Khi Trump và Kim rủ nhau đi “uống rượu”

0
197
Khi Trump và Kim rủ nhau đi uống rượu
Khi Trump và Kim rủ nhau đi uống rượu

Một sự kiện có thể coi là nổi bật là Kim Chính Ân (Kim Jong Un, gọi là Ủn cho tượng hình) đã viết một bức thư, đưa cho em gái mang sang Nam Hàn, nhờ Nam Hàn chuyển cho phía Mỹ để mời gặp Donald Trump. Ngay lập tức ông Trump đã nhận lời gặp Kim vào tháng 5 tới. Từ lâu, trải qua đời ông Kim Nhật Thành, đến đời bố Kim Chính Nhật, Bắc Hàn đã từng công khai ngỏ ý muốn nói chuyện trực tiếp với Mỹ. Nhưng Mỹ luôn luôn từ chối, vậy sao bây giờ lại nhận lời? Hãy quên chuyện Trump là một tổng thống điên rồ, đó là luận điệu của những người chống ông. Chắc chắn phải có gì “khác biệt” mà Mỹ mới thay đổi thái độ như vậy.

Thời Kim Nhật Thành, Bắc Hàn coi Nam Hàn là ngụy quyền, tay sai đế quốc Mỹ nên chỉ muốn nói chuyện với ông chủ, chứ không nói chuyện với tay sai. Vào đầu thập niên 80s, Nhật Thành quyết định truyền ngôi cho người con trai lớn là Chính Nhật với vợ trước, cho người coi trai bé với vợ sau đi Đại sứ “vĩnh viễn” ở các nước châu Âu. Chính Nhật được tham gia vào các bộ máy Đảng và quân đội. Người ta thường thấy hình ảnh hai bố con như hình với bóng, lãnh tụ tối cao trong vai “ông nội” đôn hậu với nụ cười thường trực; còn nhà lãnh đạo kính mến thì nghiêm nghị.

 

Chính Nhật có một mối tình ngang trái với một nữ diễn viên hơn tuổi và đã có chồng, sinh ra người con trai lớn là Chính Nam (Jong Nam), người bị ám sát tại Malaysia năm ngoái. Mối tình không được bố chấp nhận. Vào thời điểm Chính Nhật được chính thức lên thông tin đại chúng thì dường như có một sự đổi chác, Chính Nhật phải ly thân, vợ cũ sang Nga điều trị bệnh (mà bị bệnh thật và sau đó mất tại Nga vào năm 2002). Chính Nhật lấy vợ mới do bố chỉ định và sinh thêm 3 đứa con.

Lúc đó Chính Nam mới hơn 10 tuổi, thỉnh thoảng sang Nga thăm mẹ nhưng vẫn ở lại trong nước với bố. Chính Nhật rất thương yêu thằng bé thiếu mẹ, còn ngủ chung với con. Chính Nam cũng rất thông minh, thông thạo nhiều ngoại ngữ.

Theo nguồn tin chưa được kiểm chứng, vào năm 1994, Chính Nhật đã có những quan điểm riêng về chính sách đối ngoại, đặc biệt là muốn đối thoại với khúc ruột bên kia Bàn Môn Điếm là Nam Hàn, và dẫn đến bất đồng nặng nề với Nhật Thành. Ở Bắc Hàn, chỉ có một người duy nhất dám bật lại lãnh tụ vĩ đại. Đáng tiếc điều đó đã xảy ra, Nhật Thành uất ức lên cơn đứt mạch máu não rồi chết.

Chính Nhật lên ngôi đã gặp tổng thống Nam Hàn, bàn chuyện thống nhất Triều Tiên. Thực tế cho thấy, từ khi họ Kim nắm chính quyền, Bắc Hàn đã trở thành một ốc đảo tách biệt với thế giới bên ngoài. Cách duy nhất để có thể thoát ra tình trạng này chính là việc nói chuyện và thống nhất với Nam Hàn. Tuy nhiên, cách biệt hai bên quá lớn nên mục tiêu này không dễ gì thực hiện. Bên cạnh đó, Chính Nhật lâm bệnh và qua đời ở tuổi 69.

Việc qua đời khá sớm và có phần đột ngột của Chính Nhật đã dẫn đến việc chuẩn bị người kế vị cũng khá vội vàng. Chính Nam từng được coi là thái tử đương nhiên đã bị phế truất vì một bê bối hộ chiếu giả. Người con trai thứ hai bị coi là không đủ phẩm chất, nên Chính Ân đã được chọn lựa.

2 vị tổng thống được cho là sẽ có cuộc gặp vào tháng 5 tới

Nếu như Chính Nhật có hơn 10 năm để gây dựng uy tín thì Chính Ân chỉ có 1-2 năm, lại lên khi còn quá trẻ, có lẽ chỉ 27 tuổi, mặc dù truyền thông cố tình mập mờ thông tin về tuổi của ông. Việc Chính Ân quá non nớt mang đến những hệ lụy cả về đối nội lẫn đối ngoại. Về đối ngoại, Trung Quốc với tư cách là nước đỡ đầu của Bắc Hàn, cũng tìm cách lũng đoạn chính quyền. Trong khi đó, các quan chức chóp bu rõ ràng đã không tuân phục. Sáu năm qua có thể coi là thời gian mà Chính Ân đã phải làm tất cả những gì có thể khẳng định quyền lực độc tôn, ông cho xử tử một số Ủy viên Bộ chính trị, Đại tướng, kể cả ông chú dượng. Bên ngoài, Chính Nam cũng không được tha và điều này có lẽ đã mếch lòng Trung Quốc vì người ta cho rằng Trung Quốc đang “nuôi” ông anh cho những mục đích nào đó. Nếu như đời ông và đời bố thường xuyên sang thăm Trung Quốc thì Chính Ân chưa một lần. Đến nay, Trung Quốc “theo đuôi” Mỹ thực thi cấm vận biên giới với Bắc Hàn thì quan hệ hai nước đã xấu đi nghiêm trọng.

Điều gì sẽ xảy ra khi bác Chăm và cháu Ủn đi uống rượu với nhau? Đó là phi hạt nhân hóa ? Chưa chắc đó là điều Mỹ thực sự muốn. Bắc Hàn yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Nam Hàn ? Mỹ cũng có thể chấp nhận vì với 10 hàng không mẫu hạm, về mặt kỹ thuật quân sự, Mỹ không cần lắm việc có căn cứ quân sự ở đất liền. Vấn đề thống nhất Triều Tiên nghe có vẻ trời ơi đất hỡi, với viễn cảnh một đất nước Triều Tiên hùng mạnh, tiếp thu kỹ nghệ và nền kinh tế tiên tiến của Nam Hàn, cộng với nguồn tài nguyên dồi dào của Bắc Hàn chưa được khai thác, lại có vũ khí hạt nhân nằm cạnh Trung Quốc, liệu có phải là giải pháp tốt?

Điểm đáng chú ý của Chính Ân là thái độ với vợ. Nữ đồng chí Ri được truyền thông nhà nước đưa tin một cách trân trọng nhất. Dễ cho Chính Ân là chỉ có một vợ duy nhất, trong khi cha và ông thì có nhiều vợ nhiều bồ, đồng thời cũng thể hiện tình người trong con người đỉnh cao quyền lực. Cho đến nay, xã hội Bắc Hàn vẫn còn mang màu sắc phong kiến với 3 giai tầng rõ rệt: Vua, quan và dân. Với việc “nặng tay” với các quan, những đồng chí của Chính Ân hiểu rằng họ có thể bị khép tội chết bất kỳ lúc nào. Điều đó đưa Chính Ân vào thế “point of no return”, luôn phải lo lắng đến việc trung thành của những người chung quanh. Đó là một sức ép khủng khiếp về tâm lý, bắt buộc Chính Ân phải tìm giải pháp thay đổi, tìm cách thuận lòng dân.

Trong Đại hội Olympic mùa đông vừa qua, hai đoàn thể thao của hai miền Triều tiên đã đi chung dưới một lá cờ là một hình ảnh rất đẹp. Chắc chắn việc thống nhất là nguyện vọng của người dân hai miền, cũng như nhân loại yêu chuộng hòa bình. Dù con đường còn dài thì cuộc gặp Trump – Kim, trước mắt cũng làm thế giới yên tâm hơn về rủi ro hạt nhân.