Úc sẽ trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới?

0

Theo báo cáo, việc tăng trưởng dân số sẽ giúp thúc đẩy Úc trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới trong vòng mười năm tới.

Trung tâm kinh tế và nghiên cứu kinh doanh tại London (CEBR) dự đoán, Úc sẽ tăng hai vị trí trên bảng xếp hạng kinh tế thế giới vào năm 2026, từ vị trí 13 ở thời điểm hiện tại lên vị trí thứ 11.

Các quốc gia dựa vào trí tuệ để thúc đẩy nền kinh tế sẽ vượt qua những nước phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dự đoán Trung Quốc sẽ thay thế Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Trong khi tăng trưởng kinh tế của Úc đã được thúc đẩy bởi các nguồn lực trong những năm gần đây, CEBR cũng lưu ý rằng Úc đã trở thành một trong những quốc gia có lượng dân nhập cư lớn nhất thế giới. Và đặc biệt là việc nhập cư vào Úc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai, nhờ vào trí tuệ và kinh nghiệm mà những người nhập cư mang tới.

“Dân số Úc ngày càng gia tăng, nên dự đoán nền kinh tế sẽ tăng từ vị trí thứ 13 năm 2017 lên nền kinh tế lớn thứ 11 vào năm 2026”, bảng xếp hạng của Tổ chức Kinh tế Thế giới cho biết.

“Đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị sẽ cần phải nhanh chóng được thực hiện khi dân số tăng lên.”

Úc đã nhận gần 190.000 người nhập cư vĩnh viễn trong năm 2015-2016, phần lớn trong số họ đều có trình độ và khả năng phát triển kinh tế.

Dân nhập cư là một trong những yếu tố giúp Úc phát triển kinh tế

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng Úc nên giảm bớt lượng dân nhập cư vào nước này.

Một cuộc điều tra được Viện nghiên cứu dân số Úc công bố vào tháng 10 cho thấy, 3/4 người Úc tin rằng nước này không cần nhập cư thêm nữa và gần một nửa ủng hộ lệnh cấm một phần đối với người nhập cư đến từ các quốc gia Hồi giáo.

Viện nghiên cứu cho biết, vào thời điểm đó, các kết quả trên chịu ảnh hưởng bởi tác động của sự gia tăng dân số đối với chất lượng cuộc sống của người dân và sự thay đổi nhanh chóng trong sắc tộc và tôn giáo của Úc.

Nhưng báo cáo của Trung tâm kinh tế và nghiên cứu kinh doanh chỉ ra rằng, với tác động của cuộc cách mạng kỹ thuật số đối với nền kinh tế thế giới cho đến năm 2032, các quốc gia sẽ cần những công nhân sáng tạo và một trong những cách tốt nhất để đạt được điều đó là thông qua người nhập cư.

CEBR cũng dự đoán, giá năng lượng sẽ giảm trong vòng 25 năm tới do sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để phát điện và gia tăng nguồn cung cấp năng lượng từ thủy lực cắt phá (fracking).

Thủy lực cắt phá (tiếng Anh: hydraulic fracturing, thường rút ngắn thành fracking) là kỹ thuật khai thác mỏ bằng cách dùng áp suất chất lỏng để làm nứt các tầng đá trong lòng đất. … (Wikipedia)

CEBR cũng đưa ra cảnh báo, với những quốc gia có nguồn tài nguyên giàu có, nếu không mở rộng và cải thiện các lĩnh vực thì sẽ gặp khó khăn trong phât triển kinh tế.

Trong khi đó, một số nước láng giềng gần Australia nhất được dự đoán ​​sẽ có sự bùng nổ kinh tế đáng ngạc nhiên.

Indonesia và Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ bước vào top 10 các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2032, trong khi Đài Loan, Thái Lan và Philippines đều có thể bước vào top 25.

“Đến năm 2030, ba trong số bốn nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ là các nước châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản),” trung tâm cho biết.

Like Vietucnews để nhận thêm thông tin!

Thảo Phạm/Theo The Australian