Việc bị từ chối hồ sơ bảo lãnh theo diện vợ chồng vì những “bằng chứng giả” trên Facebook là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Tôi còn nhớ những ngày làm việc đầu tiên, khi thực hiện nộp hồ sơ xin định cư theo diện vợ chồng hoặc đính hôn cho khách, mỗi lần như vậy khối lượng hồ sơ đều là những vali khổng lồ chứa những thùng bằng chứng để chứng minh mối quan hệ của những cặp tình nhân đang sống xa nhau, nào là thư tình, nào là hình ảnh, nào là hóa đơn điện thoại và mọi thứ nhân đôi lên vì tất cả còn phải được dịch ra tiếng Anh.
Anh Tạ Quang Huy – Người đã trực tiếp giải quyết thành công rất nhiều vụ kiện liên quan đến mạng xã hội trong thời gian gần đây.
Rồi bao năm qua, sự phát triển của công nghệ thông tin đã đơn giản hóa mọi việc cho những cặp tình nhân cần phải chứng minh mối quan hệ của mình. Việc tôi đang muốn nói ở đây chính là cách chứng minh mối quan hệ thông qua Facebook.
Ngày trước, các cặp tình nhân sống xa nhau và để duy trì một mối quan hệ xa cách về địa lý quả thật không hề đơn giản vì thứ nhất tốn kém về tài chính, thứ hai tình cảm dành cho nhau không mặn nồng như khi bên nhau, ảnh hưởng tới kinh tế khi người bảo lãnh sẽ phải bỏ công bỏ việc để về thăm người yêu…
Hiện nay, hình thức tương tác thông qua các mạng xã hội như Facebook đã được sử dụng bởi rất nhiều cặp tình nhân, họ có cơ hội gần gũi nhau bằng một cách nhanh nhất, việc có thêm bằng chứng chứng minh mối quan hệ thông qua con đường này cũng không còn gì gọi là khó khăn và tốn kém như xưa cả.
Theo thống kê từ Australian Digital Statistics, vào năm 2014 số lượng người sở hữu điện thoại di động tại Úc với mục đích sử dụng mạng xã hội chiếm đến 89%. Trong khi chỉ để sử dụng Facebook thì đã chiếm 81% của tổng số.
Người thật việc giả?
Có những người cho rằng sử dụng Facebook không đem lại điều ích lợi gì ngoài việc sống ảo và khoe khoang những thứ giá trị vật chất hằng ngày của mình. Những tháng gần đây, từ kinh nghiệm tìm hiểu của người viết cho thấy nhân viên Bộ Di Trú thường truy cập mạng xã hội như Facebook để kiểm tra tính chân thật về mối quan hệ của những cặp vợ chồng cho rằng đang rất yêu thương nhau.
Có những hồ sơ đã bị thẳng thừng từ chối vì những cặp vợ chồng làm ‘giấy tờ giả’ và post các tấm hình khoe con, khoe vợ của mình lên Facebook trong khi đang làm hồ sơ với người khác. Những dạng hồ sơ ‘dấu đầu hở đuôi’ này tôi đã chứng kiến khá nhiều và để thành công trên Tòa Tái Cứu Xét Di Trú là một điều rất khó khăn.
Người thật việc thật thì sao?
Có những người cho rằng chứng minh mối quan hệ thành thật là bắt buộc phải viết thư hay dùng thẻ điện thoại vì trước kia họ đã có người quen từng làm như vậy, rồi kinh nghiệm người này truyền cho người khác.
Tôi cho rằng cách thức thực hiện hồ sơ như vậy đã bị lỗi thời và không thực tế với những gì đang xảy ra giữa đương đơn và người bảo lãnh. Cách thức làm vậy không khác gì cố tình tạo bằng chứng và nhân viên lãnh sự rất nhạy cảm khi xét duyệt những hồ sơ có những bằng chứng không thực tế với hoàn cảnh của hai người.
Hình ảnh thật của hai người được phơi bày trên Facebook, check-in cùng một địa điểm, hình ảnh với bạn và thân nhân trên Timeline của trang cá nhân mình vô tình sẽ là bằng chứng mạnh nhất của thời điểm bây giờ, bởi vì việc định thời gian trên Facebook dễ hơn và khó có thể bị thay đổi. Điều này cũng có nghĩa tính chất xác thực của bằng chứng đã được khẳng định.
Vậy thì Facebook có còn là chốn riêng tư như mong muốn của một số người dùng hay bạn phải luôn mở chế độ “công cộng” để đôi khi có thể giúp cho việc đạt được một vài mục đích nào đó của bạn được thuận lợi hơn?
Tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu mà các bạn có thể sử dụng Facebook theo ý mình, nhưng cũng như các hình thức chứng minh khác, nếu cố ý “sắp xếp” những bằng chứng trên facebook nhưng không đúng với sự thật, cũng rất dễ bị người khác nhìn thấy được và việc bị từ chối hồ sơ là điều không thể tránh khỏi.
Theo Tạ Quang Huy
Đại Diện Di Trú – Úc Châu