Tối qua, tờ báo danh tiếng nước Anh, Guardian đã đăng tải bài viết rất dài về bóng đá Việt Nam. Trong đó, những góc khuất, những yếu kém của túc cầu Việt bị đem ra chê bai hết lời.
Chúng tôi xin gửi tới độc giả nguyên văn bài viết này.
“Giải VĐQG Việt Nam không thiếu những cầu thủ có chất lượng. Nhưng để chiếm lại lòng tin nơi người hâm mộ trong nước, vốn đang thích xem các trận đấu của bóng đá Anh trên TV hơn, nó cần một cuộc đại cải tổ để rũ sạch những tai tiếng của mình.
Khi tôi nói với một người bạn rằng tôi chuẩn bị đi xem một trận đấu của Hanoi T&T, anh ta đáp lại bằng một cái khịt mũi đầy tính giễu cợt. Người thợ đã sửa xe cho tôi thì lắc đầu và lầm bầm gì đó trong miệng mà tôi e là cũng không được tích cực cho lắm.
Một anh chàng bartender thì cười ha hả. Mà tôi thì không hề tỏ vẻ gì là đang muốn đùa cợt. Việt Nam là một quốc gia cuồng bóng đá, nhưng nếu bạn hỏi bất kỳ ai ở đây xem họ có ủng hộ một đội bóng trong nước nào hay không, thì những gì bạn nhận được sẽ chỉ là những cái lắc đầu.
Chủ nhà của tôi ở thành phố Hồ Chí Minh hẹn giờ dậy vào giữa đêm để xem Manchester United đá với Southampton, và vui sướng thấy rõ khi Zlatan Ibrahimovic ghi bàn thắng đầu tiên ở Premier League.
Bạn cùng nhà của anh ta thì là một CĐV của Arsenal, cũng tỏ ra cáu gắt chẳng kém một CĐV nào mà ta có thể bắt gặp trong các quán nhậu ở Highbury khi Arsenal của anh bị cầm hòa 0-0 bởi Leicester City. “Kẻ tham ăn” Premier League vẫn ngốn ngấu với tốc độ không có dấu hiệu nào là sẽ giảm xuống.
Giải VĐQG Việt Nam – V-League – mới đây đã được bầu là giải VĐQG tồi tệ thứ 3 trên thế giới. Những scandal liên quan tới cá cược, hối lộ và mua chuộc trọng tài đã làm hoen ố nghiêm trọng hình ảnh của giải đấu này trong mắt nhiều CĐV địa phương.
Hai năm trước, một CLB, Vissai Ninh Binh, đã phải đệ đơn xin LĐBĐ Việt Nam cho phép rút lui khỏi V-League, sau khi 13 cầu thủ của họ dính líu tới một vụ dàn xếp trận đấu. Hàng chục cầu thủ, HLV và trọng tài đã phải vào tù từ khi bóng đá được chuyên nghiệp hóa ở Việt Nam vào năm 2000.
Khi tôi đi bộ tới sân Hàng Đẫy ở thủ đô Hà Nội, tôi còn thấy bọn gà chạy đầy trên đường, vừa kêu quang quác vừa nhảy tránh những chiếc xe máy đang lao vun vút. Những trải nghiệm như ở Old Trafford hay Emirates như thể đến từ một thế giới khác.
Sân Hàng Đẫy là một kiến trúc điển hình ở các nước XHCN. Đó là một kết cấu bê-tông nặng nề, đổ bóng dài dưới ánh nắng của buổi chiều muộn. Sân được sơn màu vàng nhạt, rất hợp tông với phong cách của những kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Những tay cá cược tràn vào sân như một đàn cá, trong khi những kẻ phe vé phe phẩy những tập vé trên tay ở bất kỳ chỗ nào mà tôi nhìn tới.
Hôm nay, Hà Nội T&T sẽ đoạt chức vô địch nếu đánh bại FLC Thanh Hóa. Đối thủ chính của họ trong cuộc đua vô địch, Hải Phòng, cần phải hi vọng Hà Nội T&T sẽ thua, trong khi họ thì phải thắng với cách biệt từ 4 bàn trở lên.
Hà Nội được đánh giá là cửa trên trong trận đấu hôm nay, nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bầu không khí căng thẳng giữa các CĐV có mặt. Dẫu vậy, những CĐV ấy cũng chỉ chiếm một góc nhỏ trên khán đài mênh mông.
Manchester United mới đây tự hào công bố rằng họ chính là CLB bóng đá đầu tiên vượt mức doanh thu 500 triệu bảng trong một năm tài chính. Tuy nhiên, họ chắc chắn không hi vọng kiếm được dù chỉ là một xu ở đây.
Những cửa hàng bên ngoài sân đều chỉ bán những chiếc áo hàng nhái (thường có xuất xứ từ Trung Quốc), với những chiếc logo thường bị to quá khổ. Chúng được treo cạnh những chiếc áo đấu của Leicester City, mà chắc là tầm này một năm trước còn chưa có cơ hội xuất hiện ở đây.
Nhưng một khi đã vào trong sân, bầu không khí có vẻ giống của một trận bóng đá hơn. Các CĐV của Thanh Hóa làm nóng cho trận đấu bằng một điệu nhảy kiểu Poznan trên khán đài, trong khi một thằng bé ngồi sau tôi vài dãy ghế thì đang te te thổi một chiếc Vuvuzela.
Một bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh choán trọn tầm mắt của khán đài đối diện, và cũng chính bức chân dung ấy đã làm nên điểm nhấn cho toàn bộ SVĐ.
Nếu tôi có đủ kỹ năng để có thể trở thành một cầu thủ lang bạt, tôi thích tưởng tượng mình sẽ chơi bóng thế nào ở những giải đấu ít tiếng tăm trên thế giới: Một tiền vệ trung tâm ở Malta, một hậu vệ trái ở Lebanon hay một tiền đạo ngôi sao ở Serbia.
Cầu thủ mang áo số 9 của Hà Nội T&T, tiền đạo người Argentina Gonzalo Marronkle, chính là người đáp ứng được mọi tiêu chí để trở thành người hùng của tôi. Nhưng làm thế nào mà anh ta lại tìm đến đây chơi bóng?
Trông anh ta như một gã khổng lồ bên cạnh những đồng đội người Việt Nam nhỏ bé. Nếu ở Anh, người ta sẽ gọi anh ta là mẫu trung phong cổ điển, và kèm theo đó là những lời khen kiểu nửa đùa nửa thật!
Bóng lăn và ngay từ những phút đầu, Marronkle đã có cơ hội mặt đối mặt với thủ môn đối phương. Nhưng không hiểu sao anh lại ve vuốt trái bóng hơi quá, rồi bị lố đà, trượt chân và ngã chổng vó.
Đây là một trận đấu có tính chất quyết định tới chức vô địch, nên các CĐV phản ứng khá dữ dội sau pha bỏ lỡ này. Tôi bắt đầu nghi ngờ rằng những điểm mạnh nhất của cầu thủ người Argentina bắt đầu và kết thúc đều với cái trán của anh ta.
Nhưng chính tiền đạo to lớn này là người mở tỉ số ở phút 20 phút, sau một pha đệm bóng đơn giản từ một quả đá phạt góc. Dẫu vậy, tôi vẫn có cảm giác anh ta tự kéo lê mình quanh sân như những con bò nước mà bạn có thể bắt gặp ở các vùng nông thôn Việt Nam, nghĩa là chẳng tạo ra bất kỳ mối đe dọa nào.
Nhưng hẳn là anh ta phải làm đúng cái gì đó: Từ khi tới Việt Nam vào năm 2009, trung bình mỗi trận anh ta ghi được trên dưới một bàn.
Nguyễn Quang Hải, tiền vệ 19 tuổi với đôi chân nhanh nhẹn, khiến các CĐV của Hà Nội phấn khích mỗi lần anh nhận và đi bóng. Ở bất kỳ đâu trên thế giới, những tiền vệ biết nhảy múa với trái bóng luôn nhận được sự trân trọng đặc biệt từ các CĐV.
Quãng nghỉ giữa 2 hiệp bị kéo dài thêm 10 phút mà chẳng ai biết lý do vì sao. Tuy nhiên, nếu bạn cứ thích so sánh với các giải bóng đá ở châu Âu thì tốt nhất là bạn nên dừng ngay lại, vì bạn đang làm một việc vô nghĩa.
Ở Việt Nam, người ta có một định nghĩa hoàn toàn khác về thời gian, điều cũng khá thú vị nếu đặt cạnh những trải nghiệm dễ đoán và vô hồn khi theo dõi một trận đấu ở Anh.
Hiệp 2 của trận đấu có lẽ sẽ được nhớ tới nhiều hơn cả với khoảnh khắc 5 quả pháo sáng được đốt cùng lúc và ở gần như cùng một chỗ. Nhận thấy sự bất hợp lý trong kế hoạch của mình, các CĐV đã ném một vài quả xuống sân; một quả suýt trúng trợ lý trọng tài, quả khác suýt rơi vào hậu vệ trái của Hà Nội T&T. Nhưng dường như điều đó chẳng khiến ai bận tâm.
Marronkle to lớn của chúng ta lại lang thang trên sân trong cả hiệp 2 như thể đã bị vắt kiệt sức. Sau khoảng 70 phút, anh ta nằm vật xuống sân vì bị chuột rút, giống như một cậu học trò đang cố gắng trong vô vọng để được nghỉ ngơi một chút sau một cuộc chạy băng đồng.
Marronkle thực sự đã là người hùng của tôi rồi. Và vào phút 94, những nghi ngờ của tôi về khả năng đánh đầu của Marronkle đã được giải đáp, khi anh ta ghi bàn thắng thứ 2 cho riêng mình từ một pha đánh đầu mạnh mẽ.
Marronkle được bầu là Cầu thủ hay nhất trận, Hà Nội giữ vững ngôi đầu và giành chức vô địch quốc gia đầu tiên từ năm 2013.
V-League có thể bị tàn phá bởi những scandal, nhưng những khoảnh khắc như khi Quang Hải nhảy múa qua 6 hậu vệ đối phương, hay Marronkle bất ngờ tung ra một cú xe đạp chổng ngược ngay rìa vòng cấm, chính là bóng đá ở hình thức nguyên sơ nhất.
Nền kinh tế Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, và dân số của nước này trung bình tăng tới 1 triệu người mỗi mùa. Bóng đá ở đây vẫn có rất nhiều những tiềm năng chưa được khai phá.
Sẽ là rất đáng tiếc, nếu V-League không thể vượt lên trên quá khứ rắc rối của nó, để tìm lại sự ủng hộ từ những CĐV hiện đang thiếu niềm tin nhưng có thừa nhiệt huyết.”
Beno/Vietucnews, theo Soha/TRÍ THỨC TRẺ