Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan sẽ khai mạc từ ngày 2/11-4/11/2019 tại Bangkok, Thái Lan, với sự tham gia của khoảng 3000 quan chức và nhà báo từ các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, New Zealand, Ấn Độ và một số quốc gia khác. Hội nghị đóng vai trò là hội nghị quốc tế và khu vực nổi bật, tại đó các nhà lãnh đạo cấp cao thảo luận vấn đề quan trọng liên quan quốc gia ASEAN đồng thời tăng cường hợp tác với các quốc gia khác.
Tình hình ở Biển Đông thời gian gần đây là chủ đề “nóng hổi” được các nhà ngoại giao hàng đầu thảo luận tại hội nghị này. Trở lại tháng 7, nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 (HD8) thực hiện khảo sát địa chất tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây ra quan hệ căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc hơn ba tháng qua và Mỹ đã lên tiếng phản đổi Bắc Kinh về “hành vi không tuân thủ luật pháp quốc tế” trên.
Ngày 24/10, tàu HD8 rời vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên ảnh hưởng của các hoạt động này là rất lớn đối với Việt Nam và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở khu vực Biển Đông như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia… Đặc biệt, lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo được cải tạo trái phép làm trung tâm hậu cần, cho phép các tàu Trung Quốc neo đậu tiếp nhiên liệu khi hoạt động cách xa căn cứ hải quân gần nhất tại đảo Hải Nam trong một thời gian dài.
Tất nhiên đây sẽ không phải lần cuối cùng như vậy, điều này chứng minh các nước Đông Nam Á sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh đó, việc phát hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” trong cảnh phim hoạt hình của hãng DreamWorks và được trình chiếu tại các rạp chiếu phim của Philippines, Việt Nam, Malaysia làm gia tăng sự ngờ vực về cách tiếp cận giải quyết vấn đề Biển Đông của Trung Quốc.
Thực sự rất thú vị khi quan sát các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN phản ứng tại hội nghị thượng đỉnh này. Theo Bangkok Post, dự thảo tuyên bố của nước chủ nhà cho thấy các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hoạt động cải tạo của các quốc gia có yêu sách chủ quyền ở khu vực Biển Đông, đồng thời hoan nghênh việc thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) để giải quyết các vấn đề tranh chấp “ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa, tự kiềm chế các hoạt động làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông của các bên liên quan”. Sự không rõ ràng của nội dung dự thảo có thể gây thất vọng. Tuy nhiên, sự thật dự thảo đã đề cập đến đúng tình hình hiện tại, đó là điều thành công. Thậm chí, Thủ tướng Campuchia Hunsen đã phát biểu nhân chuyến thăm Việt Nam gần đây “Một số quốc gia ASEAN không nên mong đợi ASEAN sẽ giải quyết triệt để vấn đề chủ quyền và ASEAN không phải là tòa án”.
Thực tế, ASEAN coi Trung Quốc là đối tác đối thoại “quan trọng nhất” và việc đối thoại nên “là quan hệ đối thoại năng động và thực chất nhất khu vực”. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc vừa là đối tác kinh tế vừa là mối đe dọa với sự ổn đinh, thịnh vượng của khu vực khi vấn đề tranh chấp ở Biển Đông chưa được giải quyết.
Trong ngắn hạn, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ giúp các nước ASEAN vì Bắc Kinh khó có thể sử dụng các biện pháp “cưỡng chế” để giải quyết tranh chấp. Những năm gần đây, Mỹ từng bước tăng cường hoạt động quân sự và hiện diện hải quân ở Biển Đông để bảo vệ lợi ích chính trị, an ninh, kinh tế ở khu vực này. Từ tháng 5 năm 2017, Mỹ đã tiến hành 06 cuộc tuần tra FONOPs, bên cạnh đó, để đối phó với thái độ hung hăng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp, Nhật Bản đã bán tàu hải cảnh và thiết bị quân sự cho Việt Nam và Philippines để nâng cao năng lực bảo vệ hàng hải.
Nhân chuyến thăm Việt Nam (8/2019), Thủ tướng S.Morrison, Úc chia sẻ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông; khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không; nhấn mạnh các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Gần đây, Úc tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông, trong đó có hợp tác hải quân với các nước Đông Nam Á thông qua tập trận chung và cử hạm đội hải quân tham quan, giao lưu với hải quân các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hải quân Hoàng gia Malaysia và Hải quân Úc đã thống nhất tập trận chung hai năm một lần nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, khả năng chiến đấu, và phối hợp ứng phó với các tình huống trên biển. Tháng 5/2019, hai tàu hải quân Hoàng gia Úc đã thăm cảng Cam Ranh (Việt Nam) nhằm tăng cường quan hệ hải quân và góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia.
Những năm tới, hải quân Úc sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến thăm đến một số nước trong khu vực như Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia nằm trong khuôn khổ hoạt động “Nỗ Lực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2019 (IPE)” của Australia nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng hướng đến một khu vực an ninh, hòa bình, đồng thời xây dựng quan hệ đối tác đa phương, song phương hợp tác, hữu nghị…
Trước các động thái của các quốc gia khác trên thế giới, thay vì ép buộc trực tiếp, Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy hoàn thiện COC kèm theo điều khoản buộc các quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông chấp nhận khai thác chung ở khu vực tranh chấp. Điều này đặt ra một thách thức cho ASEAN cần có lập trường thống nhất, mạnh mẽ nhằm chống lại chiến lược “chia rẽ” của Trung Quốc. Đàm phán COC vừa kết thúc vòng đầu tiên và cần thêm hai vòng đàm phán khác,đây sẽ là “thuốc thử” cho sự đoàn kết và thống nhất nội khối của ASEAN.
Hoàng Tuấn