Du học sinh cư trú tại Úc theo diện visa 485: cơ hội và thách thức

0

Vietucnews – Sau khi hoàn thành chương trình học tại Úc, nhiều sinh viên đã lựa chọn xin visa tốt nghiệp tạm thời 485 để theo đuổi giấc mơ lập nghiệp. Tuy nhiên, thực tế đã cho họ thấy rằng con đường làm việc đúng ngành được đào tạo không hề dễ dàng.

Tính đến tháng 6/2019, số lượng sinh viên nước ngoài ở lại Úc dưới diện visa 485 đã gần chạm mốc 92,000 người. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này đã tăng vọt đến 29%, tức năm 2018 chỉ có khoảng 71,000 du học sinh sở hữu thị thực này.

Chính phủ Úc lần đầu giới thiệu chương trình visa trên vào năm 2008, sau đó bổ sung một đợt cải cách vào năm 2013. Những thay đổi này được thực thi dựa trên đề xuất của Knight Review hồi năm 2011, trong đó công nhận quyền được làm việc tại Úc sau khi tốt nghiệp của du học sinh. Cơ quan này cũng nhấn mạnh yếu tố trên đóng vai trò rất quan trọng đối với việc tăng khả năng cạnh tranh của nước Úc trong lĩnh vực xuất khẩu giáo dục.

Những cải cách này cho phép du học sinh được cấp văn bằng sau phổ thông hoặc sau đại học tại các cơ sở giáo dục ở Úc có thể ở lại nước này từ 2 đến 4 năm, tùy theo trình độ chuyên môn. Chính phủ cho biết chính sách visa mới đã tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế cư trú tại Úc trong một khoảng thời gian nhất định, nhằm gia tăng kinh nghiệm làm việc trong môi trường nước ngoài.

Số lượng du học sinh ở lại Úc theo diện visa 485 ngày càng tăng.

Để khảo sát hiệu quả của visa 485 trong thực tế, The Conversation đã nghiên cứu tác động của chính sách thị thực đối với các du học sinh đang học tập tại Úc, cũng như những sinh viên ngoại quốc đã tốt nghiệp và đi làm ở nước này.

Kết quả cho thấy có 76% số người có visa 485 cho biết đây là động lực chủ yếu giúp họ quyết tâm đến Úc du học. Tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động của nhóm người từng sở hữu và đang sở hữu loại visa này lần lượt là 89% và 79%. Trong đó, khái niệm “từng sở hữu” được dùng để chỉ những người đã về nước, hoặc những ai vẫn ở lại Úc nhưng không còn thuộc diện visa 485.

Thực tế là sau khi tốt nghiệp, có nhiều sinh viên nước ngoài không tìm công việc toàn thời gian, thậm chí không làm việc đúng theo chuyên ngành mà họ được đào tạo. Đa phần những người này được tuyển dụng vào các vị trí trong ngành bán lẻ, khách sạn và vệ sinh.

Những con số đáng chú ý

Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu thông qua khảo sát trực tuyến từ 1,156 du học sinh đã tốt nghiệp, bao gồm các cá nhân đã trở lại quê nhà và nhóm người còn cư trú ở Úc. Ngoài ra, họ còn tiến hành phỏng vấn sinh viên cùng các bên liên quan (ví dụ như nhà tuyển dụng), đồng thời phân tích số liệu và thông tin về chính sách từ chính phủ.

Ấn Độ, Trung Quốc, Nepal, Pakistan, Việt Nam là 5 quốc gia có số lượng người sở hữu visa 485 đông đảo nhất, cũng là top 5 nước đứng đầu về số du học sinh theo đuổi chương trình đào tạo thạc sĩ tại Úc từ năm 2013 đến nay. Trong số đó, có đến 56% phải làm việc trái ngành, 21% rơi vào cảnh thất nghiệp, khiến cuộc sống của nhóm sinh viên này trở nên khó khăn.

Top 5 nước có lượng du học sinh đông nhất tại Úc.

Dữ liệu của chính phủ Úc cho thấy du học sinh sau tốt nghiệp làm việc nhiều nhất trong 3 ngành nghề sau: trợ lý kinh doanh, nhân viên bán hàng và nhân viên vệ sinh – giặt ủi.

Top 5 quốc gia có nhiều du học sinh theo học chương trình đào tạo thạc sĩ nhất tại Úc.

Họ có hài lòng không?

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị người làm khảo sát chấm điểm mức độ hài lòng của họ đối với kinh nghiệm làm việc trong thời gian giữ thị thực 485. Các sinh viên đã tiến hành cho ý kiến trên thang điểm 5, từ “cực kỳ không hài lòng” đến “vô cùng hài lòng”. Quá trình tổng hợp cho thấy trạng thái “hài lòng” chiếm 66% kết quả thu được.

Tình trạng lao động của nhóm đối tượng khảo sát.

Số còn lại có quan điểm “không hài lòng” vì 5 lý do chính sau đây:

  • Thời hạn 2 năm không đủ để nhà tuyển dụng xây dựng lòng tin với nhân viên mới, từ đó cản trở du học sinh hòa nhập và học hỏi kinh nghiệm trong môi trường chuyên nghiệp
  • Nhà tuyển dụng thường ưu ái những ứng viên là thường trú nhân hơn. Thêm vào đó, họ cũng khá mơ hồ về visa 485
  • Quy trình gia hạn và cấp lại visa thiếu linh hoạt
  • Các bên liên quan không mấy mặn mà với việc hỗ trợ du học sinh, bao gồm việc liên hệ với các cơ quan hướng nghiệp. Đồng thời, sinh viên cũng không được tư vấn về visa tốt nghiệp tạm thời, cũng như phương hướng phát triển sự nghiệp sau khi hoàn thành việc học
  • Trái với quan niệm thường thấy, con đường lấy được tư cách thường trú thông qua visa 485 không hề dễ dàng.

Một du học sinh chia sẻ: “Hầu hết các nhà tuyển dụng không hề biết visa làm việc tạm thời sau tốt nghiệp là gì […] Khi tôi đi ứng tuyển, người phỏng vấn tỏ ý hài lòng với CV của tôi. Nhưng đến bước cuối cùng, lúc tôi nói rằng mình đang giữ visa tạm thời sau tốt nghiệp, họ không có chút khái niệm nào về nó cả, và cũng không sẵn lòng nghe tôi giải thích […] Có đến một nửa số công việc lý tưởng ngoài kia cần ứng viên có visa thường trú và tư cách công dân nước Úc, trong khi thời hạn họ đưa ra chỉ có 1 năm.”

Các ngành nghề phổ biến nhất với sinh viên nước ngoài theo diện visa 485.

Sinh viên nước ngoài cũng thường bị “cộp mác” đến Úc để tìm cách lấy visa thường trú, do đó, quá trình tìm việc của họ cũng gặp phải nhiều rào cản không đáng có. Tiêu chí “phù hợp với văn hóa công ty” hay “thích hợp nhất trong số các ứng viên” là một hình thức phân biệt chủng tộc, gây bất lợi cho cả du học sinh còn đang đi học lẫn đã tốt nghiệp khi tham gia thị trường lao động tại Úc.

Tuy nhiên, theo thông tin từ bản khảo sát tình hình lao động sau đại học của Bộ Giáo dục, từ sau cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngay chính các sinh viên bản địa cũng phải mất nhiều thời gian hơn mới tìm được việc làm, nhất là trong lĩnh vực chuyên môn.

Những điểm tích cực

Song, nhiều du học sinh vẫn thừa nhận họ đã thu được nhiều lợi ích nhờ sở hữu visa 485. Một số người chia sẻ thời gian ở lại Úc chính là “tấm vé thông hành” giúp họ nâng cao trình độ tiếng Anh, gặt hái nhiều kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực đa dạng và phát triển mạng lưới giao thiệp rộng cả trong công việc lẫn ngoài xã hội.

Một bộ phận du học sinh lại tận dụng khoảng thời gian này để “cày” việc nhằm chi trả cho khoản vay thời đại học, dù cho họ không làm đúng ngành nghề mình được đào tạo. Có những nghề nghiệp đặc thù còn giúp sinh viên cải thiện kỹ năng giao tiếp và kỹ năng mềm. Đây là những bước chân đầu tiên giúp họ tự tin tiến lên con đường tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên môn của mình trong tương lai.

Có 52% sinh viên tốt nghiệp năm 2015 và 49% sinh viên tốt nghiệp năm 2016 cho biết họ đã tìm được việc toàn thời gian và đúng ngành vào năm nay. Con số này cho thấy khả năng tìm được công việc lý tưởng của các du học sinh sẽ tăng dần theo thời gian, đặc biệt là với những ai đã nắm trong tay visa thường trú.

Nhiều du học sinh tìm được việc làm đúng ngành sẽ tác động tích cực đến vị thế của Úc trong lĩnh vực xuất khẩu giáo dục.

Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là nâng cao kiến thức của doanh nghiệp nước Úc về visa tốt nghiệp tạm thời, bao gồm mục đích và phạm vi của nó. Việc này sẽ khiến các công ty bớt đi cái nhìn định kiến về du học sinh, từ đó sẵn sàng trao cho họ cơ hội trau dồi kinh nghiệm trong lĩnh vực mà mình thông thạo.

Các cơ sở giáo dục quốc tế, trường đại học cũng như các bên liên quan cần có chiến dịch hiệu quả, cách tiếp cận vấn đề linh hoạt và thiết thực nhằm kết nối nhu cầu của các nhà tuyển dụng với thế mạnh của sinh viên.

Chính phủ nên đề xuất tùy chọn tăng thời gian cư trú thêm 1 đến 2 năm khi gia hạn hoặc cấp lại visa 485 cho 2 đối tượng sau: những ai đã làm việc toàn thời gian/ bán thời gian theo đúng chuyên ngành mình học trong ít nhất 6 tháng; những người đã điều hành doanh nghiệp của riêng mình và sở hữu mức thu nhập nhất định, bất kể công việc của họ có trái ngành hay không. Quan trọng nhất là, điều khoản này cần được nhà chức trách phổ biến đến chủ lao động để tránh tình trạng hoang mang về tính chất ngắn hạn của visa tốt nghiệp tạm thời.

Việc hỗ trợ du học sinh tìm được việc làm đúng ngành nghề sau khi tốt nghiệp sẽ mang đến nhiều lợi ích cho nước Úc, cụ thể là doanh nghiệp địa phương, cộng đồng dân cư và cả nền kinh tế. Tỷ lệ có việc làm đáng kể cũng sẽ nâng cao uy tín của Úc trong lĩnh vực giáo dục.

Nguồn: The Conversation

Tải app Úc Ơi / VietUcNews / Cộng Đồng Người Việt tại đây nha các bạn http://onelink.to/suwtvz