Kinh nghiệm thực tế và cách tìm việc ngành kế toán tại Úc

0

Ngày nay, việc tìm được một công việc đúng với chuyên ngành kế toán mà bạn đã học, hay đúng với mong muốn của bạn tại Úc không phải dễ. Để các bạn mới ra trường có thể dễ hình dung hơn về công việc kế toán, cũng như cách tìm việc hoặc xin thực tập, sau đây là một số kinh nghiệm quý báu mà bạn có thể tham khảo.

  1. Thế nào được gọi là kế toán viên?

Chứng chỉ CPA là điều kiện quan trọng cần có để trở thành kế toán viên chuyên nghiệp

Không phải ai tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán cũng có thể trở thành kế toán viên, trừ khi bạn theo đuổi nghề và có chứng chỉ của CPA, CA hoặc các chứng chỉ tương đương. Bạn cũng cần duy trì việc là thành viên của các hiệp hội này cũng như hoạt động trong lĩnh vực kế toán liên tục, không gián đoạn.

  1. Tổng quan về cấu trúc ngành Kế toán tại Úc

Hiện nay có rất nhiều phần hành kế toán với những tính chất công việc khác nhau. Sau đây là những phần chính mà bạn có thể tham khảo:

  • Kế toán Thuế (Tax Accounting) – Thường làm việc cho các công ty, tập đoàn lớn, hoặc các công ty dịch vụ kế toán nhỏ, ngoài ra bạn có thể tự mở dịch vụ nếu có các văn bằng liên quan đến kế toán thuế. Người làm kế toán thuế sẽ thực hiện những công việc liên quan đến thuế của doanh nghiệp, tổ chức hay các cá nhân. Công việc này không quá phức tạp và khá dễ kiếm việc, chỉ cần bạn có thể chứng minh mình am hiểu về Thuế và có thể thực hiện các công việc mà Thuế yêu cầu. Điều quan trọng nhất để làm được việc là bạn cần phải chú ý cập nhật luật thuế thường xuyên. Bạn cần phải đọc các thông tư, nghị định thuế được ban hành mới vì chúng luôn được điều chỉnh hàng năm. Một yếu tố khác cần quan tâm là việc cân nhắc sự hài hòa giữa yêu cầu của khách hàng và việc đảm bảo nghĩa vụ nộp Thuế của Khách hàng. Mùa cao điểm khiến cho việc làm kế toán thuế vô cùng gay gắt và dồn dập, đó chính là thời điểm Quyết toán Thuế.
  • Kiểm toán (Auditor) – Kiểm toán viên đa phần là làm việc cho các Hãng kiểm toán lớn như Big 4. Cường độ làm việc rất cao và khối lượng công việc lớn nên cũng đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn và kỹ năng chuyên môn giỏi. Vì thế, để xin thực tập cho lĩnh vực này là tương đối khó. Những người có dày dặn kinh nghiệm hơn sẽ làm kiểm toán nội bộ (Internal Auditor) cho một công ty, tập đoàn lớn.
  • Kế toán tài chính (Financial Accounting) – Các doanh nghiệp lớn có thể cần đến một nhóm người, mối người làm một nhiệm vụ hoặc một dự án cụ thể. Đối với doanh nghiệp nhỏ, một người cũng có thể quản lý mọi phần hành: từ thuế đến tài chính và quản trị kế toán.
  • Kế toán tiền lương (Payroll/Salary Accounting) – Kế toán viên sẽ chịu trách nhiệm các công việc liên quan đến thanh toán lương cho người lao động, thuế và các mảng nhân sự kèm theo.

Kế toán đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết và khả năng làm việc với các con số một cách chính xác

  • Một số phần hành kế toán khác mà các bạn mới ra trường cũng nên hướng tới như:
    1. Kế toán thanh toán (Account Payable) – thực hiện việc thanh toán các khoản
    2. Kế toán phải thu (Account Receivable) – theo dõi công nợ khách hàng
    3. Kế toán ghi sổ (Bookkeeper) – nhân viên thu nhận, lưu trữ các giao dịch kế toán hàng ngày
    4. Trợ lý kế toán (Accountant Assistant) – Phụ trách trợ giúp cho các phần hành khác
    5. Trợ lý tiền lương (Payroll Assistant) -trợ giúp cho Bộ phận kế toán tiền lương.
  1. Những yếu tố để tìm kiếm được việc làm kế toán

Tất cả các phần hành kế toán kể trên đòi hỏi kiến thức kế toán sơ đẳng, kĩ năng vi tính cơ bản. Vấn đề quan trọng là làm sao để tìm được việc thành công. Chị Thiên Thanh có nhắc đến một số lưu ý sau:

. – Xác định được mục đích của bạn. Nếu bạn cần kinh nghiệm thì đừng chú trọng quá đến lương, qui mô của công ty, địa điểm làm việc hay chức vụ. Có những bạn có kinh nghiệm làm việc cực kì ấn tượng, có chứng chỉ CPA nhưng vẫn chấp nhận làm việc với mức lương $50k một năm, và làm việc dưới quyền một người khác không có chứng chỉ đó.

Vạch ra hướng đi cụ thể và tích cực, chủ động với hướng đi của mình.Tham khảo kỹ các thông tin liên quan và các bước chuẩn bị để đạt được yêu cầu công việc

Suy nghĩ logic và thực tế cũng như tìm hiểu quyền lợi của mình. Đừng quá tin vào những lời mời gọi hấp dẫn từ phía các công ty dịch vụ. Bạn cần xem xét kỹ lưỡng và cân nhắc trước mọi thông tin. Bạn hãy nhớ rằng không có gì miễn phí, thành công chỉ đến khi chúng ta nỗ lực.

4. Làm sao để được đi thực tập (Internship)?

Việc tham gia thực tập tại các tập đoàn đang ngày càng phổ biến đối với các bạn sinh viên năm cuối chuyên ngành

Chị Thiên Thanh chia sẻ rằng: Hầu hết các bạn thực tập sinh tại công ty chị đều đang là sinh viên kỳ cuối của Profesional Year (Năm thực tập bổ sung kinh nghiệm). Một số trường hợp khác thì thông qua mạng xã hội để được tuyển thực tập vào công ty.

Vì vậy, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể tìm được việc thực tập ngay cả khi còn đang đi học thông qua các cách sau:

Chuẩn bị hồ sơ xin việc (Resume) kỹ lưỡng và tỉ mỉ, có thể trả tiền cho người chuyên sửa hồ sơ để họ giúp bạn. Ngoài ra, bạn cần luyện kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng thể hiện bản thân

– Thường xuyên tìm hiểu các công việc ngay tại trường đang học, tham gia các tổ chức phi lợi nhật như RedCross hoặc Oxfarm hoặc các cộng đồng tại địa phương. Ban đầu, bạn không nhất thiết cần phải là thực tập kế toán, chỉ cần bạn tham gia vào một công việc cụ thể về xây dựng được mạng lưới cá nhân, đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp thấy được khả năng của bạn. Họ sẽ lưu ý và ưu tiên gọi bạn ngay khi có việc làm.

– Nếu các bạn không gặp nhiều khó khăn về kinh tế thì nên học PY sau khi tốt nghiệp bằng chính để kiếm thêm 5 điểm, số điểm cao sẽ tăng khả năng tìm được công việc tốt.

5. Bạn có mất phí để được đi thực tập? Bạn có được trả lương thực tập?

Tại các công ty ở Úc một số bạn thực tập sinh, có bạn được trả lương, có bạn thì không. Tuy nhiên dù có lương hay không, các bạn đều không phải trả tiền để được thực tập.

Qua chia sẻ trên, các bạn đã nắm bắt được một số kiến thức thực tế về ngành nghề kế toán cũng như cách xin việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn tại Úc. Hi vọng những chia sẻ trên có thể giúp ích cho các bạn trong việc nắm bắt cơ hội nghề nghiệp cũng như phát triển bản thân. Chúc các bạn thành công!