Vietucnews – Mới đây, chính phủ ông Morrison đã điều động thêm 140 nhân viên Serco đến trại tạm giam vừa hoạt động trở lại trên đảo Giáng Sinh – Nơi người tị nạn được giam giữ ở đây. Tuy nhiên, hành động này lại bị xem là khó hiểu vì trên đảo đã không còn bóng dáng dân tị nạn sau đạo luật sơ tán y tế gây tranh cãi mà nghị viện Úc thông qua.
Ngay trong tháng ban hành luật sơ tán y tế, mới chỉ có một người được đưa vào lãnh thổ Úc theo diện này. Song, chính phủ vẫn không ngừng cảnh báo động thái trên sẽ tạo tiền lệ khiến hàng trăm người di cư trái phép ùa ra khỏi trại tạm giam ở Nauru và Papua New Guinea.
Thư ký Bộ Nội vụ Mike Pezzullo xác nhận người này đã được chuyển đến Úc để chữa bệnh. Họ không hề ghé qua trại giam trên đảo Giáng Sinh, nơi chính phủ Úc sẽ đầu tư 185 triệu đô la để tái thiết lập hoạt động sau sự cố đóng cửa hồi năm ngoái.
Ông Pezzullo cho biết hiện họ chỉ mới chấp thuận ba hồ sơ yêu cầu chuyển vào đất liền, trong đó có một trường hợp “còn đang xử lý”.
Phe ủng hộ dân tị nạn, dẫn đầu bởi nghị sĩ độc lập Kerryn Phelps – người đặt nền móng cho đạo luật này – lập luận rằng hiện có đến 70 người di dân cần được chăm sóc sức khỏe ngay lập tức. Họ phải được chuyển đến đất liền nước Úc, bởi cơ sở vật chất và trình độ y bác sĩ tại các trại giam Nauru và Manus không đủ tiêu chuẩn khám chữa bệnh. Do đó, đạo luật sơ tán y tế được thông qua vào tháng 2 sẽ mang đến nhiều lợi ích cho nhóm người tị nạn.
Trước tình thế trên, chính phủ vẫn kiên quyết bảo vệ lập trường của mình và cảnh báo về những hậu quả tai hại mà đạo luật có thể gây ra. Tháng trước, ông Morrison đã ghé qua đảo Giáng Sinh để giám sát tình hình hoạt động của trại tạm giam.
Báo cáo ngân sách hôm thứ Ba cho thấy chính phủ dự định chi 185 triệu đô la để mở lại cơ sở tạm giam trên đảo. Nếu phe ông Morrison thành công, động thái này sẽ chấm dứt hiệu lực của đạo luật Medevac và yêu cầu đóng cửa trại giam trước ngày 01/07 tới.
Trong cuộc họp của Thượng viện vào thứ Năm, các quan chức Bộ Nội vụ cho biết đã có 140 nhân viên Serco được điều động đến đảo Giáng Sinh để phục vụ cho công tác tái thiết lập cơ sở. Một phần trong số họ sẽ định cư trên đảo, trong khi số còn lại liên tục di chuyển giữa đảo và đất liền.
Serco sẽ là đơn vị thay mặt cho chính phủ để xử lý vấn đề an ninh và hậu cần. Ngoài ra, trên đảo còn có 14 nhân viên y tế, cùng một số thành viên của Lực lượng Biên phòng và Cảnh sát Liên bang.
Thư ký trợ lý Bộ Nội vụ Stephanie Cargill cho biết chi phí 185 triệu đô la được ước tính dựa trên cơ sở có 250 người bị giam giữ tại đây. Hiện tại thì chẳng có ai, song phần lớn chi phí vẫn là cố định bởi nó phục vụ cho việc tái tạo cơ sở vật chất để mở cửa trại giam.
Ông Pezzullo xác nhận: “Không có dân tị nạn nào xuất hiện trên đảo Giáng Sinh từ khi đạo luật Medevac được thông qua.”
Richard Di Natale, lãnh đạo Đảng Xanh kiêm bác sĩ, tin rằng việc thưa thớt đơn xin chuyển đến đất liền để khám chữa bệnh có liên quan rất lớn đến chính phủ. Động thái mở cửa trại tạm giam trên đảo Giáng Sinh đã khiến dân tị nạn lo sợ, chẳng khác nào đặt một “rào cản khổng lồ” trước mặt họ.
“Tôi phải chịu trách nhiệm vì đã đề nghị thuyên chuyển bệnh nhân đến một nơi vừa xa gia đình, vừa thiếu hụt điều kiện chăm sóc y tế mà họ cần đến,” ông Di Natale nói.
Ông cho rằng dân tị nạn nên ở lại Nauru hoặc Papua New Guinea còn hơn là đến đảo Giáng Sinh.
Thượng nghị sĩ Di Natale nhận định những nỗ lực của chính phủ trong việc ngăn chặn dự luật sơ tán y tế được thông qua đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng của đạo luật này.
Bộ trưởng Tài chính Mathias Cormann ủng hộ quan điểm của chính phủ ông Morrison trong việc tái vận hành trại tạm giam ở đảo Giáng Sinh. Theo ông, quyết định này được đưa ra sau khi đã “cân nhắc kĩ càng” và “đang chứng tỏ hiệu quả như mong đợi”.
Thượng nghị sĩ Cormann tin rằng buổi họp báo của ông Morrison về tình hình trên đảo đã “gửi một thông điệp cảnh cáo mạnh mẽ đến người tị nạn trong khu vực, đặc biệt là dân buôn lậu – những kẻ cho rằng mình có thể lợi dụng cơ hội này để làm xằng làm bậy trên lãnh thổ nước Úc”.
Trại tạm giam trên đảo Giáng Sinh được xây dựng dưới thời chính phủ Howard và đưa vào hoạt động trong thời gian đảng Lao Động nắm quyền vào năm 2008. Nơi này cách Broome 2000 km về phía tây bắc, gần với đảo Java của Indonesia hơn là đất liền nước Úc.
Nửa cuối năm ngoái, chính phủ đã đóng cửa trại tạm giam trên đảo Giáng Sinh. Đây chỉ là 1 trong số 20 cơ sở bị tạm ngưng hoạt động trên toàn quốc.
Hiện ông Phelps chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào về vụ việc.
Nguồn: The Age