Xếp hạng xe điện Melbourne: E-Class hạng nhất, D-Class chót bảng

0

Vietucnews – Trong một bình chọn về những điều đậm chất Melbourne, xe điện đã lọt vào danh sách, sánh vai cùng với những nét thú vị khác về thành phố này. Và dưới đây là “bảng xếp hạng” những chuyến xe điện trong hệ thống tram Melbourne, từ đầu bảng đến chót bảng!

Từ Port Melbourne đến Box Hill, từ bãi biển St Kilda đến East Brunswick, mạng lưới xe điện Melbourne là phương tiện di chuyển được nhiều người trong chúng ta lựa chọn như một phần của cuộc sống.

Xe điện Melbourne, không trải nghiệm nào giống trải nghiệm nào. (Ảnh: Liam Davies)

Nhưng phải nói rằng không phải tất cả các xe điện điều như nhau. Nếu bạn là hành khách thân quen của các chuyến xe điện thì chắc hẳn bạn đã từng đi xe W-Class xưa cũ chậm lì rì, chạy rầm rập qua vùng Kew trên chiếc xe C-Class, hay có cơ hội nhìn cận cảnh thành phố khi di chuyển bằng chiếc E-Class mới toanh.

Dưới đây là xếp hạng xe điện Melbourne.

1. E-Class: đầu bảng xe điện Melbourne

  • Năm ra mắt: 2013
  • Các tuyến: 11, 86 và 96

Có thông báo tự động chi tiết, ghế ngồi thoải mái, êm ái, rộng rãi, nút yêu cầu dừng xe ở vị trí dễ nhìn, và hệ thống điều hòa mạnh nhất.

E-Class là quán quân bảng xếp hạng xe điện Melbourne. (Ảnh: Time Out)

Yarra Trams hiện tại có những chiếc xe mới nhất, nội thất tối giản và đẹp mắt.

Phần vỏ xe điện cũ kỹ đã nhường chỗ cho thiết kế mới với âm thanh cửa mở êm tai. Điểm cộng nữa là xe hạng E có sàn thấp, thân thiện với người khuyết tật.

Điều thú vị là E-Class chính là chiếc xe điện đầu tiên do Melbourne chế tạo kể từ sau phiên bản B-Class trong thập niên 90.

2. Z-Class

  • Năm ra mắt: 1975-1984
  • Các tuyến: 1, 3, 5, 6, 16, 57, 58, 64, 67, 72 và 82

Chúng tôi sẽ bỏ qua những chiếc xe điện xuất xưởng trong vài thập kỷ qua (bạn sẽ sớm tìm ra lý do tại sao thôi) để tôn vinh Z-Class, chiếc tram cũ mà đáng tin cậy. Tất nhiên là xe hạng Z không có điều hòa hay sàn thấp nhưng chỗ ngồi thì cực kì thoải mái và tối ưu, xe chạy êm ái.

Một chiếc Z-Class. (Ảnh: Time Out)

Điều thú vị là cảm hứng thiết kế mẫu Z-Class xuất hiện khi Hội đồng xe điện Melbourne và Metropolitan đến thăm Thụy Điển vào năm 1965 và rất thích những chiếc xe điện có vẻ đẹp châu Âu của họ.

3. A-Class

  • Năm ra mắt: 1984-1986
  • Các tuyến: 3, 12, 30, 48, 64, 70, 75, 78 và 109

Không có quá nhiều thay đổi trong thế giới xe điện khi …người em gái chiếc Z-Class xuất hiện năm 1984. Vẫn dựa trên mô hình của Thụy Điển, chế tạo ở Dandenong, A-Class khác biệt ở chỗ nó không có bảng điều khiển dây dẫn.

Z-Class lần đầu xuất hiện năm 1984. (Ảnh: Time Out)

Điều thú vị là A-Class là chiếc xe điện nhỏ nhất trong mạng lưới xe điện Melbourne với sức chứa 40 chỗ ngồi và 65 chỗ đứng (xe E-Class có đến 64 chỗ ngồi và 146 chỗ đứng).

4. B-Class 

  • Năm ra mắt: 1984-1994
  • Các tuyến: 3, 6, 11, 19, 58, 59, 64, 67, 75 và 86

Mặc dù xe điện B-Class không…dễ thương và thoải mái như xe A hay Z, nhưng có một điều đáng nói là khi đi xe mùa hè thì bạn không bao giờ phải lo xuống xe rồi mà…mồ hôi vẫn còn đọng trên ghế.

Một chiếc B-Class trong khuôn khổ sự kiện Art Trams (Ảnh: Yarra Trams/Facebook)

Điều thú vị là xe điện B-Class lúc đầu được dự định lắp sàn thấp để dễ đi lại hơn, nhưng cuối cùng kế hoạch đã bị hủy bỏ để tập trung sản xuất các mẫu xe mới.

5. C2-Class 

  • Năm ra mắt: 2008
  • Tuyến: 96

Thực lòng thì C2 chẳng có gì sai. Nếu có thì chỉ là do mộng ước không thành về dòng xe này mà thôi. Hồi năm 2008, người dân Melbourne được thấy những chiếc xe điện mới, mặt trước tròn, do Pháp cho Úc thuê để thay đổi cục diện các dòng xe điện.

Chiếc xe C2 có mặt trước tròn ban đầu được thuê từ Pháp. (Ảnh: Time Out)

Người ta thậm chí còn vẽ hình những con ong lên thân xe. Nhưng khi một số hành khách đã bị ngã khi ngồi trên những chiếc ghế cao khi xe dừng đột ngột ở Bourke Street thì chúng ta hiểu rằng C2 chỉ ở mức…tạm ổn mà thôi.

Sự thật thú vị là xe điện C2-Class ban đầu được Alstom (Pháp) cho Úc thuê, kì hạn trả lại là năm 2011. Thế nhưng đến năm 2012 thì các xe được Úc mua lại hoàn toàn.

6. W-Class

  • Năm ra mắt: 1951-1956
  • Các tuyến: Xe điện City Circle (35)

Chúng tôi biết chắc là xếp hạng các xe W-Class sẽ gây tranh cãi. Đây là phiên bản nguyên bản, thế nên nhìn thấy những chiếc xe này đâu đó trên La Trobe Street chắc hẳn sẽ làm bất kì người Melbourne nào ấm lòng.

Nhưng gần đây, bạn có đi xe W-Class không? Những chiếc xe ọp ẹp, ghế ngồi sần sùi, và di chuyển chậm chạp.

Xe W-Class lần đầu ra mắt từ những năm 50 của thế kỷ trước. (Ảnh: Time Out)

Sự thật thú vị là những xe điện …cao niên này phổ biến đến nỗi có những nhà xe tư nhân ở nhiều nơi thích và mua lại, trong đó có Copenhagen và Seattle.

7. C1-Class

  • Năm ra mắt: 2001-2002
  • Các tuyến: 48 và 109

Wikipedia mở mục ‘Criticisms’ cho độc giả vào thêm ý kiến về mạng lưới xe điện Melbourne và C1-Class được xướng tên thì bạn biết là những hành trình trên chuyến tram này không được êm ái lắm rồi. Chúng tôi chẳng hề ngạc nhiên khi đọc mục này và biết được rằng xe C1-Class (được sản xuất tại Pháp bởi chính công ty chế tạo tram C2) đã gây thương tích cổ tay cho tài xế chỉ vì rung ở vận tốc cao.

Hành trình trên chuyến tram này không được êm ái lắm. (Ảnh: Time Out)

Điều thú vị là C1-Class là những xe điện tầng thấp đầu tiên ở Melbourne.

8: D-Class: chót bảng

  • Năm ra mắt: 2002-2003
  • Các tuyến: 5, 6, 16, 58 và 72
D-Class: tram ít được ưu ái nhất trong hệ thống xe điện Melbourne. (Ảnh: Time Out)

Hãy tưởng tượng thế này: bạn đang đứng trên phố Swanston, kiệt sức sau một ngày dài làm việc. Điện thoại của bạn thì có một podcast bạn rất nóng lòng nghe trên đường về nhà. Cuối cùng thì bạn cũng nhìn thấy xe tram ở phía xa xa. Xe tiến lại gần và bạn nhận ra đó là một chiếc D-Class.

Thật đáng thất vọng! Xe tram hạng này ít chỗ ngồi, còn cửa lại kêu nhiều kinh khủng khiếp. 2 chỗ gần cửa sổ nhất đã bị thay thế bằng một khối nhựa trắng dường như không-để-phục-vụ-mục-đích-nào-cả và thế là cụm 4 ghế ban đầu bị tối giản thành 2. Cho dù bạn có được một chỗ ngồi, thì cũng cực kỳ khó chịu.

Vậy nên, khi thấy tram D-Class thì thà đi bộ còn hơn hoặc cố chờ chuyến tiếp theo, và nhớ cầu nguyện xe nào đến cũng được, miễn không phải là D-Class.

Nguồn: Time Out

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz