Để thành tài khi du học Úc

0
373

Úc là quốc gia được nhiều du học sinh Việt lựa chọn nhiều nhất hiện nay nhưng cuộc sống ở nơi đây không diễn ra suôn sẻ nếu bạn không thực sự cố gắng.

Anh Trương Thành Phát – đang theo học thạc sĩ tại ĐH Monash (Úc) – chia sẻ một số bí quyết để thành tài khi đi du học Úc.

Việc làm thêm

Đây là một yếu tố hết sức quan trọng cho du học sinh. Nhưng cách xin việc tại đây hoàn toàn khác tại Việt Nam. Có hai cách: một là gửi CV online, hai là đi thẳng đến và hỏi chủ tiệm. Người Úc rất dễ, miễn bạn tuân thủ và tôn trọng luật lệ của họ.

Cách thứ hai thì có lẽ hoàn toàn xa lạ với nhiều du học sinh, tuy nhiên đó là cách dễ nhất giúp bạn có việc làm thêm đấy. Ngại ngùng có thể là ban đầu, nhưng xác suất thành công sẽ cao hơn hẳn là ngồi gửi CV và chờ đợi mòn mỏi một cuộc hẹn phỏng vấn.

de-thanh-tai-khi-du-hoc-uc-1
Trương Thành Phát – đang theo học thạc sĩ tại ĐH Monash (Úc)

Nếu bạn vẫn ngại và muốn theo đuổi cách số một, hãy viết một CV hết sức đơn giản gồm ba yếu tố: kỹ năng, thời gian biểu mà bạn có thể làm và cách để liên lạc với bạn. Nên nhớ hai từ “đơn giản” vì nếu bạn khoe bằng cấp trên CV, 90% bạn sẽ được nhà tuyển dụng cho vào danh sách loại bỏ.

Về trường lớp

Hãy đi khám phá từng ngóc ngách cơ sở của trường nơi bạn theo học, đồng thời tham gia ít nhất một câu lạc bộ vì đó là cách giúp bạn hòa nhập với xã hội Úc.

Tôi hiện là thành viên của cộng đồng người Đức và người Úc nói tiếng Đức tại Monash (German Society Monash Uni), câu lạc bộ vẽ Monash (Monash Draw Club), Hội Sinh viên Việt Nam tại Monash (MVISC) và Hội làm vườn của Monash (Monash Farm Uni), và nhờ đó tôi đã có những trải nghiệm thật sự tuyệt vời.

Trước ngày đi du học, tôi đã tham dự buổi huấn luyện hướng dẫn trước khi lên đường du học Úc do Trung tâm Giáo dục quốc tế StudyLink tổ chức.

Tôi được cung cấp các kiến thức rất chi tiết từ khí hậu và thời tiết ở Úc; nên mang theo những gì hoặc không nên mang theo những gì vào Úc; các thủ tục khai báo hải quan tại Việt Nam và Úc; cách hòa nhập cuộc sống và việc làm đến những điều rất quan trọng trong việc học tập như cách nhận sự hỗ trợ cho sinh viên quốc tế, các quy định về visa du học…

Phí đóng chỉ 10 AUD hay 15 AUD cho cả học kỳ hay cả năm. Sẽ có rất nhiều trò vui và cơ hội trải nghiệm nước Úc hơn. Nếu không tham gia, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội đấy!

Về việc học

Hai yếu tố chính để bạn có thể không bị choáng: Anh ngữ và kỹ năng tự học. Nếu bạn có trình độ Anh ngữ khá, việc học đương nhiên sẽ dễ hơn, tuy nhiên bạn cũng sẽ chật vật khá nhiều và đòi hỏi nỗ lực. Bên cạnh đó môi trường ở đấy rèn luyện tính tự học rất cao.

Tôi hiện đang theo học chương trình thạc sĩ tại Monash, và bản thân tôi nhận thấy rằng kỹ năng tự học rất quan trọng, nếu không sẽ khó theo kịp bài vở.

Sẽ có danh sách các loại sách cần đọc cho bạn tham khảo, nhưng nếu bạn chỉ bám vào danh sách đó, bạn sẽ có lượng kiến thức hạn chế, không đáp ứng đủ cho yêu cầu của môn học.

Học thạc sĩ có thể không cần thi cuối kỳ, nhưng bạn phải viết luận để kết thúc môn và không dễ dàng tí nào!

Viết luận

Rất khác với VN, không phải là viết càng dài càng tốt, 20 hay 30 trang. Viết luận tại Úc yêu cầu tính theo số chữ. Một bài luận trung bình 1.000-2.000 chữ. Vượt hơn 10% số chữ được yêu cầu, số điểm của bạn có thể bị trừ. Đặc biệt vấn đề “đạo văn” được kiểm soát rất gắt gao. Bạn không thể “copy” và “paste” bất kỳ một đoạn văn nào trên Wiki, Google để chèn vào bài luận của bạn được.

Mỗi trường ĐH sẽ cung cấp cho bạn cách để tránh đạo văn, bạn nên đăng ký các lớp đó tại thư viện. Khi viết luận, bạn phải đảm bảo mình có ngữ pháp tốt và từ vựng tốt. Sẽ có những người tư vấn cho bạn về bài luận trong thư viện, nhưng họ không hề sửa lỗi cho bạn đâu. Bạn phải tự nhìn và sửa lấy.

Bên cạnh đó, để làm được bài luận, bạn phải đọc, đọc rất nhiều là khác nhưng không có nghĩa là bạn đọc tất tần tật để rồi bị choáng ngợp với lượng sách. Hãy phác thảo ý chính, dựa vào đó mà tìm những ý tưởng sách khác, dò qua mục lục, phần mở đầu sách, kết luận sách để dễ dàng tìm ra thông tin bạn cần và đỡ tốn thời gian.

Khi đến các buổi nghe giảng bài

Bạn có thể ngạc nhiên vì phần lớn bài giảng chỉ có một chút rất nhỏ giải thích cho những vấn đề cần hỏi. Bạn phải tự mình tìm các câu trả lời. Không có sự đúng hay sai ở đây, quy tắc là nếu bạn cho ý kiến của mình là đúng, bạn phải tự chứng minh được ý kiến đó, dựa trên cơ sở nào, nguồn nào và có ai làm hay chưa? Đó là điều hết sức quan trọng.

Đừng ngại phát biểu ý kiến của mình, bạn phải lên tiếng, nếu không bạn có thể bị mất 10% số điểm tham gia bài giảng.

Khuôn viên trường Đại học Monash
Khuôn viên trường Đại học Monash

Vui chơi giải trí: ngoài chuyện học, hãy dành thời gian vui chơi và tham quan các địa điểm của nước Úc. Luôn có những lễ hội miễn phí, những thắng cảnh mà bạn có thể đến đó hoàn toàn bằng xe buýt, xe điện hay xe lửa. Bạn có thể ngạc nhiên khi đi ra đường thấy cả một khu phố toàn là đồng hương Việt Nam.

Người Việt tập trung nhiều tại Springvale, North Richmond, Box Hill và Sunshine. Những bạn muốn dùng đồ ăn châu Á, hãy đến những địa điểm này để thuê phòng hay mướn nhà. Các cửa tiệm tại đây rất giống với Việt Nam (chất lượng thức ăn thì tôi chưa thể đánh giá vì chưa nếm qua), và nếu bạn muốn việc làm thêm thì những khu người Việt cũng có nhiều công việc để bạn tìm hiểu.

Nhưng phải nhớ làm một thời gian biểu riêng cho bản thân đấy, nếu bạn trễ hạn bài luận, bài của bạn sẽ không được chấm điểm và sẽ rớt môn. Sẽ hoàn toàn không ổn chút nào nếu bạn muốn tốt nghiệp.

Hi vọng với những chia sẻ trên đây của Thành Phát sẽ giúp bạn trang bị thêm kỹ năng cho mình và thành tài nơi đất khách quê người.

Nguồn: Tuổi Trẻ

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments