Sinh viên Úc rèn kỹ năng lãnh đạo như thế nào?(P.1)

0
160

So với sinh viên Úc thì sinh viên Việt Nam giống như những đứa trẻ chậm lớn, thiếu chủ động, kém sáng tạo và vô trách nhiệm với quyền lợi của chính mình.

Trong năm 2015 vừa qua, thắng lợi lớn nhất của sinh viên Úc là đã đánh bại được dự luật cắt giảm ngân sách đại học của chính phủ (fee deregulation). Nói đơn giản thế này, chính phủ Úc muốn cắt tiền chi ở mảng giáo dục, để cho các trường đại học tự chủ thu chi và tự quyết định mức học phí của sinh viên. Nếu dự luật này được thông qua, sinh viên sẽ trả ngót nghét 100 ngàn đô la Úc (1.6 tỷ đồng Việt Nam) cho bốn năm học của mình.

Đề xuất này làm sinh viên rất phẫn nộ và biểu tình ở Melbourne
                 Đề xuất này làm sinh viên rất phẫn nộ và biểu tình ở Melbourne

Sinh viên Úc đâu có chịu, liền rầm rập mít tinh, biểu tình khắp nơi. Cựu thủ tướng Tony Abbott đi công vụ ở Melbourne ngày nào là sinh viẻn đại học Melbourne, RMIT, Monash… kéo đến biểu tình ngày đó. Không chỉ vậy, họ còn viết bài, in bích chương phân tích rõ ràng việc để trường tự chủ thu chi sẽ ảnh hưởng đến mức độ phổ cập giáo dục, tỉ lệ thất nghiệp và nội lực kinh tế như thế nào. Tháng 9 vừa qua, tân thủ tướng Malcolm Turnbull vừa kế nhiệm, hãi quá đã tuyên bố bỏ ngay dự luật trên.

Trong khi đó, sinh viên Việt Nam vẫn hài lòng với nền giáo dục đại học èo uột, cải cách nửa vời, và chỉ phấn đấu đạt cho được Sinh Viên 5 Tốt để nhận chút “học bổng” làm vui.

Cách đây 7 năm, tôi học khoa Anh tại trường Nhân Văn. Mang tiếng là chuyên ngữ nhưng chương trình học chỉ dừng ở mức intro to everything, tức là nhập môn dịch thuật, giảng dạy, văn học… mỗi thứ một chút vì đã lỡ dành 2 năm đầu cho các môn vô bổ như… thể dục, triết học, và ti tỉ thứ khác—những môn lẽ ra phải hoàn thành ở cấp trung học để dành toàn tâm toàn ý cho chuyên ngành mà sinh viên đã chọn cho tấm bằng đại học của mình. Giờ đi làm, biết quý đồng tiền thì nghĩ lại sao thấy phí cho số tiền học đã bỏ ra quá. Vậy mà hồi đó chẳng ai hó hé gì.

Ở Đại học Melbourne, mỗi học kỳ sinh viên được chọn 4 môn; cả chương trình học bao gồm môn bắt buộc (core), môn tự chọn (elective) và môn mở rộng (breadth). Với môn mở rộng, sinh viên được chọn khác với chuyên ngành của mình, ví dụ một sinh viên ngành Dược có thể chọn môn Sáng tác Văn học hoặc Âm nhạc để mở rộng tư duy. Như vậy, sinh viên vừa vững chuyên môn, lại giàu hiểu biết và được thiết kế thời khoá biểu sao cho phù hợp với mình nhất.

Trường Melbourne có riêng một phòng ban gọi là Global Mobility, chuyên hỗ trợ cho những sinh viên muốn đi trao đổi văn hoá với một trường đại học ở nước khác. Sinh viên tự tìm hiểu các trường liên kết với đại học Melbourne, tự chọn môn học, sau đó email cho người phụ trách khoá học thuyết phục vị đó cho họ đi trao đổi trong vòng một học kỳ.

Sinh hoạt phí nơi xứ người, sinh viên Úc tự lo, trường đôi khi cũng hỗ trợ 1000 đô nhưng dĩ nhiên là không thấm vào đâu. Mà có hề gì, sinh viên Úc vẫn đi trao đổi bên Nhật, Mỹ, Âu Châu… như trẩy hội. Mùa hè, họ “cày” 2, 3 chỗ để dành tiền để đi mà trải nghiệm. Một anh bạn Úc đã tự hào khoe với tôi anh đã tự trang trải chuyến trao đổi văn hoá tại Nhật bằng tiền làm thêm như thế nào.

Những cơ hội trao đổi văn hoá như thế ở Việt Nam không những ít, mà tiếc thay, còn bị bóp nghẹt bởi thói quan liêu trong môi trường giáo dục. Tôi còn nhớ như in hồi năm 2 học tại Nhân Văn, mang tiếng khoa ngoại ngữ nhưng ban quản lý lại cực kỳ kém cởi mở khi sinh viên có cơ hội ra nước ngoài. Đầu năm học, vừa trở về từ chuyến trao đổi văn hoá tại Mỹ do tôi tự tìm hiểu và đăng ký trong mấy tháng hè, tôi đã được ưu ái mời lên văn phòng khoa viết tường trình vì đã… không xin phép bà trưởng khoa trước khi đi. Thôi thì mấy năm sau, tôi đành vui lòng với các cơ hội tiếp xúc với văn hoá ngoại bang mà khoa hay tổ chức: tức chào đón các đoàn sinh viên nước ngoài tới thăm trường và ca hát giao lưu.

Đăng Trình