Khi các học sinh Việt Nam đã học hết nửa học kì đầu và chuẩn bị nghỉ Tết thì trẻ em Úc lại rục rịch cho năm học mới vào cuối tháng Giêng sau một kì nghỉ hè kéo dài chừng 6 tuần. Ở Úc, không có một lễ khai giảng cho toàn trường như ở Việt Nam. Thay vào đó, nhà trường chỉ tổ chức gặp mặt toàn thể phụ huynh của học sinh vỡ lòng (5 tuổi) ngay trước ngày tựu trường.
Câu chuyện truyền cảm hứng về Derek Redmond
Trường Tiểu học Ironside nằm ở quận St Lucia của thành phố Brisbane. Thành lập năm 1870, đây là một trong những ngôi trường có tuổi đời lâu năm nhất ở thành phố này.
Chào đón phụ huynh của các bé vỡ lòng có đầy đủ các thầy cô giáo trong ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên phụ trách lớp. Trong lời chào mừng, cô hiệu trưởng không nói nhiều về thành tích của nhà trường, về mục tiêu đào tạo hay sự chờ đợi nào đó dành cho các thiên thần nhỏ.
Thay vào đó, bà mời phụ huynh xem một đoạn video ngắn về vận động viên chạy 400m Derek Redmond tại Thế vận hội Barcelona năm 1992.
Derek Redmond là một vận động viên điền kinh xuất sắc của Anh Quốc. Anh đã từng giành huy chương vàng ở cự li 400 tiếp sức tại Giải Vô địch Điền kinh Thế giới năm 1991 tại Tokyo (Nhật Bản) cũng như đoạt ngôi quán quân trong Đại hội thể thao khối Thịnh Vượng Chung năm 1986 tại Edinburg (Scotland).
Tuy nhiên, sự nghiệp thể thao đỉnh cao của Derek Redmond cũng bị gián đoạn nhiều do nhiều chấn thương. Tại Thế vận hội Mùa hè Seoul năm 1988, anh đã phải bỏ cuộc ngay trước khi bắt đầu lượt chạy vòng loại của mình hơn một phút do tái phát chấn thương ở gót chân Achilles.
Mặc dù đã trải qua 8 lần phẫu thuật do chấn thương tính đến trước Olympic Barcelona 1992 nhưng Derek Redmond vẫn được xem là ứng cử viên hàng đầu cho chiếc HCV Thế vận hội tại cự li chạy 400m.
Đoạn video quay lại đợt chạy bán kết 400m tại Thế vận hội Barcelona năm 1992. Derek Redmond đã xuất phát rất tốt và vươn lên dẫn đầu trong khoảng 150m đầu tiên. Tuy nhiên, sự cố đã xảy ra.
Derek Redmond đột ngột khựng lại trên đường chạy. Chấn thương gây khoeo của anh tái phát. Anh gục xuống trong nỗi đau đớn và hiểu rằng cơ hội giành huy chương Olympic đã vuột khỏi tầm tay mình.
Tuy nhiên, với quyết tâm không bỏ cuộc, Derek Redmond vẫn nén đau, đứng dậy, nhảy lò cò để nỗ lực hoàn thành nốt phần thi của mình.
Đúng lúc đó, bỗng có một người đàn ông trung tuổi vạm vỡ, từ trên khán đài lao ra phía đường chạy nơi Redmond đang lết từng bước khó nhọc về đích.
Khi đội ngũ bảo vệ ngăn ông lại, ông nói với họ: “Nó là con trai tôi đấy” rồi vượt qua tất cả để chạy đến chỗ Derek. Đó là ông Jim Redmond, cha của Derek.
“Con ơi, cha đây!”, người cha ôm lấy vai con trai mình, “Con không cần phải chạy nữa đâu”.
Nước mắt giàn giụa vì đau đớn xen lẫn xúc động, Redmond bảo với cha mình:“Không được cha ơi, con phải hoàn thành xong phần thi của mình”.
“Thế thì hai cha con ta cùng chạy”, người cha quả quyết. Và thế là Derek vịn vào vai cha mình để ông dìu đi. Khi hai người cùng cán vạch đích, họ nhận được những tràng vỗ tay nhiệt liệt từ phía gần 7 vạn cổ động viên có mặt trên khán đài khi đó bất chấp việc Derek đã phạm quy và bị loại.
Câu chuyện của hai cha con nhà Redmond đã trở thành một trong những sự kiện truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực thế thao. Sau này, để vinh danh, các nhà tổ chức Olympic London 2012 đã mời ông Jim Redmond tham gia đoàn rước đuốc tại lễ khai mạc Olympic.
… Và hai bức thông điệp dành cho phụ huynh
Video kết thúc. Nỗi xúc động lan toả khiến cả khán phòng lặng đi trong chốc lát. Ai cũng có trong đầu những cảm xúc và suy nghĩ riêng về câu chuyện vừa được xem.
Nhưng cô hiệu trưởng đã ân cần làm rõ hai thông điệp mà nhà trường muốn nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh:
Thứ nhất là không bao giờ bỏ cuộc. Điều này áp dụng cho cả phụ huynh và học sinh. Đối với những thách thức hay trở ngại trong công việc học tập thì điều mà nhà trường chờ đợi ở học sinh là hãy tìm những phương hướng giải quyết phù hợp thay vì bỏ mặc hay buông xuôi. Với các cháu đang ở ngưỡng cửa tiểu học thì đây là một yêu cầu tối quan trọng.
Còn đối với cha mẹ, việc dạy dỗ con cái đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên trì cao độ. Muốn con không bỏ cuộc thì bản thân cha mẹ phải không bỏ cuộc.
Nền giáo dục Úc nhìn nhận mỗi trẻ em như một tiểu vũ trụ, nơi chứa đựng biết bao điều bí ấn và diệu kì. Mỗi một đứa trẻ có những năng lực riêng. Có cháu thì thế mạnh là ở môn tập đọc, nhưng cáccháu khác lại nổi trội trong các môn học như thể dục, lịch sử hay toán học.
Vấn đề cốt lõi là người lớn cần phải là người nhìn ra điểm mạnh ra và phát huy năng lực của từngcháu.
Do đó, không có khái niệm cháu nào “kém” hơn cháu nào cả. Giữa các học sinh, sự ganh đua xem cháu nào xuất sắc hơn là không tồn tại. Trong cùng một lớp, có cháu có thể đọc hiểu trôi chảy cảchương sách, trong khi có cháu chỉ mới bắt đầu nhớ hết mặt chữ cái. Tuy nhiên, khoảng cách nàykhông hề có ý nghĩa gì cả miễn là các cháu không nản chí bỏ cuộc và luôn hoàn thành tốt việc đọccủa mình.
Thứ hai là cha mẹ cần luôn là người đồng hành tin cẩn và yêu thươngvới con cái của mình trong cả chặng đường học tập. Trong triết lí giáo dục của Úc, gia đình luôn được nhìn nhận như một kênh trọng yếu.
Gia đình, cụ thể là cha mẹ, luôn gắn bó với từng hoạt động học tập của con cái. Cha mẹ không phải là những người áp đặt cho con cái những mục tiêu cao xa vời vợi hay ép con cái phải học theo ý muốn của họ. Thay vào đó, cha mẹ là người đi cùng với con cái mình, chia sẻ với chúng từng công việc học tập.
Nguyên tắc này được giáo viên hiện thực hoá thông qua việc hướng dẫn cha mẹ phải “học cùng” với con. Chẳng hạn, trong môn tập đọc, mỗi ngày, các cháu được giáo viên giao cho một quyển sách nhỏ để đọc ở nhà.
Tuy nhiên, các cháu không đọc sách một mình. Giáo viên đề nghị cha mẹ phải đọc cùng và thảo luận cùng với con mình về nội dung sách vào mỗi tối. Mỗi sáng đi học, phụ huynh phải viết nhận xét về quyển sách đó. Nếu giáo viên chưa nhận được lời nhận xét của phụ huynh thì học sinh sẽ không được phát cho sách mới.
Khi học cùng như vậy, một nguyên tắc được quán triệt là phải luôn động viên và tôn trọng các cháu, tuyệt đối không la mắng, than phiền. Giáo dục Úc rất chú trọng đến việc hứng thú và đam mê với việc học tập. Thêm nữa, ngay từ nhỏ, trẻ em luôn được dạy và ý thức rất rõ về các quyền mà chúng được hưởng. Do đó, cha mẹ và cả thầy cô nâng đỡ học sinh bằng cách khuyến khích các cháu vượtqua các thử thách trong học tập thay vì sử dụng các biện pháp kỉ luật hà khắc và cứng nhắc.
Câu chuyện của Derek Redmond mà cô hiệu trưởng trường Ironside được ngân lên trong giai điệu sâu lắng của nhạc phẩm “You raise me up” (tạm dịch: Cha nâng con đứng lên).
“You raise me up, so I can stand on mountains;
You raise me up to walk on stormy seas;
I am strong when I am on your shoulders;
You raise me up to more than I can be.
Tạm dịch:
Cha nâng con đứng lên,
Con vượt cao hơn núi
Cha nâng con đứng lên
Con băng qua bão nổi
Cha trao con sức mạnh
Khi vịn bờ vai cha
Cha nâng con mỗi bước
Con chợt lớn thêm ra…
Nguồn: Vietnamnet