Di dân sẽ ra sao khi trạm di trú Úc đóng cửa?

0
616

Giới hữu trách của Úc đang cố gắng quyết định xem phải làm gì với hàng trăm người xin bảo hộ tị nạn tại một trại tạm giữ gây tranh cãi mà họ đã đồng ý đóng cửa ở Papua New Guinea.

Tòa án tối cao của Papua New Guinea hồi tháng 4 đã phán quyết rằng trại tạm giữ trên Đảo Manus, một trong hai cơ sở di trú do Úc điều hành ở Nam Thái Bình Dương, là vi hiến.

Hôm thứ Tư, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill loan báo đóng cửa cơ sở trên đảo Manus. Ông cho biết rằng một thỏa thuận đã đạt được sau cuộc hội kiến Bộ trưởng Di trú Úc Peter Dutton ở Port Moresby.

Câu hỏi hiện giờ là chuyện gì sẽ xảy ra cho 850 người đàn ông đang bị giữ trong cơ cở này? Các giới chức cao cấp ở Canberra nói trại tạm giữ này sẽ không đóng cửa ngay lập tức. Và họ nói rằng di dân sẽ không được tái định cư ở Úc. Hầu hết trong số họ đến từ Afghanistan, Iran, Iraq và Syria, do đó những tổ chức nhân quyền xem việc họ tự nguyện hồi hương là khó xảy ra.

Họ có thể được chuyển đến một trại làm thủ tục thứ hai ở nước ngoài được Úc tài trợ ở Nauru, một hòn đảo nhỏ. Gần đây đã có những cáo buộc về tình trạng ngược đãi rộng khắp đối với những người bị câu lưu, trong đó có trẻ em, trên đảo này. Trong quá khứ, Canberra đã nhờ Campuchia và Malaysia tiếp nhận người tị nạn. New Zealand cũng đã đề nghị tái định cư những người bị câu lưu trong các trại ở nước ngoài của Úc.

di-dan-se-ra-sao-khi-tram-di-tru-uc-dong-cua-2
Trại tạm giữ trên đảo Manus, Papua New Guinea.

Bộ trưởng Di trú Úc Peter Dutton hy vọng nhiều người bị câu lưu trên đảo Manus sẽ quyết định tự nguyện hồi hương, giống như nhiều người đã từng làm trước đây. Ông nói:

“Chúng tôi cung cấp hàng ngàn đôla tiền trợ giúp của người đóng thuế để cung cấp những gói hỗ trợ nhằm giúp những người này trở về quê hương bản quán của họ và hàng trăm người đã làm điều đó.

Bây giờ, trong những trường hợp như Sri Lanka, Việt Nam, những nước khác như Ấn Độ, chúng tôi có những thỏa thuận mà trong đó nếu người ta từ chối hồi hương, nếu họ bị phát hiện không phải là người tị nạn, thì họ có thể bị cưỡng bức hồi hương. Trường hợp Iran thì không như vậy.

Họ sẽ tự nguyện hồi hương nhưng không bị cưỡng bức hồi hương và hàng trăm người đã tự nguyện trở về Iran. Nhưng hiện tại người ta đang đưa ra quyết định trên đảo Manus, đảo Nauru vào lúc này, để nói rằng họ không muốn quay trở lại ngay cả khi họ bị phát hiện không phải là người tị nạn. Chúng tôi không thể chấp nhận tình trạng này.”

Vào tháng 4, các thẩm phán ở Papua New Guinea cho biết việc câu lưu những di dân trên đảo Manus là bất hợp pháp. Tại một cuộc họp các bộ trưởng cao cấp hôm thứ Tư tại thủ đô Port Moresby, cả Úc và Papua New Guinea đều công nhận rằng phán quyết của tòa án là chung quyết và trại tạm giữ sẽ đóng cửa, dù vẫn chưa ấn định ngày cụ thể.

Những người xin bảo hộ tị nạn đến Úc bằng tàu thuyền được đưa tới những cơ sở di trú ở Nam Thái Bình Dương, nơi mà đơn xin tị nạn của họ được duyệt xét.

Canberra khẳng định chính sách của họ đưa người tị nạn ra nước ngoài đang cứu được mạng người trên biển bằng cách làm nản lòng những di dân khác. Nhưng những tổ chức vận động cho người tị nạn nói tình cảnh trong những trại tạm giữ này là vô nhân đạo và Úc đang quay lưng với những người tuyệt vọng và dễ bị tổn thương.

 

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments