Úc: Đau đầu tìm giải pháp giảm thiểu số người tử vong do nhiễm trùng huyết

0
Bệnh nhiễm trùng huyết đã gây nên cái chết của hàng nghìn bệnh nhân Úc.

Vietucnews – Chứng nhiễm trùng huyết đã cướp đi sinh mạng của 5000 người dân Úc mỗi năm, nhưng đáng buồn thay, chỉ có 1/7 số người mắc bệnh có thể kịp thời phát hiện và chữa trị.

Các chuyên gia y tế đã khuyến khích người dân toàn quốc nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm đáng báo động của hội chứng này. Mới đây, trong một bài báo đăng trên tạp chí Medical Journal of Australia, Viện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu George tại Đại học NSW đã khẩn thiết kêu gọi đội ngũ y bác sĩ giám sát chặt chẽ hơn đối với các ca nhiễm trùng huyết, đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho những bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

“Bệnh nhân được thăm khám trễ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả trị liệu,” Giáo sư Simon Finfer từ Viện George nói. Ông cho biết thuốc kháng sinh là biện pháp điều trị chứng nhiễm trùng huyết hiệu quả nhất hiện tại, song nếu phát hiện quá trễ, bệnh nhân vẫn sẽ phải đối diện với nguy cơ tàn tật, thậm chí tử vong. “Trận chiến chống lại hội chứng nhiễm trùng huyết thực chất là cuộc đua với thời gian,” ông nói.

Nhiễm trùng huyết xảy ra do vi khuẩn mang theo độc tố xâm nhập vào máu, gây nhiễm khuẩn và kích thích phản ứng từ hệ thống miễn dịch của cơ thể, tổn thương các cơ quan nội tạng và có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, ớn lạnh, tim đập nhanh, thở gấp, phát ban hoặc tinh thần không ổn định.

Thuốc kháng sinh được xem là giải pháp hàng đầu để đối phó với chứng nhiễm khuẩn máu.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, mỗi năm nước Úc có khoảng 5000 bệnh nhân qua đời và 18,000 trường hợp phải cấp cứu vì hội chứng nguy hiểm này. Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất từ Viện George, chỉ có 40% người dân từng nghe đến tên hội chứng này. Đáng lo hơn, số người có thể nêu rõ triệu chứng bệnh chỉ chiếm 14%!

Trẻ em và cộng đồng thổ dân Úc là những người nhạy cảm nhất với hội chứng nguy hiểm trên. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong vì nhiễm trùng huyết của bệnh nhân thuộc tộc Aboriginal và dân đảo Torres Strait ở Northern Territory luôn thuộc nhóm cao nhất. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng con số này trong thực tế có thể cao hơn do nhiều trường hợp không được đưa đến bệnh viện hoặc bị mất dữ liệu trong quá trình lưu trữ. Thêm vào đó, cùng với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan y tế, đã có thêm nhiều ca bệnh được ghi nhận hơn so với ước tính ban đầu.

Nhiễm trùng huyết có thể gây tổn thương nội tạng, thậm chí tử vong.

Sự phát triển của hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử sẽ giúp việc theo dõi và tính toán tỷ lệ mắc bệnh trên phạm vi toàn quốc trở nên dễ dàng hơn. Các nhà nghiên cứu đưa ra lời kêu gọi trên tạp chí Medical Journal of Australia vì họ đã phát hiện một lỗ hổng trong việc xét nghiệm khiến quá trình “bắt bệnh” gặp khó khăn. Phó giáo sư Deborah Williamson – Phó giám đốc phòng thí nghiệm chẩn đoán vi sinh của Viện Doherty – cho biết có thể phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng bằng cách xét nghiệm, nhưng quy trình xét nghiệm chuyên sâu để xác định mẫu tế bào có đề kháng kháng sinh hay không lại bị bỏ qua với một số loại vi khuẩn nhất định.

“Các bác sĩ phải lựa chọn giữa việc xét nghiệm nhanh chóng để điều trị và thu thập các dấu hiệu kháng thuốc của vi khuẩn để tiếp tục nghiên cứu,” bà nói. Hiện tại, các phòng thí nghiệm chưa đủ điều kiện để tiến hành thử nghiệm kháng thuốc, do đó, cộng đồng cần phối hợp chặt chẽ với nhau để giúp việc giám sát tiến triển bệnh được thuận lợi.

Nhiễm trùng máu là hội chứng gây nhiều hệ luỵ nguy hiểm, nhất là với trẻ em.

Trong bài báo này, các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của 4 loại siêu vi khuẩn kháng thuốc mới: CPE gây nhiễm trùng cho 603 bệnh nhân trong năm 2018; Candida Auris gây nhiễm nấm men; nấm salmonella lần đầu xuất hiện ở Pakistan; và một chủng vi khuẩn lậu kháng kháng sinh được ghi nhận trong hồ sơ của hai bệnh nhân Úc cũng vào năm 2018.

Với trường hợp bệnh lậu, Williamson cho biết chỉ có tầm 20% số vi khuẩn nuôi cấy ở Úc được phép tiến hành thử nghiệm kháng thuốc. “Điều đó có nghĩa là chúng ta không biết 80% còn lại có đề kháng kháng sinh hay không,” bà nói. Việc chia sẻ thông tin cũng gặp nhiều khó khăn do bất đồng về quy trình pháp lý và luật bảo vệ quyền riêng tư ở các khu vực khác nhau.

Khi được hỏi về tình trạng nhiễm siêu vi tăng cao ở SydneyMelbourne, bà cho biết việc tăng cường giám sát sẽ giúp đội ngũ y bác sĩ ở hai khu vực nắm được tình hình và hỗ trợ nhau dễ dàng hơn, thay vì xoay sở một mình và báo cáo kết quả sau.

“Những chủng vi khuẩn này có thể lây lan nhanh chóng chỉ sau vài tuần, thậm chí vài ngày. Nếu không có biện pháp ngăn cản, chúng sẽ mặc sức phát triển, bất chấp ranh giới giữa các khu vực hay vùng lãnh thổ,” bà nhấn mạnh.

Nguồn: SMH