Vì sao người dùng smartphone ngày càng lười nâng cấp máy mới?

0

Vietucnews – Doanh thu sụt giảm của Apple, Samsung cùng nhiều nhà sản xuất smartphone lớn trên thế giới là kết quả của nhiều nguyên do, nhưng một trong số đó phải kể đến việc người dùng chậm nâng cấp thiết bị của họ. Đối với ngành công nghiệp smartphone, đây là vấn đề nóng và ở một số khu vực, tình trạng này đang khiến các hãng đứng ngồi không yên.

Doanh thu các hãng có xu hướng giảm

Cụ thể hơn cả, ở Mỹ và châu Âu, vòng đời trung bình của một chiếc smartphone đang tăng dần. Theo thống kê của Kantar Worldpanel. Năm 2016, trung bình một người Mỹ dùng chiếc điện thoại của họ trong 22,7 tháng trước khi nâng cấp lên thiết bị mới. Năm 2018, con số này đã tăng lên 24,7 tháng, nghĩa là trung bình người Mỹ dùng chiếc smartphone của họ hơn 2 năm trước khi nâng cấp.

Các hãng ra mắt smartphone đều đặn hàng năm, nhưng cứ 2 năm mới có người đổi máy mới, doanh thu sụt giảm là điều tất yếu.

Thậm chí ở châu Âu, con số này còn cao hơn. Số liệu của Kantar Worldpanel thống kê tại 5 quốc gia Pháp, Đức, Anh, Ý và Tây Ban Nha cho thấy khoảng thời gian người dùng smartphone trung thành với thiết bị của họ tăng từ 23,4 tháng lên 26,2 tháng trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2018.

Cá biệt tại Anh, năm 2018, trung bình một người dùng chiếc điện thoại của họ 27,7 tháng, gần 2 năm rưỡi mới chịu đổi máy mới.

Trong khi đó ở Trung Quốc, khoảng thời gian trung bình này ngắn hơn nhiều, 20,2 tháng vào năm 2016 tăng nhẹ lên 21 tháng vào năm 2017 và 2018.

Vì sao càng lúc con người càng dùng smartphone lâu hơn?

Theo các chuyên gia, sở dĩ người tiêu dùng ngày càng lười nâng cấp smartphone chính là vì mức giá ngày càng tăng của những chiếc điện thoại thông minh. Ở thời điểm hiện tại, những người dùng smartphone tại các nước phát triển đều đã qua thời kỳ làm quen với smartphone, không chạy đua nâng cấp nữa mà thay vào đó, họ tìm thấy cho mình sản phẩm đủ tốt để gắn bó một thời gian dài.

Dominic Sunnebo, giám đốc Kantar Worldpanel cho rằng: “Thời kỳ những chiếc smartphone chất lượng thấp ở châu Âu đã kết thúc. Hầu hết người tiêu dùng đều đánh giá cao thiết bị họ đang sở hữu, vì thế nhu cầu nâng cấp thay đổi máy mới cũng bị lu mờ.”

Bản thân người tiêu dùng châu Âu cũng tin rằng, những chiếc smartphone đắt tiền mới ra mắt cũng không có nhiều thay đổi mang tính đột phá tới trải nghiệm sử dụng của họ. Họ đang dùng quen chiếc điện thoại vốn đã rất tốt, nên cũng chưa cần đổi.

Gerrit Schneemann, hiện đang làm nhà phân tích cho IHS Markit thì cho rằng, những thiết bị ngày càng tân tiến, và chúng “đủ tốt” trong một khoảng thời gian dài. Trường hợp này đặc biệt đúng với Apple, hãng này hỗ trợ những thiết bị đời cũ tốt hơn nhiều so với những đối thủ trên thị trường smartphone: “Họ đặt ra mức giá cao cho iPhone và bù lại là vòng đời sản phẩm dài, đó là thứ tạo nên khác biệt cho thương hiệu của họ.”

Xu hướng tăng giá flagship, và vòng đời sản phẩm bất hợp lý

Không chỉ riêng iPhone, hầu hết các hãng đều có sản phẩm cao cấp nhất với cái giá ngót nghét 30 triệu đồng. Theo Sunnebo, trong 3 năm vừa rồi, giá bán flagship smartphone của ba cái tên dẫn đầu thị phần smartphone toàn cầu là Apple, Samsung và Huawei đã tăng 52%. Tăng gấp rưỡi như vậy một chiếc máy cao cấp tăng từ 20 triệu lên 30 triệu chỉ trong vỏn vẹn vài năm trời.

Chính điều đó đã khiến người tiêu dùng dè dặt với việc nâng cấp, mua máy mới. Riêng tại thị trường châu Âu, thay vì mua máy với mức giá rẻ và ký hợp đồng với nhà mạng, người dùng thường muốn bỏ tiền mua đứt chiếc máy cho thoải mái. Chính vì thế, người tiêu dùng cứ dùng máy đến lúc hỏng hoặc mất, hay đến khi thích đổi mới mua máy mới, không chạy theo công nghệ như xưa nữa.

Chính việc không bị nhà mạng ràng buộc như tại châu Á hay Mỹ, dân châu Âu đang góp phần phá hỏng định hướng vòng đời sản phẩm 1 năm đổi máy 1 lần của các hãng smartphone.

Ở một khía cạnh khác, khả năng trả góp smartphone là một hướng đi để nhà mạng và nhà sản xuất thiết bị kích cầu những chiếc điện thoại đắt tiền. Tuy nhiên tác dụng phụ của nó chính là, anh em sẽ phải trả hết tiền mua máy rồi mới được đổi.

Quá trình này diễn ra cũng phải cỡ 2 năm đến 30 tháng cho một chiếc smartphone hơn nghìn Đô, với chi phí trả góp 35 Đô mỗi tháng. Schneeman dự đoán, xu hướng này rồi sẽ lan sang châu Á, và Trung Quốc, thị trường smartphone tỷ dân.

Các hãng nên làm gì?

Schneeman cho biết, giữa thời kỳ người Mỹ và châu Âu đang lười nâng cấp smartphone như hiện nay, các hãng phải tăng giá flagship ra mắt hàng năm để bù lại phần doanh thu bị thâm hụt. Trớ trêu, chính cái giá nghìn Đô của những chiếc điện thoại mới lại là thứ khiến người tiêu dùng e dè.

Nguồn: tinhte.vn

Theo báo cáo của Deloitte vào năm 2017, tại các nước phát triển, cứ 10 người dân dùng di động thì có 8 người xài smartphone. Trong khi đó tại các nước đang phát triển, con số này là 82% thị phần điện thoại di động.

Trong tương lai gần, nhiều khả năng 5G sẽ là thứ giúp kích cầu thiết bị smartphone cho các thương hiệu lớn, khi người sử dụng buộc phải đổi sang những chiếc máy có trang bị modem 5G để trải nghiệm công nghệ viễn thông với tốc độ rất cao này. Tuy nhiên, 5G không phải bụp một cái xuất hiện trên toàn thế giới, vì thế xu hướng này sẽ diễn ra tương đối chậm chạp.

Nguồn: tinhte.vn