Sinh viên Úc rèn kỹ năng lãnh đạo như thế nào?(P.2)

0
174

Tiền nhân đất Việt có một lời khuyên rất nguy hiểm: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.” Đã không biết mà còn im ỉm đấy thì làm sao thiên hạ dạy khôn cho được?

Tôi còn nhớ trong một môn học truyền thông tại Đại học Melbourne, giảng viên hỏi có ai biết metadata là gì không? Ai rành về truyền thông trực tuyến ắt biết metadata là các dòng thông tin ngắn về một website, được hiển thị trên trang tìm kiếm Google để người đọc nắm ý chính về website ấy. Thế nhưng cũng trong thời điểm đó, báo chi Úc đang lùm xùm việc chính phủ ra quy định các nhà mạng phải lưu giữ thông tin các cuộc gọi, tin nhắn, email… (cũng gọi là metadata) của khách hàng trong vòng 2 năm. Thế là một cô bạn Úc nhanh nhảu giơ tay định nghĩa metadata theo những gì cô đọc trên báo.

Như vậy, theo tư tưởng Việt Nam, cô sinh viên ấy vừa không “biết”, vừa chẳng “dựa cột mà nghe”. Thế nhưng, ở một góc độ khác, việc đưa ra ý kiến như vậy lại cho thấy, sinh viên Úc không ngại sai, cũng chẳng ngại “quê”. Sinh viên trường Melbourne đến từ nhiều ngành nhiều nghề, nhiều nền văn hoá, thậm chí là nhiều quốc gia khác nhau—làm sao mà một người có thể biết hết mọi thứ cho được? Chính vì thế nên việc tranh luận cởi mở và nói lên ý kiến của mình sẽ có lợi rất nhiều, cho mình cũng như cho bạn học. Không có câu trả lời nào là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai cả—tất cả chỉ là những góc nhìn khác nhau của cùng một vấn đề.

Thứ nữa là cô không sợ “quê.” Người Việt từ tấm bé đã bị áp lên mình cảm giác sợ sệt khi trả lời không đúng ý giáo viên. Mọi tư duy phản biện đều đóng khung vào cái hộp be bé mang tên Ghi Nhớ ở cuối bài đọc, thứ bạn phải học thuộc lòng để tuần sau lên khoanh tay trả bài. Đến mức một môn đầy cảm tính và rung động chân chất như văn chương còn phải cần đến thang điểm, thì ôi thôi, rèn cho được một tiếng nói riêng, một suy nghĩ độc lập còn khó đến đâu?

Mặc cảm sợ sai, sợ “quê” dẫn đến sự ù lì trong suy nghĩ của sinh viên Việt Nam nói riêng, và Châu Á nói chung. Trong môn Kỹ năng viết báo, chúng tôi được giao bài tập viết một bản tin nóng 500 chữ về một vấn đề hoặc sự kiện sốt dẻo tại địa phương. Trong lúc tụi sinh viên bản địa viết về nạn xâm phạm tình dục đối với nhân viên nữ trong môi trường y tế, trào lưu kiếm việc trong vũ trường của các nữ sinh viên quốc tế, hay dự luật cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu khoa học, thì các bạn sinh viên châu Á hồn nhiên viết về… các khó khăn sinh viên quốc tế gặp phải vì nói tiếng Anh chưa sõi (Hả?!)—một vấn đề mà báo chí đã bàn đến cũ mèm.

Bên cạnh sự năng động, cởi mở trong lớp học, sinh viên Úc còn tích cực tham gia các hoạt động đội nhóm, tình nguyện để rèn luyện kỹ năng lãnh đạo và áp dụng các kiến thức hàn lâm vào môi trường thực tế. Đại học Melbourne có hơn 250 câu lạc bộ lớn nhỏ, đều do sinh viên tự lập ra và liên kết với hội sinh viên (student union) hoặc trung tâm thể thao trường. Từ trao đổi văn hoá, ngôn ngữ, âm nhạc, ẩm thực, thể thao, tâm linh, cộng đồng… đều có cả.

Nếu muốn lập một câu lạc bộ mới, bạn chỉ cần kiếm đủ 50 chữ ký ủng hộ, sau đó nộp lên student union xin lập hội, rồi tổ chức họp các thành viên để bầu ra ban trị sự. Từ trưởng hội, phó hội, thư ký, thủ quỹ… tất cả đều do sinh viên bầu ra và đảm nhiệm. Hội tự cân đối thu chi, tự xin hỗ trợ tài chính, tự thực hiện các hoạt động quảng bá để thu hút thành viên. Cãi nhau, bất đồng chính kiến xảy ra như cơm bữa, nhưng nhờ thế mà sinh viên được làm quen với tác phong chuyên nghiệp từ rất sớm, cũng như học được các kỹ năng tổ chức, đàm phán, truyền thông…

Sinh viên Úc cũng tự lập ra các tờ báo của mình, như Farrago Magazine (Đại học Melbourne), Catalyst Magazine (Đại học RMIT), Meld Magazine (Cộng đồng sinh viên quốc tế)… để tường thuật các sự kiện, hoạt động hay dự luật liên quan đến sinh viên, cũng như đại diện cho tiếng nói sinh viên trước các vấn đề như chất lượng học tập, nhà ở, thi cử… Tờ Escritor của đại học Melbourne còn có một chuyên mục để sinh viên đi trước đánh giá các môn học và giảng viên, để đàn em còn biết mà chọn hay né nữa.

Trong một diễn biến khác, tại đại học Việt Nam, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên vẫn không ngừng nghỉ trong cuộc chiến lôi kéo sinh viên đóng lệ phí và tham gia các hoạt động của mình. Hầu hết sinh viên Việt Nam chọn đóng lệ phí cả hai bên cho lành. Bạn nào năng động chịu khó hơn thì tham gia văn nghệ mừng đảng mừng xuân ngoài giờ học.

Đăng Trình