Sau bão số 12, gia đình ông Nguyễn Khoái ở Nha Trang bị tốc mái nhưng khi sửa chữa thì bị chính quyền địa phương tháo dỡ vì làm sai kết cấu cũ.
Theo ông Khoái, 73 tuổi, toàn bộ phần mái của ngôi nhà của ông và 3 gia đình khác ở 69 Yersin đã bị bão số 12 phá tan, chưa kể còn phá vỡ tường, đồ đạc,…
Vào ngày 8/11, ông Khoái mua sắt để thay cho các cây gỗ đã bị bão đánh gãy và lợp lại mái tôn để có nơi trú ngụ.
Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau UBND phường Phương Sài đến lập biên bản và yêu cầu ông Khoái ngừng sửa chữa vì “thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị”.
Đến sáng 10/11, chủ tịch UBND phường Phương Sài ra quyết định “đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với nhà 69 Yersin do ông Nguyễn Khoái làm chủ đầu tư”!
Quyết định này cho rằng ông Khoái đã tổ chức xây dựng công trình không có giấy phép, đồng thời chủ tịch phường này cũng yêu cầu công an phường cấm các phương tiện chở vật liệu xây dựng vào nhà ông Khoái.
Chiều cùng ngày, chủ tịch phường Phương Sài lại tiếp tục ra thêm quyết định với các yêu cầu bổ sung như quá thời hạn 3 ngày từ ngày ra quyết định không tự tháo dỡ thì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ.
Theo đó, lực lượng phường này tập trung tại nhà ông Khoái buộc gia đình ông phải tháo dỡ ngay phần nhà đang sửa chữa. Một số người còn thu giữ đồ đạc, vật dụng của gia đình ông.
“Bão quét tan tành nhà cửa của tôi, không còn nơi thờ cúng ông bà, đồ đạc cũng không có chỗ để. Tôi vừa bị bệnh tai biến nên phải nhờ con cháu cùng nhau sửa lại nhà để 16 người trong gia đình ở tạm. Vậy mà chính quyền gọi tôi là chủ đầu tư công trình vi phạm, rồi kéo hàng chục người đến ngăn cản chúng tôi sửa nhà. Ngay cả thứ bảy, họ cũng kéo hàng chục người đến bảo tôi phải tháo dỡ ngay rồi thu giữ vật dụng sửa nhà của gia đình…”- ông Khoái nói.
Ngày 11/11, chủ tịch UBND phường Phương Sài là ông Huỳnh Quang Tú thừa nhận với báo Pháp Luật TP.HCM việc cưỡng chế tháo dỡ phần nhà sửa của ông Khoái.
Theo ông Tú, căn nhà của ông Khoái nằm trên diện tích dự án trường mầm non Kiều Đàm của chùa Thiên Hòa và sửa chữa không theo kết cấu cũ.
Cụ thể, trụ phần mái cũ của nhà ông Khoái được làm bằng gỗ nhưng nay được dựng bằng trụ sắt để lợp lại mái nhà nhằm giúp phần mái kiên cố hơn.
“Khi thiên tai, đối với những nhà sập, địa phương luôn tạo điều kiện cho dân. Người dân không cần làm đơn sửa chữa nhà nhưng với điều kiện phải làm đúng diện tích, làm theo kết cấu cũ”, ông Tú nói.
Có nghĩa là nếu gia đình ông sửa lại nhà bằng gỗ ván thì chính quyền sẽ tạo điều kiện tốt nhất để sửa chữa.
Khi PV báo Pháp Luật TP.HCM trao đổi về trường hợp trên với ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND TP Nha Trang, ông Thọ cho rằng nguyên tắc của các căn nhà trong vùng quy hoạch đều chỉ được khôi phục theo hiện trạng ban đầu.
“Rớt miếng tôn thì chỉ được lợp lại miếng tôn. Dân mình mà giúp cho họ cái này thì họ làm cái khác. Khi đi ra khỏi thì buộc đền bù với giá cao hơn thì nhà nước không có tiền trả”, ông Thọ nói.
“Về nguyên tắc là không để dân đói, khát nhưng khi người ta được cái này thì họ lấn cái khác nữa, sau này kiện cáo, cưỡng chế thì phức tạp. Nếu giải quyết trường hợp này được thì hàng ngàn người khác thì sao?”, ông Thọ nói thêm.
Like Vietucnews.net để cập nhật tin tức mới nhất!
Rosa Nguyen/Theo Pháp luật TP.HCM