Vietucnews – Lại Trọng Tình – một nhà báo người Việt đã có những chia sẻ về chuyện rượu bia ở Úc và cách thức mà luật pháp nước này đưa ra để khuyến cáo người dân tránh khỏi những tác hại không đáng có từ rượu bia.
Trong đời, có một sinh nhật tôi không thể quên, đó là bạn tôi gặp tai nạn, phải ra tòa, bị tịch thu bằng lái và nộp phạt 1.200 đô Úc.
Vào ngày 21/1/2015, chuông điện thoại kêu khi tôi còn đang ngủ. Cậu em thông báo rằng: “Xe anh P bị tai nạn trên đường đi làm, mọi người không sao cả”. Đó có lẽ là lễ sinh nhật đáng nhớ nhất của tôi. Vừa tối hôm trước, mấy anh em du học sinh còn tụ tập, sau khi uống hết vài chai bia, tôi đã nhấn mạnh, những ai sáng mai đi làm thì thôi không uống nữa.
Ở Úc, người ta ghi tiêu chuẩn trên các chai bia (như một quy định bắt buộc của đồ uống có cồn) đó là sau một giờ đồng hồ, cơ thể sẽ xử lý xong lượng đồ uống chứa cồn ở mức tiêu chuẩn. Nhưng thực sự xong hay không còn tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Sáng hôm sau, P lái xe chở mọi người đi làm trong tình trạng tỉnh táo. Tới một khúc cua, đường trơn ướt, xe bị lạc tay lái đâm lên lề đường. P còn bình tĩnh cho xe đâm vào một gốc cây để phanh lại. Xe hỏng, may mắn là người trên xe đều không vấn đề gì.
Tuy nhiên, tai nạn là tai nạn. Vài phút sau, có hai xe cảnh sát, một cứu thương và một cứu hỏa chạy tới. Sau khi kiểm tra sức khỏe và sự ổn định tinh thần của tất cả mọi người, việc đầu tiên của cảnh sát là yêu cầu tài xế thổi nồng độ cồn. Kết quả cho thấy lượng cồn trong hơi thở của P vượt ngưỡng 0,05 mg/lít khí thở, đây là mức bị xử lý bằng hình thức giam bằng lái xe 6 tháng và phải ra tòa.
Với sáu tháng không có bằng lái cộng với 1.200 đô Úc tiền phạt quả là một sự răn đe khiến người ta không thể quên. Từ đó, chúng tôi không cần phải nhắc nhau “rượu bia thì không lái xe” nữa.
Hồi tháng bảy vừa rồi, tôi tham gia một khóa học trực tuyến dành cho người làm trong lĩnh vực liên quan tới bia rượu và đồ uống có cồn của Úc. Hai ngày đọc tài liệu và trả lời câu hỏi đem lại cho tôi rất nhiều kiến thức. Trong đó, thú vị nhất là quy định về quyền và nghĩa vụ từ chối bán rượu bia khi người mua đồ uống có biểu hiện không kiểm soát được hành vi của bản thân.
Sau khi liệt kê một loạt các biểu hiện có thể xác định người uống đã tới điểm dừng, Luật Sử dụng rượu bia ở Úc ghi rõ: “Người bán phải từ chối phục vụ, gợi ý người mua dùng nước, cà phê hoặc đồ uống không cồn thay thế và tìm người quen, hoặc taxi hay phương tiện công cộng để giúp người này rời khỏi cửa hàng”.
Điều này cho thấy sự nghiêm khắc về các hình phạt được quy định trong luật buộc mọi người phải tự kiểm soát mình. Lấy ví dụ, một người vị thành niên vào nhà hàng mua một ly đồ uống có cồn, người đó sẽ bị phạt 210 đô la Úc tại trận. Chưa hết, người trực tiếp bán cho thanh niên đó cũng sẽ chịu mức phạt lên tới 2.200 đô, và chủ cửa hàng phải chịu phạt 10.000 đô la Úc. Những mức phạt này không chỉ đủ sức răn đe đối với người vi phạm, mà còn tạo tâm lý phòng ngừa với mọi công dân.
Việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia còn là hành vi bị quản lý chặt chẽ hơn nhiều. Treo bằng, tịch thu xe, ra tòa, phạt tiền hoặc tước bằng vĩnh viễn hay phạt giam là những quy định dùng để đối phó với việc điều khiển phương tiện sau khi uống rượu ở Úc.
Tuy không thể so sánh giữa một quốc gia phát triển và có sự đồng đều về văn hóa vùng miền như Úc, Mỹ, Anh với Việt Nam, nhưng tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng theo. Sự phức tạp của việc ban hành các quy định về sử dụng rượu bia ở Việt Nam đã vào tới tận nghị trường Quốc hội khi mà chúng ta cần phải cân nhắc cả ở khía cạnh thói quen, văn hóa, phong tục,…của đất nước mình. Dù không dễ, nhưng không thể không làm!
Có thể chúng ta còn lấn cấn về điểm này điểm kia, nhưng không khó để quy định các cơ sở kinh doanh phải có trách nhiệm hơn trong việc bán ra các loại đồ uống có cồn, cũng như xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi điều khiển phương tiện sau khi sử dụng bia rượu. Việc quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh sẽ giúp người mua và người bán hiểu rõ hơn thứ mình đang mua-bán là loại đồ uống chỉ gây hại mà không hề có lợi. Một mặt, điều này có thể khiến ngành bia rượu sụt giảm lợi nhuận, nhưng mặt khác sẽ giúp nhiều gia đình, nhiều số phận không rơi vào những hoàn cảnh thương tâm, bất hạnh. Ngoài ra, nó cũng làm giảm nhẹ gánh nặng của toàn xã hội trong việc chăm sóc, điều trị những bệnh nhân bị tác động bởi đồ uống có cồn.
Chắc hẳn không ai kỳ vọng các đô thị lớn tự dưng xuất hiện một lực lượng mặc đồng phục đi từng vỉa hè, từng góc phố lùng sục thu giữ và phạt những hàng quán nhậu chỉ để tịch thu những cái chai “7up” màu xanh chứa rượu. Hay là một anh công an xã ghé vào gốc đa đầu làng lập biên bản vì bà hàng nước bán đồ uống có cồn, hoặc chú cảnh sát giao thông chặn người đàn ông đang dắt con ngựa trắng bên sườn núi chỉ để yêu cầu thổi nồng độ rượu. Đó quả thực là những hình ảnh không hay ho và khó hài hòa trong một quốc gia đa vùng văn hóa và khí hậu như Việt Nam.
Nhưng nếu thực sự lo lắng cho sự phát triển lành mạnh và tương lai tốt đẹp của một xã hội thì các nhà quản lý cần phải nghiêm khắc hơn với vấn đề này, có những biện pháp mạnh để giúp người dân cảnh tỉnh và nhận thức được rằng: đồ uống có cồn là một loại chất độc, uống nhiều thì hại lắm.
Nguồn: vnexpress.net
Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz
- 7 người Việt bị bắt ở Nhật do ăn cắp thực phẩm chức năng
- Úc: Dừng tang lễ vì rắn đen bụng đỏ xuất hiện trong mộ
- Úc: Công viên nước cấm mặc bikini hở hang