài khuôn viên trường.

Người phát ngôn của Đại học Melbourne cho biết nhà trường luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên, bao gồm quá trình tư vấn từ bác sĩ tâm lý và nhân viên y tế đã qua đào tạo để xác định sinh viên nào đang trong tình trạng khó khăn.

“Nhà trường cam kết sẽ duy trì việc tiếp cận và hỗ trợ du học sinh Trung Quốc qua các nền tảng truyền thông như Weibo và WeChat, giúp sinh viên luôn được cập nhật quyền lợi của mình.”

Cơ quan khảo nghiệm kêu gọi trường đại học và các cơ sở giáo dục khác lập tức báo cho nhân viên điều tra mỗi khi phát hiện trường hợp du học sinh tử vong, nhằm ngăn chặn tình trạng tự tử tiếp tục xảy ra trong tương lai.

Nguồn: smh