Đằng sau Vi Tran là “tín dụng đen”?

1
2416
Các nạn nhân vụ Vi Tran đến trình báo cảnh sát ở khu Town Hall - Ảnh: C.T.V

Chiết khấu của các hãng hàng không dành cho đại lý vé tối đa chỉ lên đến 50 -60AUD cho một vé khứ hồi, nhưng du học sinh mua vé qua Vi Tran được giảm có khi lên đến 400 AUD.

Chính việc đưa ra giá rẻ đến không ngờ cộng với những ưu đãi như từ trên trời rơi xuống với các du học sinh, như được nâng hạng thương gia miễn phí, tặng thêm kg hành lý và thậm chí mua vé máy bay trả góp.

Hơn một năm qua, Vi Tran đã trở thành địa chỉ mua vé máy bay “lý tưởng” của các du học sinh Việt Nam ở Úc, cho đến khi vụ lừa đảo bại lộ, mà nói như mẹ của Lê Mỹ Trúc, người đứng sau cái tên Vi Tran: “Chuyện này giống như vỡ nợ”.

Mỹ Trúc đặt vé cho khách hàng thông qua con nhỏ nào đó rồi bị lừa. Tới giờ chót, không có vé, khách điện thoại hỏi mới hoảng lên. Chuyện này cũng giống như vỡ nợ. Bà Nguyễn Thị Hoài Mỹ, mẹ của Lê Mỹ Trúc.

Thủ đoạn huy động vốn

Với các “dịch vụ khuyến mãi và hậu mãi” tốt, Vi Tran đã tạo được niềm tin trong cộng đồng du học sinh Việt ở Úc, người này kháo người kia, và để lại những lời bình luận, khen dịch vụ của Vi Tran lên tận mây, đã khiến cho nhiều du học sinh đang cần có những tấm vé rẻ lao vào, mà bất chấp việc cần phải hiểu rằng, họ đang giao dịch với một “chợ đen”.

Phần lớn các du học sinh đều lên kế hoạch về Việt Nam trước vài tháng, có khi trước cả nửa năm. Như H.P., một du học sinh đang học tại Sydney, từ ngày 1.12.2015, cô đã đặt mua 2 vé máy bay khứ hồi về Việt Nam giá 1.700AUD vào ngày 30.6.2016 và như các nạn nhân khác, H.P. vừa phát hiện mã vé mà Vi Tran đưa cho cô là không có thật.

Cảnh sát bang New South Wales làm việc với đại diện Hội du học sinh Việt Nam ở Úc - Ảnh: VDS
Cảnh sát bang New South Wales làm việc với đại diện Hội du học sinh Việt Nam ở Úc – Ảnh: VDS

Tương tự, nhiều trường hợp phát hiện Vi Tran dùng mã vé của người này để gắn lên cái tên của người kia. Cho đến khi bị phát hiện và bị khách hàng giục giã, Vi Tran mới bỏ tiền ra mua vé và đưa mã thật cho du học sinh, có lúc ngay sát giờ lên máy bay, với tấm vé vét ở hạng thương gia và Vi Tran “nổ” với khách hàng của mình là đã nâng hạng miễn phí cho họ. Với cách làm “liều mạng” này, Vi Tran lại được những khách hàng của mình tâng bốc về dịch vụ “hảo hạng với giá rẻ” mà chỉ có thể tìm thấy ở Vi Tran.

Trả lời Thanh Niên, Vietnam Airlines khẳng định Vi Tran không phải là đại lý chính thức có hợp đồng thương mại với họ. Theo đánh giá của cảnh sát Úc, việc mua bán giữa khách hàng với Vi Tran là các giao dịch dân sự giữa các cá nhân, không liên quan đến Vietnam Airlines.

N.Đ.T.N. một nạn nhân khác của Vi Tran, đang du học tại Melbourne (bang Victoria) đau khổ kể: “Em là du học sinh đã ở Úc được 2 năm 7 tháng và đây là lần đầu tiên đặt vé về Việt Nam.

Bạn bè em đều mua vé của chị Vi Tran vì dich vụ tốt, những lời khen có cánh và khuyến mãi giá rẻ. Bạn bè em đi một năm trước thì bình thường và em đã vui mừng vì gặp được một đại lý bán vé có giá tốt cho sinh viên”.

“Em đặt mua 2 vé vào tháng 11.2015, bay ngày 10.1.2016, khứ hồi ngày 15.2.2016 nhưng do không có đủ tiền nên em phải xin trả góp. Tiền vé là 2.480AUD, đã bao gồm 40kg hành lý. Sau những lần gửi hoàn tất, Vi Tran gửi lại em cái mã vé.

Em và bạn trai nghĩ rằng đó là vé máy bay. Cách một tuần, em quên là vé được mang bao nhiêu kg hành lý nên lên Vietnam Airlines kiểm tra, thì thấy mã vé đã bị hủy. Thấy có chuyện không hay và lập tức lên Hội du học sinh ở Melbourne, thì thấy rành rành trước mắt, mình là một trong những nạn nhân của vụ lừa đảo rất tinh vi…”, N.Đ.T.N. tức tưởi kể.

Các nạn nhân vụ Vi Tran đến trình báo cảnh sát ở khu Bankstown - Ảnh: C.T.V
Các nạn nhân vụ Vi Tran đến trình báo cảnh sát ở khu Bankstown – Ảnh: C.T.V

Lợi dụng phương thức đặt vé trước, xác nhận thanh toán sau trong 12 giờ của Vietnam Airlines và cách tạo niềm tin với cộng đồng du học sinh Việt ở Úc trong hơn một năm qua, đến thời điểm bị bại lộ, Vi Tran đã thực hiện việc “huy động vốn” từ thủ đoạn bán vé máy bay giá rẻ cho trên 400 du học sinh Việt ở Úc với số tiền lên đến khoảng 500.000 AUD (tương đương 7,8 tỉ đồng), một số tiền không nhỏ.

Tín dụng “đen”?

Nhiều nạn nhân của Vi Tran đặt câu hỏi, với cách bán vé giá rẻ hơn cả các đại lý của các hãng hàng không trung bình từ 100 – 200AUD một vé khứ hồi, có lúc rẻ đến hơn 400AUD, thì làm sao Vi Tran có lời để duy trì “dịch vụ” trong hơn năm qua.

Từ các tài liệu Thanh Niên thu thập được do các nạn nhân cung cấp, cho thấy, Vi Tran dùng chính tiền vé của các nạn nhân để bù lỗ. Và với việc “găm” tiền của du học sinh, đưa mã vé ảo hoặc bị hủy, đến giờ chót mới cung cấp mã vé thật cho khách hàng lên máy bay là cách mà Vi Tran kéo dài thời gian giữ vốn để sinh lợi.

Các nạn nhân vụ Vi Tran đến trình báo cảnh sát ở khu Town Hall - Ảnh: C.T.V
Các nạn nhân vụ Vi Tran đến trình báo cảnh sát ở khu Town Hall – Ảnh: C.T.V

Với thị trường “tín dụng tự do” sinh động và được rao nhan nhản trên các tờ báo tiếng Việt ở Úc, mọi người không khó để tìm ra một địa chỉ “vay nóng” với lãi suất “hấp dẫn từ 15 – 20%/ngày” mà không cần phải đạt được những điều kiện khắt khe như vay của ngân hàng.

Không loại trừ, Vi Tran có thể đã tham gia “huy động vốn” từ chiêu lừa bán vé máy bay giá rẻ, để cung cấp tiền cho “thị trường tín dụng tự do” này để kiếm lời. Vì vậy, đằng sau cú lừa vé máy bay giá rẻ mà Vi Tran thực hiện, có thể là cả một đường dây “tín dụng đen” mà người đứng sau cái tên Vi Tran là một mắt xích. Và như mẹ của Lê Mỹ Trúc, người đứng sau cái tên Vi Tran, nói: “Chuyện này giống như vỡ nợ”.
Những ngày qua, phóng viên Thanh Niên liên tục liên lạc với gia đình Lê Mỹ Trúc sau khi bà Nguyễn Thị Hoài Mỹ hứa trả tiền lại cho các nạn nhân có mua vé máy bay thông qua con bà trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 8.1, nhưng bà Mỹ từ chối cho biết làm thế nào để các nạn nhân có thể được nhận lại tiền và bà có mong muốn hợp tác với cảnh sát ở Úc như thế nào.

Nguồn: Thanh Niên Online

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments