(Vietucnews) Đây là con số khổng lồ được đưa ra mới đây với điểm đến của hầu hết du học sinh là Úc vì quốc gia này đang giữ ưu thế về giáo dục chất lượng cao.
Cụ thể, trong suốt thập kỷ qua, mỗi năm hơn 100.000 người Việt Nam chọn theo đuổi du học ở nước ngoài. Theo tính toán của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), trung bình mỗi năm người Việt tiêu tốn khoảng gần 3 tỷ USD cho du học. Trong khi trung bình mỗi năm có khoảng 8 trường đại học và 12 trường cao đẳng mới được thành lập trong nước.
Yếu tố nhân khẩu học thuận lợi, tốc độ phát triển kinh tế nhanh và sự gia tăng nhanh tầng lớp trung lưu, những người có nhu cầu và có khả năng đầu tư vào giáo dục chất lượng cao cho con cái, chính là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của dịch vụ xuất khẩu giáo dục.
Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và có triển vọng tăng từ 12 triệu người vào năm 2012 lên 33 triệu người năm 2020.
Về điểm đến du học, Úc là lựa chọn hàng đầu của du học sinh Việt Nam với khoảng 30.000 học sinh và sinh viên nhập học các trường ở Úc vào năm 2015.
“Cơ hội giáo dục không chỉ nằm ở việc thu hút được sinh viên Việt Nam đến với Úc mà còn mở rộng đến việc phục vụ họ trên chính quê hương của họ. Giáo dục Việt Nam hiện đang đi sau chuẩn khu vực và thế giới, do đó giáo dục chất lượng cao của Úc đang giữ ưu thế”, báo cáo cho biết.
Một giám đốc phụ trách chương trình giảng dạy của một đại học Úc hàng đầu tại Việt Nam cho rằng việc có mặt tại thị trường Việt Nam mang lại nhiều lợi ích và nhà trường đang có kế hoạch đầu tư dài hạn tại đây.
Mặc dù là nhà cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, Úc vẫn phải cạnh tranh với các quốc gia khác để thu hút sự quan tâm đầu tư của sinh viên Việt Nam.
Tại Việt Nam, các học viện của Úc đang cạnh tranh với các học viện đến từ Mỹ và châu Âu. “Họ thích Úc, nhưng tôi cho rằng họ cũng thích châu Âu và Mỹ”, vị giám đốc chương trình giáo dục cho biết.
Khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và hòa nhập vào khu vực và quốc tế, yêu cầu cao về kiến thức chuyên môn để có thể nắm bắt các cơ hội quốc tế khiến cho nhu cầu về giáo dục và đào tạo kỹ năng chuyên môn trong một số lĩnh vực tăng nhanh, từ đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh đến các khóa học về kinh doanh và quản trị.
Thanh Hường/Theo Cafe Biz