Úc: Góc khuất đằng sau vấn nạn quấy rối tình dục phụ nữ

0

Vietucnews – Theo báo cáo mới nhất vừa được Hội đồng Cộng đồng dân cư Úc công bố trong tuần qua, có một nửa số phụ nữ nước này cảm thấy lo sợ khi đi đường vào ban đêm. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Không chỉ vậy, trong khối OECD, Úc còn là quốc gia đứng đầu về mức độ chênh lệch trong cảm giác an toàn giữa nam và nữ khi ra đường buổi tối muộn.

Song, con số này không đại diện cho tình trạng bạo hành phụ nữ ở Úc. Nói cách khác, nữ giới Úc thấy bất an không phải vì họ thường xuyên bị ép trở thành nạn nhân trong các vụ bạo lực, mà là do tâm lý phòng bị quá mạnh mẽ. Phụ nữ rất cần sự trấn an, họ cần cộng đồng cam kết sẽ tin tưởng và che chở mình trước những mối nguy rình rập.

Có quá nhiều ánh mắt khiếm nhã nhằm vào phụ nữ, nhất là ở nơi đông người.

Ví dụ như, gần đây Pháp vừa ban hành luật chống lại việc quấy rối tình dục phái nữ ở nơi công cộng. Theo các điều khoản trong bộ luật, bất kỳ hành vi nào xâm hại đến danh dự, cố tình hạ nhục, buộc nạn nhân rơi vào tình thế nguy hiểm hoặc có tính chất xúc phạm đều sẽ bị cảnh sát “sờ gáy”.

Từ khi bộ luật mới chính thức có hiệu lực vào tháng 8 năm ngoái, cảnh sát Pháp đã thành công bắt giữ 447 trường hợp vi phạm ngay tại chỗ nhờ có sự hỗ trợ của hơn 90% người dân. Số tiền phạt mà những kẻ vi phạm phải nộp dao động từ 90 euro (148 đô la) đến 750 euro (1200 đô la).

Đây là cách tốt nhất để trấn an tâm lý lo sợ trong xã hội. Nếu một cộng đồng muốn có được niềm tin từ các thành viên của mình, trước hết nó phải là điểm tựa vững chắc cho họ trong việc chống lại các hành vi và mưu đồ xấu xa.

Có nước Pháp làm gương, Đảng Xanh cũng kêu gọi ban hành một đạo luật tương tự trên đất Úc. Đề xuất này vốn dĩ nên được thảo luận trong nghị viện tiểu bang, thế nên nó có vẻ hơi “lạc quẻ” giữa cuộc chiến của các đảng phái trong chiến dịch bầu cử toàn quốc. Thế nhưng, không ai có thể phủ nhận sức ảnh hưởng và tính thiết thực của ý tưởng này. Ít ra nó cũng khá khẩm hơn nhiều so với việc ngồi xem các chính khách giằng co với nhau trong im lặng trên bục thuyết trình.

Đến khi nào phụ nữ mới được giải thoát khỏi nguy cơ bị quấy rối?

Cat-calling và quấy rối trên đường phố là vấn đề hết sức đáng quan ngại. Những người xem thường vấn nạn này hẳn là không tin tưởng vào số liệu trong bản báo cáo, hoặc là kẻ tôn sùng chủ nghĩa trọng nam khinh nữ và có chấp niệm cực đoan với khái niệm “nam tính” nguyên thủy. Dĩ nhiên, cũng có thể là tổ hợp của cả hai loại người trên.

Thống kê trong bản báo cáo của OECD được cung cấp bởi Cục Thống kê, Viện Nghiên cứu và Viện Kế hoạch Úc cho thấy khoảng 90% phụ nữ Úc là nạn nhân của trò cat-calling hoặc những lời trêu cợt khiếm nhã. Đáng sợ hơn, có hơn một nửa trong số đó đã trải nghiệm cảm giác kinh hoảng vì bị quấy rối từ khi còn bé.

Lúc trước, tác giả từng đăng một bảng khảo sát nhỏ trên tài khoản mạng xã hội của mình để xin ý kiến của phái nữ về vấn nạn quấy rối tình dục. Câu hỏi của cô nhanh chóng nhận được phản hồi từ hàng trăm người chỉ sau vài tiếng ngắn ngủi. Có rất nhiều người sẵn sàng chia sẻ về ký ức không vui khi bị sách nhiễu bởi những gã đàn ông vô văn hóa ở nơi công cộng.

Hàng nghìn người đã tham dự buổi cầu nguyện dưới ánh nến để đoàn kết cho Eurydice Dixon, một nạn nhân bị cưỡng hiếp và sát hại ở North Carlton.

Một trong số những cô gái dũng cảm đó là Erin Riley. Trong lúc đi bộ trên đường King Street ở Newtown (Sydney), cô đột nhiên bị một kẻ xa lạ sỗ sàng vỗ mông khi hắn đang vội đón taxi.

Tegan Leeder bị một gã háo sắc buông lời trêu cợt khi đang dắt chó đi dạo trong một buổi chiều. Tên đàn ông vô liêm sỉ cat-call cô gái trong lúc đang chở cậu con trai 5 tuổi của hắn trên xe. Đứa bé thậm chí còn bật cười thích thú trước lời nói thô tục của bố mình. Sau khi về nhà, Leeder liền bật khóc. Cô cảm thấy tuyệt vọng vì với sự tồn tại của những tên vô lại thế này, rất có thể thế hệ sau cũng sẽ sản sinh ra loại đàn ông bại hoại chỉ biết trêu đùa phụ nữ.

Những người khác chia sẻ với tác giả về tình huống mình bị quấy rối, lúc họ chạy xe đạp, mặc quần áo mới, tập thể dục hay làm bất cứ điều gì mình yêu thích, họ đều có khả năng rước lấy ánh mắt trắng trợn của bọn dâm tà. Rất nhiều lần họ bước ngang một gã trai xa lạ nào đó và bị gọi với theo bằng những từ ngữ ô uế, xúc phạm nặng nề – thứ cực hình mà họ không đáng phải chịu đựng. Mỉa mai thay, thời đại này vẫn còn dung chứa những gã đàn ông luôn xem thường và tìm cách lăng mạ phụ nữ, dù cho họ chẳng làm hại gì đến mình.

Đáng sợ hơn, quấy rối qua lời nói không thể thỏa mãn tâm lý vặn vẹo của một số cá nhân biến thái. Có nhiều người phụ nữ từng phát hoảng vì bị xem là đối tượng thủ dâm ngay trên tàu điện, bị bám đuôi về tận nhà, tên cuồng theo dõi còn đứng lì hàng giờ trước cửa. Nghiêm trọng hơn, họ còn bị lôi kéo, cọ xát, dọa dẫm và thậm chí hành hung vì “dám” chống đối ham muốn của kẻ thủ ác.

Có nhiều trường hợp quấy rối đe dọa trực tiếp đến cuộc sống bình thường của nạn nhân.

Những mảnh ghép đau đớn này đã tô thêm sắc u ám cho bức tranh thực trạng ở Úc.

Đây cũng là nguyên do buộc nữ giới tại đây phải thay đổi lối sống vốn có.

Phụ nữ Úc phải lái xe đi làm vì họ quá sợ hãi viễn cảnh bị xâm phạm trên tàu điện. Họ không dám đưa con đến công viên chơi. Họ chỉ ăn diện lộng lẫy khi có người đi theo bên cạnh. Họ còn chẳng dám dắt chó đi dạo, tập thể dục hay tự tin ngồi dưới nắng vào giờ ăn trưa, bởi ánh mắt như lang sói của những tên đàn ông hư hỏng luôn khiến họ thấp thỏm bất an.

“Đa phần nữ giới cho biết họ cảm thấy tội lỗi, hổ thẹn, sợ hãi, thất vọng, giận dữ hoặc bất lực khi bị quấy rối. Có đôi khi, tâm trí họ bị tất cả những cảm xúc tiêu cực đó đồng loạt ăn mòn.”

Một số phụ nữ mãnh liệt phản kháng bằng cách la hét, xô đẩy, ném vỡ đồ đạc để tự vệ và đấu tranh cho quyền lợi của họ ở nơi công cộng, bất chấp nguy cơ chọc giận những kẻ mãng phu không hề biết cái gì gọi là thương hoa tiếc ngọc.

Tuy nhiên, đa phần nữ giới cho biết họ cảm thấy tội lỗi, hổ thẹn, sợ hãi, thất vọng, giận dữ hoặc bất lực khi bị quấy rối. Có đôi khi, tâm trí họ bị tất cả những cảm xúc tiêu cực đó đồng loạt ăn mòn. Đặc biệt, đối với những người từng bị sang chấn tâm lý, ác ý đến từ người xa lạ có thể khiến họ hoàn toàn sụp đổ.

Chiến dịch phản đối cat-calling của nữ giới London.

Karen Pickering, nhà văn và nhà hoạt động nữ quyền, cho biết cô vẫn không thể chịu nổi mức độ đả kích và tổn thương mà việc quấy rối tình dục công khai gây ra cho phụ nữ, dù bản thân đã làm việc trong lĩnh vực này rất nhiều năm.

“Đớn đau thay, khi được hỏi về tình trạng quấy rối tình dục, hầu hết câu trả lời tôi nhận được đều là ‘Đã từng bị, hàng nghìn lần rồi’.”

Không ít phụ nữ lâm vào cảnh bị bám đuôi và nhục nhã chỉ vì xinh đẹp. Số còn lại thì bị khinh khi và cười nhạo vì “không đủ hấp dẫn”. Những trường hợp bị quấy rối chung quy đều xuất phát từ dục vọng khống chế của một bộ phận nam giới có tâm lý không bình thường. Họ khao khát áp đặt nỗi sợ hãi và e ngại lên những người phụ nữ tự tin vào vẻ đẹp của mình và dũng cảm yêu cầu quyền tự do nơi công cộng.

Nguồn: SMH

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments