Úc: Sinh viên bản địa phải “nai lưng” dịch bài giảng cho du học sinh Trung Quốc?

0
Sinh viên bản địa phải nai lưng dịch bài giảng cho du học sinh Trung Quốc, lỗi tại ai?

Vietucnews – Meshel Laurie – người dẫn chương trình của podcast chuyên về tội phạm Australian True Crime, đồng thời là sinh viên có dịp tiếp xúc với nhiều bạn học Trung Quốc – đã chia sẻ trải nghiệm của mình khi làm việc nhóm với du học sinh đến từ quốc gia này.

Tôi đã dành cả một ngày để xem cậu sinh viên 20 tuổi tóm gọn kiến thức về môn làm phim và dạy lại cho các bạn học Trung Quốc. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cậu ấy không phải nén lượng kiến thức mà giáo viên phải tốn 5 tuần để truyền đạt lại chỉ còn vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ. Nhưng chàng trai trẻ ấy không còn lựa chọn nào khác. Nếu không cố sức mà làm, cậu ấy sẽ mất trắng cột điểm bài tập nhóm kỳ này.

Mánh khóe đó đã tồn tại trong suốt nhiều năm. Các bạn sẽ được giảng viên chia nhóm và làm việc cùng nhau để hoàn thành bài tập trong khóa học. Tuy nhiên, khi một nhóm có quá nhiều người chỉ thông thạo tiếng mẹ đẻ, mà họ lại sẵn lòng “đài thọ” mọi chi phí phát sinh trong quá trình làm việc, những sinh viên nói tiếng Anh mặc nhiên sẽ trở thành “phiên dịch viên” kiêm giảng viên cho cả nhóm. Công việc chính của họ là ráo riết học nhằm bắt kịp bước tiến của các bạn khác trong lớp, đồng thời dịch nội dung bài giảng để các thành viên còn lại dễ hiểu và giúp họ qua môn.

Meshel Laurie là người dẫn chương trình của podcast chuyên về tội phạm Australian True Crime.

Sẵn dịp đang muốn tham gia khóa học đó, tôi đã đăng ký luôn mà chẳng ngần ngại gì. Chỉ còn 5 tuần nữa là tôi có thể lấy bằng Thạc sĩ ngành Truyền thông, suốt từng ấy năm đi học, tôi đã trở thành một người dạn dày kinh nghiệm trong việc giúp đỡ các bạn không sõi tiếng Anh có thể bắt kịp tốc độ giảng dạy của giáo viên và hoàn thành nhiệm vụ được đề ra trong mỗi khóa.

Ngày đầu tiên đến lớp, tôi ngồi gần những bạn du học sinh Trung Quốc, bởi sự phân chia chỗ ngồi theo chủng tộc trong căn phòng này quá sức rõ ràng. Nói thật là bầu không khí lúc đó khá lúng túng. Trong vòng nửa tiếng, chúng tôi phải lập nhóm nhỏ để thảo luận về chủ đề được cho, vốn là hoạt động phổ biến trong các khóa học ở đây.

Tôi dành hết thời gian thảo luận nhóm để giảng cho họ hiểu nội dung của chủ đề được giao bằng cách đơn giản nhất, như việc tôi vẫn thường làm trong các môn học khác. Đến đây thì tôi có thể xác định vì sao chỗ ngồi trong lớp lại được phân chia theo kiểu ấy. Các em sinh viên trẻ tuổi – những người đã chứng kiến sự thiếu cân bằng trong hệ thống giáo dục đại học ở Úc – hiểu quá rõ phải làm sao để thoát khỏi số kiếp làm “giảng viên” không công cho bạn cùng lớp. Khối lượng công việc và kiến thức mà một người phải dung nạp trong 5 tuần cực kỳ nặng nề, chứ đừng nói đến việc phải “gánh” thêm một nhóm người khác trên lưng. Mới bắt đầu học chưa được bao lâu mà tôi đã mệt lả người rồi.

Sinh viên bản địa hiếm khi ngồi gần du học sinh Trung Quốc vì sợ phải làm “giảng viên” không lương.

Vì thế, đa số những người phải gánh trọng trách phiên dịch và giảng viên miễn phí thường là các sinh viên Trung Quốc nói tiếng Anh khá hơn đồng hương một chút. Tôi có thể tránh tiếp xúc với họ bằng cách đổi chỗ ngồi, nhưng khi làm bài tập nhóm thì vẫn rơi vào cảnh “chạy trời không khỏi nắng”. Quá trình đánh giá thành tích ở trường phụ thuộc rất lớn vào hoạt động nhóm, đó là lý do vì sao cậu bạn trẻ mà tôi quen phải vật lộn với việc tóm tắt kiến thức dài 5 tuần trong vòng 3 tiếng. Cậu ấy làm việc này hoàn toàn không công, nhưng nếu bỏ cuộc, cậu sẽ mất luôn số điểm quý giá để hoàn thành môn học trong kỳ này.

Khi chứng kiến cậu chàng làm việc quần quật ngày đêm, tôi thầm nghĩ có khi bạn tôi đúng là mẫu đàn ông tốt của thế kỷ mới, nếu không sao lại kiên nhẫn đến thế? Còn không thì cậu ấy đã quá quen với việc này rồi, bởi khi hay tin mình phải ôm đồm thêm một nhiệm vụ từ trên trời rơi xuống, cậu ấy vẫn bình thản như không, thậm chí còn chả thèm thắc mắc vì sao lại như vậy, cứ lặng lẽ mà làm. Chứng kiến điều đó khiến tôi không nén được cơn giận sôi trào, bèn lập tức gửi email cho trưởng bộ môn để phản ánh về bất cập trong quy trình đánh giá.

Tuy nhiên, họ lại chạy không thoát cơn ác mộng mang tên “làm việc nhóm”.

“Làm việc nhóm giúp sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp, hợp tác và tinh thần đồng đội” là tuyên bố của nhà trường trích từ bản quy trình đánh giá năm 2019. Nghe đã thấy hư cấu rồi. Bản thông cáo tiếp tục: “Hoạt động theo nhóm là một hình thức học tập thú vị và dễ dàng, cho phép sinh viên thuộc nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa được giao lưu và học hỏi lẫn nhau”. Tiếc thay, cuộc đời nào có đẹp như thế.

“Quá trình làm việc nhóm sẽ được đánh giá qua hiệu quả hợp tác của các thành viên trong lúc hoàn thành công việc” – ồ không, sai bét rồi. Tôi chưa từng thấy đoàn phim hay ekip quay show nào bị chia làm hai tổ tách biệt và trao đổi bằng đủ loại ngôn ngữ khác nhau cả. Trường đại học – ở đây là nhà sản xuất – thì lại lờ tịt đi chứ chẳng có biện pháp hỗ trợ nào.

Thực trạng đáng buồn này đã diễn ra nhiều năm, song các trường đại học vẫn không có biện pháp khắc phục.

Tôi là một người cổ vũ tích cực cho phong trào “đa văn hóa” từ khi chủ trương này được chính phủ lên tiếng ủng hộ. Tuy nhiên, tôi chỉ sẵn lòng hoan nghênh sự giao thoa này nếu nó không bị biến chất. Tôi cực kỳ yêu thích môi trường học tập đa dạng, đồng thời cũng hiểu được rằng ban giám hiệu các trường rất nhiệt tình chào đón phụ huynh người Trung Quốc gửi con sang đây du học. Nhưng đã nhận một khoản tiền kếch xù rồi thì cũng phải hết lòng giúp đỡ cho con của họ chứ nhỉ? Vì sao các trường đại học lại không nghĩ đến điều này?

Không phải người nào đến Úc cũng phải nói tiếng Anh sành sõi như tiếng mẹ đẻ, nhưng nếu các trường đại học đã nhận tiền học phí thì cũng nên góp chút sức lực để hỗ trợ sinh viên nước ngoài sớm hòa nhập với môi trường ở đây. Đừng hòng lợi dụng những sinh viên giỏi tiếng Anh để giúp các vị che lấp lỗ hổng to đùng ấy, các em không có trách nhiệm phải gánh vác “khoản nợ” mà nhà trường chưa thể bù đắp cho du học sinh!

Nguồn: SMH

5/5 - (1 vote)