Tại Biển Đông, các bên liên quan đều tuyên bố tuân thủ luật pháp quốc tế, song cách diễn giải luật khác nhau thực sự tạo ra thách thức lớn đối với hợp tác khu vực.
Vai trò của tòa trọng tài
Để hiểu rõ hơn về vai trò của PCA thông qua các vấn đề tranh chấp tại Biển Đông và Phán quyết của Tòa trọng tài mới đây được coi là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các bên có tuyên bố chủ quyền hay không. Chúng ta hãy xem xét quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý của quần đảo Trường Sa mà Tòa trọng tài đã tuyên:
Các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải 12 hải lý, trong khi các cấu trúc chìm khi thủy triều lên cao sẽ không tạo ra quyền như vậy.
Phán quyết phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng và dựa vào các tài liệu lịch sử để đánh giá các cấu trúc. Các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa, nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và không có đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.
Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Tòa cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.
Vậy bãi cạn Vành Khăn, Cỏ Mây… là những rạn san hô, bãi cát ngầm ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển được tòa xác định là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế theo đề nghị của Philippines có ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa nói chung hay hai thực thể này nói riêng hay không?
Về vấn đề này, Tòa đã nói rất rõ: Phán quyết của tòa không giải quyết vấn đề chủ quyền/phân định biển. Vậy có thể hiểu là riêng vấn đề chủ quyền đối với Vành Khăn, Cỏ Mây thì tòa không ra phán quyết, mà sẽ được các bên liên quan giải quyết về vấn đề chủ quyền lãnh thổ theo nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ. Lúc đó sẽ phải chứng minh Vành Khăn, Cỏ Mây… về mặt địa chất, địa mạo là một phần của Trường Sa hay một phần thềm lục địa của một quốc gia nào đó theo quy định của UNCLOS 1982.
Như vậy, phán quyết của Tòa trọng tài đã cung cấp và giải thích cho chúng ta những khái niệm pháp lý rất chính xác và rõ ràng; có thể được xem như là một phụ lục của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982; giúp cho chúng ta có căn cứ pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông trước những tính toán giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982 của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông, không chỉ những nội dung mà phán quyết Tòa trọng tài đã tuyên, mà còn các nội dung khác nữa.
Phán xét của PCA liên quan đến những vụ việc tranh chấp đã được nhiều quốc gia ghi nhận và ủng hộ. Đơn cử như vụ việc Philippin và Trung Quốc về vụ kiện “đường lưỡi bò”, Mỹ đã kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của PCA. Theo đó, vào tháng 7-2016, Reuters dẫn lời ông Abraham Denmark, quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc phụ trách Đông Á cho biết: “Chúng tôi hối thúc cả hai bên tuân thủ phán quyết và kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền tránh hành động hay phát ngôn khiêu khích”.
Ông Denmark nói đây sẽ là cơ hội để xác định “liệu tương lai của châu Á – Thái Bình Dương sẽ được định hình bằng sự tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế vốn đã giúp tạo điều kiện phát triển thịnh vượng, hay tương lai khu vực sẽ do những toan tính quyền lực bất công quyết định”.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, vào tháng 7/2016 Bộ Ngoại giao Australia ra thông cáo báo chí bày tỏ quan điểm của nước này trước việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố phán quyết về “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc ngang nhiên vẽ ra ở Biển Đông để áp đặt chủ quyền.
Chính phủ Australia kêu gọi Philippines và Trung Quốc tuân thủ phán quyết, vì đây là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc đối với cả hai bên”, thông cáo cho hay.
Theo Australia, Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines được thành lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Quyết định của tòa không phải về chủ quyền mà về các quyền trên biển theo quy định của công ước.
Australia khẳng định ủng hộ quyền của tất cả các nước về tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có công ước.
“Tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền đều hưởng lợi lớn từ trật tự quốc tế dựa vào luật pháp. Tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á, như đã có trong nhiều năm nay”, thông cáo nêu rõ.
Không che đậy quân sự hóa Biển Đông
Hiện nay, các quốc gia đang lo ngại việc Trung Quốc dùng kinh tế che đậy việc quân sự hóa Biển Đông. Phát biểu tại Sydney 5-6-2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Mỹ và Australia nhấn mạnh cam kết của họ đối với tự do hàng hải, hàng không và việc tận dụng nguồn lợi biển theo đúng luật pháp.
“Cụ thể là tại Biển Đông và những nơi khác, nhằm giúp lưu thông thương mại hợp pháp được thông suốt và đảm bảo trật tự dựa trên luật pháp. Chúng tôi phản đối việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và các hoạt động quân sự hóa của họ”, ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.
Ông giải thích rằng Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và thương mại, Mỹ và Australia hy vọng có một mối quan hệ hiệu quả với Bắc Kinh nhưng “không thể cho phép Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để che đậy những vấn đề khác, như việc họ có quân sự hóa tại Biển Đông hay không hay việc họ không gây đủ áp lực lên Triều Tiên”.
“Họ (Trung Quốc) phải nhận ra rằng vai trò của một nền kinh tế đang lên và cường quốc thương mại phải đi cùng với trách nhiệm an ninh”, ông Tillerson phát biểu.