Úc: 40% dân số tiêu tốn hàng chục tỉ đô la mỗi năm vì rối loạn giấc ngủ

0

VietucnewsTheo báo cáo gần đây nhất của chính phủ, có 4/10 người dân Úc bị mất ngủ thường xuyên. Tình trạng này khiến chi phí khám chữa bệnh liên quan đến giấc ngủ tăng vọt tới mức 26.2 tỉ đô la mỗi năm.

Sau khi tiến hành điều tra, chính phủ ông Morrison đã kêu gọi người dân nên chú ý đến chất lượng giấc ngủ, bởi đây là một trong ba yếu tố then chốt cho một lối sống lành mạnh, bên cạnh chế độ ăn uống và vận động hợp lý.

Báo cáo điều tra cho thấy người Úc đang mạo hiểm cả sức khỏe lẫn mạng sống vì tình trạng mất ngủ. Có nhiều người không nghỉ ngơi đủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm – khoảng thời gian lý tưởng cho một giấc ngủ sâu và có lợi cho cơ thể. Chỉ cần 5 đêm mất ngủ thôi, nội tiết tố sẽ rối loạn và khiến họ có nguy cơ bị tiền đái tháo đường.

Braun Mennusko đã sụt tận 20kg sau khi điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.

Hiện có khoảng 1/5 dân số Úc phải sống chung với chứng rối loạn giấc ngủ. Trong đó, hai biểu hiện thường gặp nhất là trằn trọc và ngưng thở khi ngủ, vốn ít khi được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Hậu quả nghiêm trọng nhất mà người bệnh phải gánh chịu chính là tử vong. Rối loạn giấc ngủ là yếu tố góp phần gây nên cái chết thương tâm của 3000 người chỉ trong khoảng thời gian ngắn (2016 – 2017). Hơn 77% trong số đó được nghi ngờ “có liên quan đến ảnh hưởng của việc rối loạn giấc ngủ lên sự phát triển của bệnh tim mạch, nhất là với những người mắc chứng ngưng thở tắc nghẽn”.

Ngoài ra, có 10% trường hợp tử vong xảy ra do mệt mỏi, thiếu ngủ dẫn đến tai nạn giao thông.

Ông đã phải phẫu thuật để điều trị dứt điểm căn bệnh này.

Braun Mennusko, một thợ làm tóc tại Melbourne, đột nhiên mệt mỏi và tăng cân suốt thời gian dài do biến chứng của việc ngưng thở khi ngủ. Thế nhưng, ông chẳng mảy may hay biết về bệnh lý của mình. Mãi cho đến khi đi du lịch cùng cả nhà và bị em gái phàn nàn về tiếng ngáy, ông mới nhận ra sức khỏe mình không ổn lắm.

“Sau khi làm bài kiểm tra giấc ngủ, tôi mới biết chỉ trong 1 tiếng mà mình đã ngưng thở tận 101 lần,” Mennusko nói. Hiện ông đã hồi phục nhờ làm phẫu thuật và đeo mặt nạ chống ngưng thở khi ngủ.

“Trước đó, lúc nào tôi cũng thấy mệt mỏi và uể oải cực kỳ, nhưng tôi chỉ cho là mình kiệt sức vì chăm sóc mẹ… Chứng bệnh này sẽ lặng lẽ hủy hoại con người bạn, bởi chúng ta thường hay xem nhẹ những triệu chứng đầu tiên. Đây đúng là một cơn ác mộng.”

Giờ đây, Mennusko muốn giúp mọi người nhìn nhận nghiêm túc hơn về chứng bệnh nguy hiểm này.

“Tôi gặp nhiều vị khách đã mất chồng vì rối loạn giấc ngủ. Họ vẫn chưa hồi phục sau cú sốc này.”

Bác sĩ chuyên ngành Darren Mansfield cho biết đa phần người dân Úc vẫn còn mù mờ khi nhắc đến sự nguy hiểm về lâu về dài của chứng rối loạn giấc ngủ. Chúng có thể khiến bệnh tim, trầm cảm và tình trạng tinh thần hoảng hốt trở nên trầm trọng hơn.

Theo Mansfield, lối sống không tách rời thiết bị công nghệ, làm việc quá lâu và ít thời gian nghỉ ngơi là nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng phát của chứng bệnh này. Đặc biệt, những nhân viên làm theo ca trong ngành khách sạn, khai thác mỏ, dịch vụ y tế và vân tải là nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Ông đã cùng với nhiều tổ chức khác đề nghị chính phủ đưa ra khung quy định chung về thời gian làm việc.

Họ cũng yêu cầu chính phủ cân nhắc việc kiểm tra chất lượng giấc ngủ của nhân viên làm việc theo ca. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối từ Hội đồng Công đoàn Úc (ACTU) do cơ quan này thiên về việc bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc.

Ngưng thở khi ngủ là chứng bệnh khiến bệnh nhân ngừng hô hấp trong hơn 1 phút, lặp đi lặp lại nhiều lần trong lúc ngủ.

Sau thời gian điều trị cho các bệnh nhân tại Trung tâm nghiên cứu rối loạn giấc ngủ Epworth ở Melbourne, Mansfield nhận định những ai làm việc 3 ca đêm/tuần trở lên rất dễ gặp vấn đề về chất lượng giấc ngủ. Một số người cố gắng khắc phục bằng cách nghỉ một tuần, làm một tuần, song tác dụng không nhiều.

Các nhân viên không ngủ đủ giấc có xu hướng gặp tai nạn cao hơn và hiệu suất công việc sụt giảm.

Thư ký Liên minh Công nhân Vận tải Michael Kaine cho biết tài xế xe tải là những người thể nghiệm rõ nhất hậu quả của việc mất ngủ. Sức ép của thời hạn giao hàng gấp rút khiến họ bị kẹt giữa việc ngủ đủ giấc để tránh gây tai nạn và cố ép mình lái xe đến địa điểm đúng hẹn.

Hiện Liên minh đang tranh thủ sự trở lại của tòa án xử lý an toàn đường bộ để đề xuất tăng lương cho tài xế xe tải.

Đối với nhóm nhân viên văn phòng “đi 9 về 5”, Mansfield cảnh báo thực trạng “cú đêm” dán mắt vào thiết bị công nghệ sẽ khiến chứng mất ngủ thêm nghiêm trọng.

Theo Chủ tịch Quỹ Sức khỏe Giấc ngủ Dorothy Bruck, người dân Úc nên hiểu rằng “làm việc quần quật không ngủ cũng chẳng chứng minh sự mạnh mẽ, hay mang đến huy chương danh dự nào cho họ”.

Một nghiên cứu của Deloitte cho thấy tình trạng rối loạn giấc ngủ khiến nước Úc tổn thất 66.3 tỉ đô la, chỉ tính riêng năm tài khóa 2016 – 2017. Khoản thâm hụt này đã bao gồm số tiền chi cho việc chữa bệnh trị giá 40.1 tỉ đô la.

Báo cáo cũng kêu gọi xem xét phúc lợi dành cho sức khỏe giấc ngủ trên hệ thống Medicare – nơi đang quản lý 5700 danh mục khám chữa bệnh được chính phủ tài trợ. Được biết đa số các chứng bệnh liên quan đến giấc ngủ hiện nay không được hỗ trợ chi phí thăm khám.

Người phát ngôn của Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cho biết chính phủ đã nhận thức được áp lực nặng nề của việc rối loạn giấc ngủ đến cuộc sống của người dân. Bộ sẽ tiếp thu các khuyến nghị và suy xét biện pháp giải quyết phù hợp.

Trợ lý của Bộ trưởng Y tế phe đối lập Tony Zappia nhấn mạnh rằng đây là “vấn nạn trầm kha ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Úc, nhưng lại bị lờ đi trong thời gian quá dài”.

“Nếu Đảng Lao động đắc cử, chúng tôi cam kết sẽ chú trọng đến vấn đề này và cho người dân một phương án hợp lý,” ông nói.

Nguồn: smh