Úc: Không vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh sau 18 tháng, sẽ bị cắt trợ cấp Centrelink

0
1439
Dân nhập cư thất bại trong bài kiểm tra tiếng Anh sau 18 tháng sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất tiền trợ cấp. (Ảnh: những người phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt trên đường phố Sydney).

Theo dự luật mới, những người nhập cư tại Úc không vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh sau 18 tháng sẽ bị tước một số quyền lợi nhất định, bao gồm trợ cấp.

Đảng One Nation do bà Pauline Hanson lãnh đạo là bên đề xuất điều luật này.  Sau 18 tháng, người dân mới nhập cư phải đạt đến khả năng tiếng Anh theo yêu cầu nếu muốn tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp từ Centrelink.

Một khi thất bại trong việc học tiếng Anh sau thời gian quy định, cứ mỗi 2 tuần, những người này sẽ mất đi khoản trợ cấp 550 đô la theo diện Newstart.

Dân nhập cư thất bại trong bài kiểm tra tiếng Anh sau 18 tháng sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất tiền trợ cấp. (Ảnh: những người phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt trên đường phố Sydney).

Theo lời người đứng đầu đảng One Nation tại NSW Mark Latham, dân nhập cư không học tiếng Anh trong thời gian quy định buộc phải hi sinh tiền trợ cấp để bù đắp cho lỗ hổng về cách biệt văn hóa và tiến bộ của quốc gia.

Trả lời phỏng vấn đến từ Daily Mail Australia hôm thứ Sáu, ông cho biết: “Nếu không dùng cách này để tạo ra động lực tìm việc, mọi người đều sẽ bước lên con đường đình trệ và bế tắc do thất nghiệp. Cả xã hội đồng loạt đi xuống như thế chính là thảm họa đối với đất nước.”

Kết quả điều tra dân số năm 2016 cho thấy, ở Úc có đến 820.000 người ít hoặc không sử dụng tiếng Anh.

“Đây là một con số gây sốc. Nó thể hiện sự tách biệt và chia rẽ trong chính xã hội mà chúng ta đang sinh sống,” ông nói thêm.

Đảng One Nation của bà Pauline Hanson đã đề xuất khuyến khích dân nhập cư mới học tiếng Anh nếu muốn lĩnh trợ cấp từ Centrelink.

Một cựu lãnh đạo Đảng Lao động, đại diện cho toàn thể cử tri phía tây nam Sydney trong suốt 11 năm, nhấn mạnh rằng suốt cả thập kỷ qua, vấn nạn người nhập cư không chịu học tiếng Anh có xu thế ngày càng trầm trọng.

Phát biểu trong cuộc họp, ông nói: “Mọi người thường hay nói ‘Sao lại chỉ trích ai đó vì không học tiếng Anh cơ chứ, học hay không là quyền của họ mà’,”

“Thế nhưng trên đất nước chúng ta, đó không đơn giản là quyền cá nhân nữa.

“Chính nó là nguồn cội cho sự chia rẽ. Mọi người bị ngăn cách và cảm thấy mình không cùng là công dân một nước, không sống chung trong một xã hội với nhau.”

Đại biểu này cho hay ở khu vực ngoại ô Sydney mà ông quản lý, tình trạng chia cắt diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn.

“Trong 10 năm nay, phía tây Sydney đang dần biến chất đến mức khiến tôi thấy xa lạ. Phần lớn những đổi thay đó đều bắt nguồn từ việc người dân phụ thuộc tiền trợ cấp và sự tách biệt khỏi cộng đồng của những cá nhân không sử dụng tiếng Anh,” ông cho biết.

“Đây là hậu quả của việc nhập cư mà không chuẩn bị về mặt trình độ. Một nhóm người không nói tiếng Anh quây quần với nhau ở nơi dân cư thưa thớt sẽ gây ra vấn nạn đáng buồn như thế đấy.”

Ông Latham khẳng định thời gian 18 tháng đã đủ để một người học được cách sử dụng tiếng Anh: “Nếu bạn muốn tìm việc, biết tiếng Anh là lợi thế rất lớn.”

Theo ông Mark Latham, người nhập cư không dùng được tiếng Anh buộc phải hi sinh khoản tiền trợ cấp để bù vào lỗ hổng về cách biệt sắc tộc và chia cách xã hội mà họ gây ra.

“Bạn cần ngôn ngữ này để hòa nhập với cộng đồng tại Úc, và tận hưởng một đời sống xã hội lành mạnh.”

Mặc dù không ám chỉ người không nói tiếng Anh có mối liên hệ với khủng bố, song ông Latham vẫn nhận định thái độ cực đoan của người Hồi giáo được thể hiện rõ nét hơn ở những khu vực ít người nói tiếng Anh và phụ thuộc nhiều vào tiền trợ cấp.

“Nếu nhìn vào bản đồ nơi các đối tượng khủng bố bị bắt giữ tại phía tây Sydney, rất dễ thấy giữa chúng và các khu dân cư tách biệt không dùng tiếng Anh có mối tương quan rất lớn.”

Tuy nhiên, One Nation phủ nhận việc “chĩa mũi dùi” vào cộng đồng Hồi giáo ở Úc. Đảng này nhận định người gốc Ấn theo đạo này là “những công dân tốt”, “luôn làm việc và học hành hết sức chăm chỉ”.

“Vấn đề ở đây là làm sao để tiến hành hòa nhập với người theo đạo Hồi,” đảng này cho biết.

Cựu lãnh đạo Đảng Lao động nhấn mạnh rằng có mối tương quan sâu sắc giữa việc phụ thuộc trợ cấp và vấn nạn khủng bố.

One Nation không hề tỏ ra kì thị cộng đồng Hồi giáo.

“Chúng tôi luôn giữ vững phương châm tránh xa thái độ phân biệt và chia rẽ trong chính trị.”

Với tư cách là ứng cử viên thượng viện hàng đầu của One Nation trong cuộc bầu cử tại bang NSW tháng này, ông Latham cũng đã cam kết chuyển hướng hoạt động của tổ chức Multicultural NSW được chính phủ tài trợ. Thay vì tập trung trợ cấp cho dân nhập cư, mục tiêu giờ đây sẽ là khích lệ họ học tiếng Anh.

“One Nation sẽ bắt tay vào cải tổ cơ quan quản lý các vấn đề sắc tộc, tức Multicultural NSW, nhằm chuyển mục đích hoạt động từ ‘tôn vinh nét đa dạng về văn hóa’ sang tạo điều kiện cho sự hòa nhập”, trích tài liệu mà đảng này cung cấp.

Đây là “cơ hội vàng” để ông Latham được bầu vào Hội đồng Lập pháp bang NSW, nơi ông có thể chia sẻ cán cân quyền lực với đảng Christian Democrats của Fred Nile và Shooters Fishers and Farmers Party.

Trên phạm vi toàn liên bang, hiện One Nation đang giữ thế cân bằng tại Thượng viện bên cạnh các đảng nhỏ thuộc cánh hữu khác, bao gồm Đảng Bảo thủ của Cory Bernardi và Đảng United Australia của Clive Palmer.

Nguồn: dailymail