6 câu hỏi bạn nên tránh trong phỏng vấn xin việc

0
327

Những cuộc phỏng vấn xin việc có thể dễ dàng biến thành “cơn ác mộng” nếu như trong một khoảnh khắc căng thẳng, bạn lỡ miệng nói những điều không nên nói. Ví dụ như 6 câu hỏi dưới đây:

“Công ty anh/chị làm về mảng gì?”

Thường thì người tuyển dụng luôn trông đợi hoặc thậm chí mặc định rằng bạn đã phải đầu tư thời gian nghiên cứu kỹ về công ty họ trước khi quyết định nộp hồ sơ xin việc. Dành thời gian ra tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của một công ty cũng như những yêu cầu của vị trí tuyển dụng cũng giúp bạn “căn chỉnh” lại resume và có sự chuẩn bị tốt hơn khi đáp lại các câu hỏi của người phỏng vấn.

“Anh/chị có thể xếp lịch làm việc linh động cho tôi không?”

Trừ phi vấn đề này được chính nhà tuyển dụng chủ động đưa ra hoặc có nhắc đến trong tin tuyển dụng, thì những câu hỏi kiểu như tôi có thể làm việc từ xa (ở nhà/bên ngoài văn phòng công ty), hay tôi có thể làm từ giờ a đến giờ b hôm nay rồi giờ c đến giờ d ngày mai v..v.. không là những câu hỏi tối kỵ không nên đề cập tới.

“Trong trường hợp nào thì tôi sẽ được thăng chức/tăng lương?”

Với câu hỏi này, bạn có thể cho rằng mình sẽ xây dựng được hình ảnh của một người có chí tiến thủ và giàu tham vọng trong mắt nhà tuyển dụng, nhưng thực tế họ sẽ cho rằng hoặc là bạn đang quá tự tin về bản thân, hoặc là bạn thuộc hạng người “đứng núi này trông núi nọ.”

“Liệu tôi có phải làm việc ca dài (long shift/long hours) không?”

Một ca làm việc thông thường kéo dài 4 (đối với part-time jobs) hoặc 8 tiếng đồng hồ (full-time jobs) nhưng cũng có thể sẽ dài hơn thế (10-12 tiếng) và được gọi là long shift hay long hours. Dĩ nhiên chúng ta đều muốn bảo vệ quyền lợi của bản thân, nhưng đôi khi câu hỏi này sẽ khiến nhà tuyển dụng tin rằng người hỏi nó là kẻ lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm nghĩ đến tiền bạc, và không muốn phải cống hiến hết sức mình trong công việc.

“Anh/chị có quản lý/theo dõi các trang mạng xã hội của nhân viên không?” 

Quyền riêng tư có thể là một câu hỏi lớn trong thời đại ngày nay. Nhưng thực lòng mà nói, 99.99% mọi công ty trên thế giới đều áp dụng việc quản lý hoặc theo dõi các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, v..v..) của nhân viên ở một mức độ nào đó để đảm bảo hình ảnh thương hiệu của họ không bị ảnh hưởng bởi những chuyện “trời ơi đất hỡi”. Đặt câu hỏi này ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên có thể sẽ đồng nghĩa với lời tự thú “Tôi có gì đó cần phải giấu diếm trên trang mạng xã hội của mình.”

 

Cuối cùng, không hỏi câu gì cả:

Cần hiểu rằng khi nhà tuyển dụng cho bạn cơ hội để “chất vấn” họ, thì tức là họ muốn xem xem bạn có chút hiểu biết hay kiến thức gì về công ty mà mình đang ứng tuyển hay không. Đặt câu hỏi một cách thông minh và sát thực với vị trí tuyển dụng cũng là cách chứng tỏ bạn thực sự quan tâm tới công việc và nghiêm túc muốn được làm việc. Không đặt một câu hỏi nào thường được xem đồng nghĩa với thiếu đầu tư chuẩn bị trước phỏng vấn và yếu kém về kinh nghiệm làm việc trong quá khứ.

Eric/Vietucnews, lược dịch từ The Naked CEO, một trong những cuốn sách dạy kỹ năng làm việc và quản lý thành công nhất trên thế giới.