Sponsored
NỔI BẬT

Đâu là nguyên nhân khiến 161 du học sinh Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc?

Sponsored
Sponsored

Vietucnews – Ngày 10/12, Đại học Quốc gia Incheon trình báo cảnh sát việc 161 sinh viên Việt Nam theo học chương trình tiếng Hàn mất tích. Vậy, lí do đằng sau sự việc này là gì?

Ngày 12/12, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã làm việc với Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc thuộc Đại học Quốc gia Incheon. Trường đại học đang phối hợp với Cục Xuất nhập cảnh để xác định rõ sinh viên đi đâu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tìm hiểu 161 sinh viên du học theo hình thức nào, có thông qua tổ chức tư vấn du học hay không và kiểm tra xem những tổ chức đó có vi phạm quy định không để có hướng xử lý.

Cuộc sống “không khổ lắm nhưng rất cô đơn”

Theo tâm sự của Thanh Tùng (20 tuổi, quê Hà Nội), khi visa D4-1 sắp hết hạn, Thanh Tùng nghỉ học, chuyển chỗ ở và xin làm toàn thời gian tại nhà máy từ 7h tối đến 7h sáng.

Tùng làm nốt tuần này, sau đó xin nghỉ để hạn chế đi lại trong lúc cảnh sát tìm kiếm 161 du học sinh Việt Nam “mất tích”.

Những người này học chương trình tiếng Hàn của Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc, thuộc Đại học Quốc gia Incheon. Tùng không nằm trong danh sách 161, nhưng cũng là du học sinh bỏ trốn.

Học hết THPT, Tùng thuyết phục gia đình cho sang Hàn để vừa học vừa làm. Thông qua trung tâm tư vấn du học, Tùng mất ba tháng học tiếng Hàn và nhờ bố mẹ lo liệu khoảng 200 triệu đồng để đến Hàn Quốc vào giữa năm 2017.

(Ảnh minh họa: pxfuel)

Ngay từ khi làm hồ sơ xin visa D4-1 (cấp cho những người có nhu cầu đi học tiếng Hàn tại các trường ngôn ngữ Hàn Quốc), Tùng đã có ý định trốn ở lại.

Từ khi bỏ trốn, cuộc sống của Tùng “không khổ lắm nhưng rất cô đơn”. “Người ta thoải mái đi chơi, đi học, gặp gỡ bạn bè, còn Tùng chỉ có đi làm và ngủ. Cách giải tỏa duy nhất của Tùng là nhậu”, Việt Hoàng, 20 tuổi, bạn của Tùng và cũng là du học sinh đang học tiếng Hàn Quốc, kể.

Du học sinh Việt Nam bỏ trốn thường làm việc trong các quán ăn, quán cà phê hoặc nhà xưởng, khu công nghiệp. Nếu phát hiện những người này làm chui, chủ thường không báo cảnh sát mà gây sức ép, cắt giảm một số quyền lợi như lương, thưởng, tăng giờ làm… Vì không còn giấy tờ tùy thân và không còn được pháp luật bảo vệ, người làm không thể phản kháng, Hoàng cho biết.

Nếu bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ ngẫu nhiên khi đang đi trên đường hoặc bị tố giác, du học sinh sẽ bị trục xuất về Việt Nam. Những khi đau ốm, đi bệnh viện hoặc tai nạn mất, giấy tờ không có, những du học sinh bỏ trốn cũng không được hưởng quyền lợi gì.

Tuy nhiên, vì mức thu nhập hấp dẫn, nhiều người lựa chọn con đường bỏ trốn. Hiện, thu nhập một tháng của Tùng khoảng 60-100 triệu đồng, cao hơn du học sinh vừa học vừa làm 2-3 lần.

Giải thích vì sao không đi theo con đường xuất khẩu lao động mà lại du học rồi bỏ trốn, Hoàng cũng như nhiều du học sinh cho rằng đi cách đó khó hơn nhiều. Tuyển lao động xuất khẩu chỉ tiêu hạn chế và đòi hỏi có nghề nhất định, trong khi phần đông người đi học tiếng mới tốt nghiệp THPT.

Còng lưng trả nợ

Thùy Trang (22 tuổi, quê Phú Thọ) và chồng hiện sống ở Daegu, Hàn Quốc tính bỏ học, trốn ra ngoài làm, dù đã hoàn thành một năm học tiếng và hai năm đại học.

Tháng 3/2017, Thùy Trang đến Hàn Quốc với hy vọng vừa học vừa làm để trả nợ 300 triệu đồng của gia đình. Sau khi lấy chồng là cậu bạn người Việt học cùng lớp, số tiền nợ của hai người 600 triệu đồng, trong khi đó, vợ chồng Trang mới gửi được 100 triệu đồng về trả nợ.

Theo Trang, những du học sinh Việt sang Hàn Quốc rồi bỏ trốn, ở lại bất hợp pháp chủ yếu có ba trường trường hợp. Một là xác định trốn ngay từ đầu, sang theo đường du học chỉ là hình thức cho hợp pháp. Số này do được anh chị, bạn bè mách kinh nghiệm hoặc có người nhà đang làm việc bất hợp pháp ở Hàn.

(Ảnh minh họa: shutterstock)

Hai là trường hợp đi sang với mục đích vừa học vừa làm, nhưng học không vào hoặc lười học trong khi đi làm lương tốt so với Việt Nam. Ba là những du học sinh xác định sang để học nhưng do phải vay tiền, sang đến nơi lại khó khăn xoay xở tiền đóng học, sinh hoạt nên phải bỏ dở việc học để kiếm tiền. Trang tự nhận vợ chồng mình đang trong tình thế thứ ba.

Điểm chung của những du học sinh sang Hàn có ý định bỏ trốn đều là đi sang theo con đường du học qua một trung tâm tư vấn ở Việt Nam, xin VISA D4-1 để được học tiếng trong một năm ở Hàn. Trang tính để chồng bỏ học trốn ra ngoài làm vì dự định sinh con trong năm sau.

“Nếu em có bầu, chồng chắc chắn sẽ trốn ra ngoài làm, vừa đỡ được khoản học phí 20 triệu đồng mỗi tháng lại vừa kiếm được nhiều tiền hơn. Một khi đã bỏ, chúng em sẽ ở đây lâu dài, cố kiếm đủ tiền trả nợ rồi để dư 100-200 triệu đồng về mở cửa hàng ăn nhỏ ở quê”, Trang nói.

Trang cho rằng việc bỏ trốn dễ dàng bởi các nhà xưởng, cửa hàng ở Hàn Quốc rất cần lao động, đặc biệt là những người chăm chỉ. Vì vậy, khi làm bất hợp pháp cho cửa hàng của chủ Hàn Quốc, họ không yêu cầu giấy tờ được phép đi làm hay giấy khám sức khỏe, thậm chí bao che khi cảnh sát hỏi.

“Sinh viên của trung tâm nào bỏ trốn, không cần biết đã tìm thấy hoặc bị bắt lại hay chưa, trong ba tháng trung tâm đó sẽ bị đánh trượt toàn bộ hồ sơ xin visa.

Trung tâm của mình may mắn chưa có trường hợp nào bỏ trốn. Tuy nhiên, mình nghĩ quan trọng phải ở ý thức của du học sinh, nếu đã muốn trốn ở lại kiếm tiền thì trung tâm không cách nào có thể ngăn chặn”, Thùy Dương (28 tuổi) giáo viên tiếng Hàn tại một trung tâm du học Hàn Quốc tại TP HCM cho biết.

(Ảnh minh họa: sf.co.ua)

Để tiếp tục hoạt động sau ba tháng bị đánh trượt visa, các trung tâm có sinh viên bỏ trốn tại Hàn thường phải đổi tên nhưng “cũng không khá hơn là mấy”. Thùy Dương chia sẻ, tùy số lượng và mức độ bỏ trốn của sinh viên, nhiều trung tâm còn có tên trong “danh sách hạn chế” của đại sứ quán. Những đơn vị này đa số phải ngưng hoạt động hoặc phá sản vì không có học viên đăng ký.

Tại trung tâm Thùy Dương làm việc, nhằm hạn chế tình trạng du học sinh bỏ trốn, phía trung tâm thường yêu cầu đặt cọc 100-200 triệu đồng đến khi về nước sẽ trả lại, hoặc người thân phải bồi thường tiền cho trung tâm nếu có con em bỏ trốn. Ngoài ra, người của trung tâm biết địa chỉ, liên lạc với người thân của học viên và giữ bản gốc một số giấy tờ cần thiết, thường là sổ hộ khẩu.

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz

Nguồn: vnexpress

Sponsored
Xuyen Kim

Share
Published by
Xuyen Kim

Recent Posts

Nắm bắt cơ hội tham dự sự kiện ra mắt Siêu dự án Bất động sản Úc tại Quận 1, TP.HCM

Sự kiện với tên gọi "Biểu tượng của sự thịnh vượng'' được tổ chức bởi…

1 year ago

Món quà 8/3 khiến những người mẹ lớn tuổi phải rơi nước mắt

Truyền thuyết kể rằng hạnh phúc thực sự đến khi ta có thể rơi nước…

1 year ago

Úc sở hữu bãi biển lọt top 10 bãi biển tuyệt nhất thế giới 2023

Một bãi biển mang tính biểu tượng ở Tây Úc đã được TripAdvisor bình chọn…

1 year ago

NSW, Úc đối mặt đợt nắng nóng cực độ vào tuần tới

Tiểu bang NSW của Úc được dự báo sẽ trải qua một đợt nắng nóng…

1 year ago

Luật giao thông mới ở NSW có thể khiến bạn bị phạt đến $2200 nếu vi phạm

Úc là đất nước của một số quy tắc đường bộ có phần “kỳ lạ…

1 year ago
Sponsored