Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực: Cơ sở cho các quốc gia tiếp tục bảo vệ chủ quyền chính đáng

0
221

 

Cách đây hơn 1 năm, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường Trực quốc tế (Permanent Court of Arbitration – PCA) đã đưa ra phán quyết cuối cùng vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong số 15 đệ trình chi tiết đưa lên, Hội đồng Trọng tài chỉ chọn 7 điểm phù hợp với thẩm quyển để ra phán quyến, được chia ra làm 3 nhóm vấn đề quan trọng, bao gồm: (1) Bác bỏ chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển mà Trung Quốc bao quanh, gọi tên là “Đường Chín Đoạn”, (2) khẳng định tất cả thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa không có đủ tính chất để xác lập khu đặc quyền kinh tế (EEZ) mà Trung Quốc toan tính và khẳng định lâu nay, cho thấy sự áp dụng UNCLOS sai lầm của Bắc Kinh và (3) phản bác các hoạt động ngăn cấm Philippines hoạt động xung quanh bãi cạn Scarborough, lên án hành động đào bới đảo nhân tạo, ảnh hưởng môi trường biển.

Ý nghĩa lịch sử và giá trị của Phán quyết Tòa Trọng tài

Phán quyết của Tòa Trong tài vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông có một ý nghĩa lịch sử to lớn khi mà lần đầu tiên một thiết chế Tòa án quốc tế đã bác bỏ những cơ sở mà Trung Quốc luôn dựa vào để đưa ra các lập luận và hành động ở Biển Đông từ trước đến nay.

Phán quyết không chỉ giải quyết vấn đề cho riêng Philippines là bên nguyên đơn, mà liên quan đến toàn bộ cuộc tranh chấp ở Biển Đông, tạo ra cơ sở thuận lợi cho các nước nhỏ như Việt Nam, Philippnes về cơ hội sử dụng cơ quan trọng tài quốc tế phân xử tranh chấp. Điểm có lợi nhất cho cuộc đấu tranh chung ở Biển Đông chính là tòa đã bác bỏ các quyền lịch sử và giá trị “đường chín đoạn” mà Trung Quốc yêu sách. Đồng thời, khẳng định quyền lịch sử Trung Quốc đưa ra đối với các tài nguyên Biển Đông trong khu vực “đường chín đoạn” là lỗi thời và đã bị các quốc gia xóa bỏ khi Công ước Liên hiệp Quốc về luật biển ra đời.

Bên cạnh đó, Philippines đã đề nghị Tòa Trọng tài xác định quy chế pháp lý cho các cấu trúc này nhằm kết luận về phạm vi vùng biển mà các cấu trúc này được hưởng. Kết luận quan trọng của Tòa là không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng, cụ thể các cấu trúc ở Trường Sa đều không thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế, hay thềm lục địa.

Trên cơ sở đó, phán quyết đã ngăn ngừa việc các cấu trúc không lớn ở Biển Đông có thể tạo ra các vùng biển lớn, điều này có thể xâm phạm vào vùng biển của các quốc gia khác và góp phần ngăn Trung Quốc mở rộng quyền tài phán với việc hình thành vùng đặc quyền kinh tế tính từ các cấu trúc do Trung Quốc chiếm đóng trái phép, triển khai xây dựng và cải tạo ở Biển Đông.

Quan điểm của Australia đối với Phán quyết Tòa trọng tài và tự do hàng hải

Tháng 7/2016, ngay sau khi Tòa trọng tài công bố phán quyết, Bộ Ngoại giao Australia đã ra thông cáo báo chí kêu gọi các bên tuân thủ tuyên bố, “Chính phủ Australia kêu gọi Philippines và Trung Quốc tuân thủ phán quyết, vì đây là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc đối với cả hai bên”.

Theo Australia, Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines được thành lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Quyết định của tòa không phải về chủ quyền mà về các quyền trên biển theo quy định của công ước. Đồng thời, Australia khẳng định ủng hộ quyền của tất cả các nước về tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có công ước.

Cho đến nay, Australia vẫn giữ vững quan điểm của mình như Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói về tự do hàng hải trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2017 “Lập trường của Úc là cần phải có môi trường xung quanh mình được định hình bởi thị trường mở và dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và ý tưởng. Tức là tự do hàng hải không bị thách thức và các quyền của các quốc gia nhỏ là không bị ngăn cản”.

“Những bất đồng được giải quyết bằng đối thoại phù hợp thông qua luật lệ được đồng thuận và các định chế có tổ chức.

“Đây là một thế giới mà cá lớn không nuốt hoặc hù dọa cá nhỏ. Điều này có nghĩa hợp tác chứ không hành động đơn phương để chiếm giữ hoặc hình thành lãnh thổ hoặc quân sự hóa khu vực có tranh chấp. Điều này có nghĩa cạnh tranh trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”, ông Turnbull phát biểu trong bài diễn văn nhập đề tại Singapore.

Bên cạnh đó, Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc, bà Julie Bishop, đã từng phát biểu: “Phán quyết của Toà Trọng Tài là tối hậu và có tính cách bắt buộc đối với cả hai bên. Trung Quốc sẽ phải trả giá rất đắt nếu phớt lờ phán quyết. Phớt lờ phán quyết là một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”, và nhấn mạnh “uy tín của Trung Quốc sẽ bị tổn hại nặng nề, và quan hệ với cộng đồng thế giới là cực kỳ quan trọng nếu Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường”.

Ngoại trưởng Julie Bishop phát biểu tại diễn đàn của Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ADR ở thủ đô Manila, Philippines: “Chúng tôi tin rằng ASEAN cần thúc đẩy để bộ quy tắc ứng xử có hiệu lực. Trên cương vị của mình, tôi sẽ thúc giục ASEAN tiến xa hơn và hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử càng sớm càng tốt”.

Theo bà Bishop, việc xây dựng một bộ quy tắc có tính khả thi hoàn toàn có thể dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 được đưa ra hồi năm ngoái.

Nhiều ngày trước khi các quan chức quốc phòng châu Á gặp nhau tại Singapore trong Đối thoại Shangri-la thường niên, Mỹ đã thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) trên Biển Đông đầu tiên trong năm nay. Ngày 24/5, tàu khu trục tên lửa USS Dewey đã tiếp cận gần phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo trái phép của Việt Nam.

Về cơ bản FONOPs không mang ý nghĩ đối đầu, gây hấn và không thay đổi hiện trạng Biển Đông, nhưng chúng sẽ nhắc nhở Trung Quốc và các quốc gia khu vực rằng các quy tắc về chủ quyền trên biển sẽ vẫn dựa theo các tiêu chuẩn quốc tế được quy định của UNCLOS chứ không phải trong “sự tưởng tượng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cái gọi là chủ quyền không thể chối cãi trên gần như toàn bộ Biển Đông”.

Qua đó, Ngoại trưởng Julie Bishop cũng ủng hộ chiến dịch FONOPs và kêu gọi Tổng thống Donald Trump tăng cường vai trò của Mỹ trong khu vực vì lo ngại căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

“Australia lo ngại về hành động của Trung Quốc tiếp tục xây dựng, quân sự hóa các cấu trúc (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là tốc độ và quy mô hoạt động của họ.

Chúng tôi không đứng về bên nào trong các bên yêu sách tranh chấp lãnh thổ, và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các quyền của mình theo luật pháp quốc tế về tự do hàng hải, hàng không.

Chúng tôi bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển và bay qua trên không và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó dựa trên luật pháp quốc tế”, bà Julie Bishop nhấn mạnh.