Úc thiệt thòi khi hạn chế nhà đầu tư Trung Quốc

0
234
Ausgrid đã được bán cho hai quỹ đầu tư trong nước, thay vì bán cho nhà đầu tư Trung Quốc, với mức giá thấp hơn

(Báo Úc) Úc vừa phát hiện ra cái giá của việc ngăn chặn đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Minh chứng rõ nhất là ở vụ việc chính quyền bang New South Wales bán 50,4% cổ phần trong hãng mạng lưới điện Ausgrid cho hai quỹ địa phương trong thỏa thuận định giá toàn bộ doanh nghiệp, bao gồm nợ, ở mức 20,8 tỉ đô la Úc (AUD), tương đương 16 tỉ USD.

Cách đây hai tháng, chính phủ liên bang cấm bang New South Wales chấp nhận lời đề nghị từ công ty State Grid của Trung Quốc, vốn định giá doanh nghiệp nhà ở mức 25,1 tỉ AUD, vì lý do an ninh quốc gia.

Sự khác biệt cho thấy mức giá mà Úc phải đánh đổi trong việc hạn chế quyền sở hữu cơ sở hạ tầng nhạy cảm trong phạm vi người mua trong nước giữa lúc dân Úc công khai chống đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là từ các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.

Việc bán Ausgrid cũng gây ra nhiều nghi ngờ về độ cởi mở của Úc trước các khoản đầu tư ngoại, gây nhầm lẫn về cơ chế quản lý của nước này.

“Quá trình đã không được vận hành tốt như lẽ ra nó phải được. Nó có thể làm chính phủ tiêu tốn khoản tiền đáng kể”, Giáo sư Hans Hendrischke tại Trường Kinh doanh Đại học Sydney, người chuyên về đầu tư của Trung Quốc vào Úc cho hay.

AustralianSuper, quỹ hưu trí quốc gia lớn nhất Úc, và IFM Investors, nhà quản lý tài sản cơ sở hạ tầng lớn nhất Úc, đồng ý trả 1,4 lần giá trị cơ sở tài sản theo quy định của Ausgrid, theo CEO Brett Himbury của IFM.

Doanh nghiệp Trung Quốc State Grid thì đề nghị bội số 1,7 lần, theo nguồn tin nắm rõ vụ đấu thầu. Giá trị cơ sở tài sản của Ausgrid là 14,75 tỉ AUD trong năm tài khóa 2016, theo số liệu từ chính quyền bang.

Hồi tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Scott Morrison chặn lời ngỏ mua của State Grid và một gói thầu riêng từ hãng Cheung Kong Infrastructure Holdings (CKI) ở Hồng Kông. CKI, doanh nghiệp của tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành, từng cho hay họ lúng túng trước quyết định của Úc, trong khi phía Đại lục thì nói quyết định trên sẽ giảm “đáng kể” sự thèm thuồng đầu tư vào công ty Úc của doanh nghiệp Trung Quốc và làm tổn thương quan hệ song phương.

New South Wales, bang đang bán tài sản để tài trợ cho các khoản đầu tư vào trường học, bệnh viện, đường sá, nhận được lời đề nghị bất ngờ từ AustralianSuper và IFM vào tháng trước, quyết định không mở quá trình gọi thầu công khai lần thứ hai.

Úc đang tìm cách cân bằng giữa nhu cầu đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tâm lý phản đối việc bán cơ sở hạ tầng chiến lược, đất nông nghiệp và bất động sản cho nhà đầu tư ngoại đang gia tăng.

Dù Úc cần dòng vốn ngoại, chính phủ nước này được cho là đang làm khó người nước ngoài trong việc đầu tư. Năm ngoái, họ thắt chặt giám sát lượng đất nông nghiệp bán cho bên mua Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nỗ lực thâu tóm công ty ngoại ở mức kỷ lục của doanh nghiệp Trung Quốc đang vấp phải nhiều “chướng ngại vật”. Giới chính trị gia phương Tây lo ngại về tác động tiềm năng từ cơn bão mua sắm của Đại lục.

Thanh Hường/Theo Thanh Niên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: