Úc: Sau đề xuất hợp pháp hóa cần sa, luật cấm thuốc phiện khi lái xe cũng nên thay đổi?

0

Vietucnews – Theo quyết định mới nhất của chính phủ Thủ đô (ACT), bộ luật quy định việc sử dụng cần sa khi lái xe cần phải được sửa đổi cho phù hợp với đề xuất hợp pháp hóa chất kích thích này.

Dân biểu Đảng Lao động Michael Pettersson đã đệ trình một bản dự thảo luật cho phép người dân mang theo lượng cần sa lên đến 50g mỗi khi ra ngoài, đồng thời có thể trồng tối đa 4 cây cần sa trong nhà. Tuy nhiên, việc mua bán các loại thuốc phiện vẫn là bất hợp pháp.

Đề xuất này đã thu hút sự chú ý của mọi người, qua đó Hiệp hội Luật pháp ACT cũng đồng ý với kiến nghị chỉnh sửa luật sử dụng cần sa khi lái xe.

Luật sư cho rằng bộ luật cần sa áp dụng cho tài xế Úc chưa thỏa đáng.

“Hình phạt áp dụng cho người dùng thuốc phiện khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn chưa thỏa đáng, bởi cơ quan chức năng thường không suy xét mức độ ảnh hưởng của nó đến cơ thể người vi phạm,” đại diện Hiệp hội cho biết. Họ nhấn mạnh rằng cảnh sát chỉ kiểm tra xem tài xế có giấu cần sa trên xe không, còn những yếu tố khác lại bị bỏ qua.

Nếu một người từng hút cần sa trước khi bị bắt vài ngày, dẫn đến trong cơ thể họ vẫn còn một lượng ma túy nhỏ (mặc dù không gây hại đến sức khỏe) thì người đó vẫn phải chịu hình phạt tương đương với một tài xế bị phát hiện uống rượu nhiều lần, với nồng độ cồn trong máu là 0.08.

“Việc tăng án phạt là hợp lý nếu tài xế bị phát hiện lái xe trong tình trạng không tỉnh táo và cơ thể bị tổn hại sau khi dùng thuốc phiện hạng nặng. Nhưng nếu họ vẫn bình thường và chỉ dùng một lượng nhỏ cần sa thì chẳng có vấn đề gì cả.”

Phát biểu trước ủy ban hội đồng lập pháp vào cuối tháng trước, Chủ tịch Hiệp hội Luật pháp ACT Michael Kukulies-Smith tỏ ra quan ngại về hệ thống luật cần sa.

ACT sẽ nối tiếp 10 tiểu bang Mỹ, Canada và Uruguay trong việc hợp pháp hóa cần sa.

“Hiển nhiên, người trưởng thành ở đất nước chúng ta được phép uống rượu thoải mái. Các tài xế bị coi là phạm luật nếu cảnh sát phát hiện họ quá chén, chứ không phải mới nhấp môi được chút rượu,” ông Kukulies-Smith nói.

“Tuy nhiên, nếu một người đã dùng lượng nhỏ thuốc phiện nhưng không đủ gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và trạng thái tinh thần tỉnh táo vào ngày hôm sau, họ vẫn sẽ nhận án phạt ngang ngửa mức cao nhất dành cho tài xế uống rượu bia.”

Động thái này được đưa ra sau khi ủy ban nghiên cứu tác động của cần sa đối với việc lái xe tại Michigan hoàn tất việc điều tra. Họ khuyến nghị rằng ACT – nơi cho phép người dân sử dụng cần sa với mục đích giải trí – bãi bỏ giới hạn về lượng chất THC (Tetrahydrocannabinol) được cho phép trong cơ thể tài xế.

Ủy ban phụ trách an toàn và đo lường thương tổn trong giao thông đã phối hợp cùng Sở Cảnh sát Michigan để tiến hành xác minh độ tin cậy của báo cáo khoa học về nồng độ THC được cho phép khi lái xe, sau đó thí nghiệm trên các tuyến đường tại đây. Sau 2 năm điều tra, họ kết luận rằng lượng THC trong cơ thể nhiều hay ít có thể không bị nhận ra bằng mắt thường, song “không đủ thuyết phục để chứng minh mức độ khỏe mạnh và tỉnh táo của tài xế”.

Tài xế sử dụng cần sa sẽ bị phạt tương đương với người say rượu nhiều lần khi lái xe.

Theo báo cáo, một trong những lý do dẫn đến sự “không liên quan” giữa nồng độ THC và mức độ tổn hại đến cơ thể người dùng là thời gian. Đôi khi các tài xế vẫn bị phát hiện sử dụng cần sa sau khi đã qua thời điểm cơ thể xảy ra biến đổi, bởi lúc này THC trong người họ vẫn chưa hoàn toàn bị đào thải.

Hơn nữa, người hút cần sa liều cao thường ít xảy ra phản ứng ngoài mặt hơn là những người dùng liều thấp nhưng hút lần đầu. Tuy nhiên, nhóm người dùng thuốc phiện hạng nặng luôn có nồng độ THC trong cơ thể cao hơn. Do vậy, xác định mức độ sử dụng cần sa bằng cách xét nghiệm là phương pháp không công bằng cho lắm, bởi kết quả đều có thể là dương tính.

Ủy ban còn phát hiện ra những tài xế “phê thuốc” vẫn ít khả năng trở thành “hung thần xa lộ” hơn người say rượu.

“Điều thú vị là khi đang ‘phê cần’, các tài xế thường lái xe chậm hơn, giữ khoảng cách an toàn tốt hơn và thận trọng hơn hẳn bình thường. Có lẽ trong tiềm thức họ muốn bù đắp cho hành vi hút cần sa của mình bằng cách tuân thủ luật giao thông nhằm đảm bảo tính mạng,” báo cáo viết.

Ngược lại, những người nghiện rượu thường lái xe rất nhanh, áp sát phương tiện đi trước và lạng lách nhiều hơn lúc tỉnh táo.

Nguồn: 9 News

Rate this post